Hiếm gặp: Một sản phụ mang song thai, đẻ con gái thứ hai còn nguyên trong bọc ối
Bé gái là một trong hai đứa trẻ song sinh, lại nằm trong tình trạng thai ngôi mông khiến việc bắt con ra khỏi bụng mẹ vô cùng khó khăn. Trong thời khắc cam go, các bác sĩ quyết định cho người mẹ “tự thân vận động” để sinh được một đứa bé còn nằm nguyên trong bọc ối.
Đó là trường hợp vượt cạn đầy khó khăn nhưng cũng rất thú vị của sản phụ V.T.H.A. (23 tuổi, quê Long An). Ngày 17-6, trong lần sinh con lần hai của mình tại BV Hùng Vương (TP.HCM), chị A. đã cho ra đời hai bé gái kháu khỉnh. Tuy nhiên để có được hạnh phúc này, chị cùng đội ngũ y bác sĩ đỡ đẻ đã có hơn một tiếng đồng hồ đầy căng thẳng, bởi một trong hai đứa trẻ vừa sinh ra nằm trong tình trạng thai ngôi mông.
Cụ thể, sau khi người mẹ sinh bé đầu tiên nặng 2.200 gram thuận lợi, vì em bé thứ 2 rơi vào tình trạng "ngược ngạo" trên, thông thường các BS sẽ phá vỡ màng ối, đưa tay vào buồng tử cung của sản phụ qua đường âm đạo, nắm chân của thai nhi xoay thành tư thế thuận rồi tiến hành "đại kéo thai" ra ngoài. Tuy nhiên, vì cả bọc ối chứa thai nhi đã vào khung chậu của người mẹ, đồng thời nước ối trong bọc là rất ít khiến việc xác định chân của thai nhi là vô cùng khó.
Sản phụ sinh bé gái thứ hai khi vẫn còn nguyên trong bọc ối.
Bé gái thứ hai ra đời an toàn, nặng 2.400 gram.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên khoa Phụ sản, Đại học Y Dược TP.HCM, người trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ A. kể lại: "Trong trường hợp này, nếu không nắm được chân mà nhầm thành tai thì sẽ vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến những sang chấn sản khoa, đứa bé sinh ra có thể bị gãy tay cùng những chấn thương khác. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định cho người mẹ tự rặn sinh bọc điều. Điều này có thể gọi nôm na là biến khó khăn thành thuận lợi, bởi trong quá trình chui ra từ bụng mẹ, trẻ sẽ được túi ối bao bọc, bảo vệ".
Dù vẫn cho người mẹ sinh theo ngả âm đạo, tuy nhiên các BS vẫn hết sức tập trung, sẵn sàng can thiệp bằng phẫu thuật nếu không may túi nước ối bất ngờ vỡ ra. May mắn là trọng lượng của bệnh nhi không quá nặng cũng như lượng nước còn trong bọc ối rất ít, sau 60 phút căng thẳng, bé gái thứ hai nặng 2.400 gram cũng ra đời an toàn, nằm yên trong bọc ối (bọc điều) trong sự vui mừng, thở phào nhẹ nhõm của các y bác sĩ.
Đây là một trường hợp rất thú vị và hiếm gặp.
TS.BS Trung chia sẻ, những trường hợp trẻ sinh ra còn nguyên trong bọc ối (bọc điều) là rất hiếm (tỉ lệ trung bình là 1/80.000 trẻ), khi mỗi năm ông chỉ tiếp nhận 1-2 ca như vậy. Tuy nhiên, vừa là song thai vừa đẻ bọc điều trong ngôi mong như ca vừa qua thì là lần đầu tiên ông tiếp nhận.
"Ngôi mông đa phần phải mổ sinh vì tai biến "kẹt đầu hậu" khi sinh hiếm ai có thể chấp nhận được. Biến chứng này tương tự như người bị treo trên dây thòng lọng. Khi đó, nếu bác sĩ càng cố kéo thai nhi ra, nguy cơ thai nhi tử vong rất nhanh, thậm chí có thể đứt đầu thai nhi. Chính vì những tai biến đáng sợ đó, ngôi mông hiện nay đa số được chỉ định mổ sinh, chỉ trừ một số ít trường hợp, mà trong số đó là sinh thai thứ 2 ngôi mông trong song thai.
Trường hợp chị A. có thể sinh em bé trong bọc ối (bọc điều) vì thai nhi không quá lớn. Khi sinh em bé thứ 2, lượng nước trong bọc ối không còn nhiều cũng như hai bé nằm trong hai bọc ối riêng biệt" – BS Trung nói.