Hành trình kỳ diệu cặp song sinh đặc biệt nhất Việt Nam
Từ 2 bé sinh non chỉ nhỉnh hơn chiếc bơm tiêm, sau 93 ngày nỗ lực không ngưng nghỉ của đội ngũ y, bác sĩ, 2 bé Thiên Bảo và Thiên Ân đã được xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình.
Nín thở từng ngày
Chiều 10/3, cặp song sinh non tháng nhất và nhẹ nhất Việt Nam với cân nặng khi chào đời chỉ 500-600g đã được xuất viện trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình và tập thể y bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Vẫn lâng lâng trong niềm hạnh phúc cùng với gia đình bệnh nhân, BS Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh cho biết, việc giành giật sự sống cho 2 bé là kỷ lục của Việt Nam. Lần đầu tiên một cặp sinh non mới 24 tuần tuổi được nuôi sống, phát triển tốt và đến khi xuất viện đạt 2,25 và 2,35kg.
Đặc biệt nữa, đây lại là cặp song sinh ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Hình ảnh 2 bé song sinh sau khi được vài ngày tuổi. Ảnh: BV cung cấp
Các bé được thở CPAP nội khí quản. Ảnh: BV cung cấp
Do hiếm muộn con, nên sau lần đầu điều trị vô sinh bằng phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung và may mắn thành công, 7 năm sau gia đình chị Hồ Thị Hải Yến (29 tuổi, Thái Thụy, Thái Bình) quyết định sinh con thứ hai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm vào ngày 3/7/2014.
Tuy nhiên khi song thai mới được hơn 22 tuần tuổi, chị Yến có dấu hiệu đau bụng nên được đưa vào Bệnh viện Phụ sản ngày 25/11/2014. Tại đây, các bác sĩ đã dùng mọi biện pháp, cố giữ thai nhi từng ngày nhưng đến sáng ngày thứ 10 thì sản phụ đau bụng, chuyển dạ buộc phải sinh khi thai mới được 24 tuần.
"Khi 2 bé được chuyển lên cấp cứu, toàn thân tím đen do xuất huyết dưới da, suy hô hấp nặng, thở thoi thóp, thở nấc, nhịp tim rời rạc... Tính mạng 2 bé như triệu cân treo sợi tóc. Gia đình đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, chuẩn bị sẵn quần áo để đưa 2 cháu về nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực cấp cứu bằng mọi giá, bằng tất cả các phương tiện đặc biệt nhất", BS Lợi nhớ lại thời khắc cấp cứu 2 bé.
Hình ảnh 2 cháu bé khi được 1 tháng và đang được thở oxy nồng độ thấp trong lồng ấp. Ảnh: BV cung cấp
Giai đoạn 2 bé ngừng thở oxy hoàn toàn. Ảnh: BV cung cấp
Và điều kỳ diệu đã đến... Những ngày sau đó, là chuỗi ngày nỗ lực không ngưng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ khi 2 bé được đặt chăm sóc với một chế độ vô cùng đặc biệt: Được đặt trong phòng vô trùng, được thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn trong 2 ngày đầu. Đến ngày thứ 3 bắt đầu ăn sữa mẹ qua sonde máy kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Chuyện cho ăn với 2 bé song sinh mới 24 tuần tuổi không hề dễ dàng. Ngày đầu, để đưa được 1ml sữa vào dạ dày, các bác sĩ phải kiên nhẫn trong 3 tiếng đồng hồ nhân 8 lần mỗi ngày. Sang ngày thứ hai, lượng sữa tăng lên 2ml... Sau 93 ngày, 2 bé đã tự thở và bú được 60ml sữa.
Theo BS Lợi, đây là một trường hợp vô cùng đặc biệt, nên ngay từ đầu các y bác sĩ đã rất quyết tâm. Đích thân BS Lợi trực tiếp điều trị cùng 2 trợ lý và hơn 20 bác sĩ trong toàn trung tâm luôn luôn túc trực 24/24.
"93 ngày đêm chúng tôi đã phải chiến đấu quên mình. Trong suốt quá trình điều trị, chúng tôi chưa bao giờ dám lơ là. Với trẻ sinh non dưới 18 giây còn cấp cứu kịp, trên 20 giây cơ hội đã rất mong manh. Công việc của chúng tôi là tính bằng giây chứ không phải bằng phút nên chúng tôi làm sao rời được. Đến ngày ra viện chúng tôi vẫn phải nín thở" , BS Lợi chia sẻ.
Mở ra niềm hy vọng
Xúc động đến nghẹn ngào khi ôm trọn 2 con vào lòng, chị Yến không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc. Chị cho biết gia đình đặt tên cho 2 con là Thiên Ân và Thiên Bảo với ý nghĩa là đặc ân lớn lao của gia đình, là món quà tái sinh mà các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nỗ lực bằng mọi giá để giành lại.
Trường hợp 2 bé Thiên Ân và Thiên Bảo cũng là trường hợp sinh non được ra viện với số cân kỷ lục so với mức bình quân chỉ 1,5-1,6kg.
Ngày 2 bé được ra viện trở về với gia đình
"Tôi muốn làm những điều gì phải đạt được mục đích cao nhất là mang lại cuộc sống chắc chắn hoàn toàn. Kể cả khi các cháu về với gia đình nhiều năm, chúng tôi vẫn theo dõi" , BS Lợi tâm sự.
Trước đó vào năm 2010, lần đầu tiên Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh nuôi sống thành công một bé gái sinh non tự nhiên ở tuần tuổi thứ 25 với cân nặng chỉ 500g.
Đến nay, bé gái này đã hơn 4 tuổi, phát triển bình thường với cân nặng hơn 20kg.
"Riêng với trường hợp cặp song sinh này, cái chúng tôi muốn công bố không phải là 500 hay 600g mà muốn nhấn mạnh là 24 tuần tuổi - non nhất tính đến thời điểm hiện tại. Trên thế giới 27 tuần trở xuống đã được gọi là cực non và dưới 1kg là cực nhẹ. Với một thai song thai 24 tuần và cân nặng thấp như vậy thì sức đề kháng, suy giảm miễn dịch kém hơn rất nhiều và chăm sóc khó hơn nhiều những đứa trẻ sinh non khác" , BS Lợi nhấn mạnh.
Để có được thành công này, BS Lợi cho biết là nhờ chu trình khép kín đã được lên kế hoạch từ trước.
Ngay khi xác định ca sinh song thai đặc biệt, trước khi cuộc đẻ xảy ra, BS Lê Thiện Thái, PGĐ Bệnh viện, trưởng khoa Sản đã thông báo cho trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh. Ngay lập tức, trung tâm điều bác sĩ chuyên sâu về sơ sinh hồi sức đứng túc trực bên cạnh. Khi đứa 2 bé vừa được đỡ ra khỏi đã được tiến hành hồi sức ngay tại đó rồi mới được chuyển lên trung tâm.
Mọi quy trình chỉ được diễn ra trong vòng 1-2 phút.
Với việc nuôi sống thành công cặp song sinh Thiên Ân, Thiên Bảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, đây là một kỳ tích của ngành sản khoa Việt Nam trong điều kiện thực tiễn còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Trên thế giới, trẻ sơ sinh non tháng nhất được cứu sống ở 22 tuần tuổi. BS Lợi cho biết, trong vòng 1-2 năm tới, bệnh viện sẽ phấn đấu nuôi dưỡng được những thai nhi 23 tuần tuổi với cân nặng 400g.
Điều này sẽ mang lại sự sống cho hàng ngàn sinh linh bé nhỏ, mở ra thêm nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng.
Tại Việt Nam, mỗi năm có 150.000 trẻ sinh non, nhẹ cân chào đời, chiếm 25% tổng số ca tử vong ở trẻ sơ sinh. Riêng tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có khoảng 3.600 trẻ sinh non, chiếm 14,5% trên tổng số 25.000 trẻ chào đời. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sinh non như do u xơ tử cung, viêm nhiễm, vấn đề tâm lý, môi trường, dinh dưỡng... |