Hãy thôi ngay câu "Con hư tại mẹ", nhìn 2 bà mẹ tuyệt vời này sẽ thấy phụ nữ nuôi dạy con cứ gọi là đỉnh!
Nhân Ngày của mẹ, hãy cùng điểm lại 2 bà mẹ vĩ đại, từng khiến thế giới ngưỡng mộ vì cách dạy con của mình.
Lâu nay, nhiều người thường nói 1 câu cửa miệng "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" để nói đến nhược điểm trong vấn đề dạy dỗ con cái của phụ nữ. So với đàn ông, phụ nữ thường yêu thương con mù quáng, thiếu lý trí hơn. Từ đó dẫn đến việc trẻ được nuông chiều, bao bọc thái quá và có những ảnh hưởng tâm lý không tốt. Như việc trẻ lười biếng, ỷ lại, thích đòi hỏi và hưởng thụ.
Tuy nhiên không phải bà mẹ nào cũng mềm mỏng, yếu đuối. Có những bà mẹ cực kỳ nghiêm khắc, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả đàn ông. Dưới sự nuôi dạy của họ, trẻ trở nên cứng cáp hơn bạn bè đồng trang lứa và đạt được những thành tích không tưởng.
Nhân Ngày của mẹ, hãy cùng chúng tôi điểm lại 2 bà mẹ vĩ đại, từng khiến thế giới ngưỡng mộ vì cách dạy con của mình:
Bà mẹ Trung Quốc nuôi con trai bại não vào Harvard
Chị Trâu Hồng Yên sinh sống tại thành phố Kinh Châu bên bờ sông Dương Tử, Trung Quốc. Tháng 7/1988, một tai nạn y tế khiến thai nhi trong bụng chị bị ngạt thở trong tử cung. Các bác sĩ khi đó đều khuyên chị nên bỏ thai vì đứa trẻ sinh ra nguy cơ bị bại não rất cao. Tuy nhiên bản năng làm mẹ, tình mẫu tử sâu đậm khiến chị Trâu không nỡ bỏ đi sinh linh trong bụng.
Lắng nghe tiếng con đạp mạnh mẽ, chị quyết sinh con ra bằng được dù bị chồng phản đối kịch liệt. Đúng như dự đoán của bác sĩ, khi chào đời, con của chị Trâu bị bại não nặng. Dây thần kinh vận động tiểu não của Đinh Đinh bị tổn thương. Năm một tuổi, cậu bé mới có thể giơ tay, năm hai tuổi mới biết đứng. Ba tuổi mới biết đi và 6 tuổi mới có thể chạy nhảy.
Vì con bị bệnh, hai vợ chồng chị Trâu thường xuyên xảy ra tranh cãi và cuối cùng ly hôn. Từ đó, chị Trâu bắt đầu hành trình 29 năm làm mẹ đơn thân, một mình nuôi con nên người.
Thời thơ ấu của Đinh Đinh chậm hơn bạn bè cùng trang lứa rất nhiều. Chính vì vậy chị Trâu phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 người khác. Khi ấy chị Trâu đang là giáo viên tại 1 trường mẫu giáo ở Vũ Hán. Mức lương chưa đến 100 NDT mỗi tháng (khoảng 350 ngàn đồng). Trong khi đó việc điều trị phục hồi chức năng, massage của Đinh Đinh tốn đến 5 NDT/lần (hơn 17 ngàn đồng). Để có tiền chữa bệnh cho con, chị đã làm thêm đủ công việc, bao gồm bán bảo hiểm, làm lễ tân,...
Bất kể nắng mưa hay tuyết rơi ngập trời, chị Trâu cũng vượt đường xa đưa con đi trị bệnh. Chị bảo bác sĩ: "Bệnh tình của con tôi không thể chần chừ, dùng dằng một giây phút nào".
Quá trình điều trị gian khổ, đến bác sĩ cũng không chắc con chị Trâu có thể hồi phục ở mức độ nào. Để giúp con, chị Trâu học thêm các kỹ năng xoa bóp, massage để tự chăm sóc cho con mỗi khi có thời gian. Mỗi buổi tối, chị cùng con chơi trò xé giấy, câu đố,... để rèn luyện trí thông minh.
Chị Trâu nuôi con đầy nghiêm khắc.
Vì bị bại não nên Đinh Đinh không thể dùng đũa. Tuy nhiên chị Trâu đã huấn luyện con dần dần, từng bước một. Ngay cả khi con khóc thét vì không làm được, chị vẫn bắt làm, thậm chí còn đánh, quát mắng con. Có người bảo chị Trâu là bà mẹ "độc ác" và khuyên: "Nó bại não thế thì thôi, ép làm gì". Bà mẹ này đanh thép trả lời: "Nếu Đinh Đinh là người duy nhất không thể dùng đũa trên bàn ăn, những người khác sẽ tò mò và rồi Đinh Đinh sẽ phải giải thích về tình trạng bại não, khuyết tật của bản thân.
Tôi không muốn Đinh Đinh xấu hổ vì những vấn đề thể chất này. Vì vậy tôi đặt tiêu chuẩn cho con trai cao hơn, tôi đã rất nghiêm khắc rèn luyện để Đinh Đinh khắc phục khó khăn và bắt kịp người khác".
Sau đó Đinh Đinh đã biết cầm đũa. Dưới sự dạy dỗ của mẹ, cậu dần dần biết cầm bút, biết viết 100 chữ Hán. Đứa trẻ bại não cũng hồi phục một cách khó tin. Sau khi con trai đi học, chị Trâu không bao giờ kèm con làm bài tập hay ép con tham gia các lớp đào tạo. Chị Trâu muốn con phải tự nỗ lực.
Bà mẹ này cũng cực kỳ khắt khe với con. Khi mới học lớp 1, Đinh Đinh đã đạt 198 điểm trong hai kỳ thi, đứng đầu lớp. Nhưng chị Trâu hỏi: "Vậy là con mất 2 điểm?". "Nhưng mẹ ơi con đứng đầu lớp!", Đinh Đinh khoe. Chị Trâu thản nhiên bảo: "Mẹ biết, nhưng con đã đánh mất 2 điểm đấy". Dưới sự giám sát nghiêm ngặt của mẹ, Đinh Đinh đã đứng nhất lớp từ tiểu học cho đến trung học cơ sở.
Dưới sự dạy dỗ của mẹ, năm 17 tuổi, Đinh Đinh được nhận vào Đại học Bắc Kinh với số điểm 660. Đây là một kỳ tích bởi Đại học Bắc Kinh chính là một trong những đại học danh giá bậc nhất Trung Quốc. Cùng với Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh luôn nằm trong top những ngôi trường tốp đầu châu Á về chất lượng giảng dạy, học thuật.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2011, Đinh Đinh tiếp tục học bằng Thạc sĩ tại Khoa Luật quốc tế của Đại học Bắc Kinh. Lúc này chị Trâu lại khuyến khích con đạt được những mục tiêu cao hơn. Bà mẹ này đã khuyến khích con nộp đơn vào Đại học Harvard. Năm 2017, Đinh Đinh chính thức được nhận vào trường Luật Harvard với tư cách nghiên cứu sinh.
Bà mẹ nuôi 6 con thành Tiến sĩ Đại học Harvard và Đại học Yale
Ở Hàn Quốc, gia tộc học Koh được xem là biểu tượng của sự thành công và phát triển vượt bậc về tri thức. Theo đó, bà Hesung Chun Koh và chồng, Tiến sĩ Koh Kwang Lim, một học giả Luật quốc tế nổi tiếng đã nuôi dạy thành công 6 người con, gồm 4 trai, 2 gái.
Tất cả những người con này đều là Tiến sĩ danh dự tại các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Yale, Viện Công nghệ Massachusetts. Trong đó, con trai Harold Koh còn là Cố vấn pháp lý nổi tiếng của cựu Tổng thống Barack Obama. Báo chí Mỹ cũng vô cùng tôn vinh gia tộc nhà họ Koh, thậm chí còn so sánh gia tộc này với dòng họ Kennedy quyền lực.
Tờ The Wall Street Journal từng tán dương ông bà Koh và các con: "Hai thế hệ gia đình người Hàn Quốc đã làm chấn động Washington".
Nói về thành công của con cái, trong một lần phỏng vấn với báo chí, bà Hesung Chun Koh đã chia sẻ 2 bí quyết nuôi dạy đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Thứ nhất là tạo không khí học và đọc trong gia đình" và thứ 2 là rèn cho sự tập trung.
Về điều thứ nhất, bà Koh từng chia sẻ: "Khi vợ chồng tôi mới cưới, trong căn hộ thuê chỉ có một cái bàn học. Nó quá nhỏ để cả tôi và chồng ngồi học. Vì điều kiện kinh tế, chúng tôi không thể mua thêm chiếc bàn mới nên chồng tôi cứ lúc nào rảnh là lại tới cửa hàng đồ cũ để tìm. Cuối cùng anh ấy cũng mua được một cái vừa tốt vừa rẻ".
"Trong nhà tôi, bàn học không chỉ đơn giản là một món nội thất mà còn là dụng cụ phục vụ việc học tập. Chúng tôi để con cái biết rằng, học không chỉ là một nhiệm vụ đặc biệt mà còn là một phần trong cuộc sống. Nếu bố mẹ cũng ngồi vào bàn học thì con cái cũng sẽ làm theo. Rõ ràng câu "Chúng ta cùng học nhé" hiệu quả hơn hẳn "Con ngồi vào bàn học đi".
Về điều thứ 2, bà Koh chia sẻ: "Những người thành công thường có khả năng tập trung trong thời gian dài, vì vậy trí tuệ họ được phát huy tối đa". Sau khi áp dụng nhiều phương pháp rèn tập trung cho con mà không thành công, bà Koh từng học được 1 phương pháp nhìn vào màu đen của 2 cô gái trẻ đang học Yoga Ấn Độ ở Bali.
Bà Koh sau đó làm một chiếc bảng đen rộng và gắn chiếc đèn flash màu xanh ở giữa, để trong nhà. Nửa tiếng trước khi đi ngủ mỗi đêm, bà Koh yêu cầu các con nhìn chằm chằm vào tấm bảng trong khi não ngừng suy nghĩ. Thỉnh thoảng khi các con mất tập trung thì chiếc đèn ở giữa bảng sẽ nháy lên, kèm theo lời nhắc nhở: "Đừng nghĩ về điều gì, đừng nghĩ gì khác".
Sau nửa năm rèn luyện, các con của bà Koh đã tập được khả năng "không nghĩ" trong vòng 10 phút. Điều này giúp cải thiện khả năng kiểm soát các hoạt động suy nghĩ của não, giúp các con bà Koh tập trung cao độ vào việc học, cải thiện đáng kể hiệu quả học tập và tăng khả năng phân tích, sáng tạo.