Hai ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất cho vay
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay, mới đây, 2 ngân hàng đầu tiên đã công bố giảm lãi suất cho vay trong 2 tháng cuối năm.
Đây được xem là thông tin tích cực, giúp hạ nhiệt bớt áp lực về lãi suất thời gian qua. Đặc biệt, mức giảm lãi suất cho vay càng có ý nghĩa hơn khi được áp dụng trong 2 tháng cuối năm, vốn được xem là cao điểm nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hơn 175.000 khách hàng đang vay vốn tại Vietcombank sẽ được giảm tới 1% lãi suất cho vay dịp cuối năm. Đây là đợt giảm lãi suất với quy mô dư nợ lớn nhất của ngân hàng, nhằm chia sẻ khó khăn cùng người vay vốn.
"Rất nhiều đối tượng khách hàng được giảm trong đợt này, trong đó là nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hoạt động nông nghiệp, môi trường... Quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% danh mục tín dụng của chúng tôi", ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết.
Mức giảm lãi suất cho vay có ý nghĩa hơn khi được áp dụng trong 2 tháng cuối năm, vốn được xem là cao điểm nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Ngân hàng HDBank cũng vừa công bố sẽ giảm lãi vay cho khoảng 43.000 khách hàng từ nay đến cuối năm. Mức giảm 0,5 - 3,5%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thuộc các lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, nông nghiệp, chế biến chế tạo… Ước tính, số lãi giảm khoảng 120 tỷ đồng.
"Lãi suất đầu vào không thấp hơn, thậm chí là đang cao hơn. Để giảm lãi suất cho vay không có gì khác hơn là ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần thu nhập lãi của mình, làm cho khách hàng có động lực, nguồn lực để kinh doanh tốt hơn. Tốt hơn thì như vậy sau này ngân hàng sẽ có cơ hội làm việc với khách hàng tốt hơn trong tương lai", ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank, thông tin.
Theo giới phân tích, việc giảm lãi suất cho vay có thể chưa ngay lập tức diễn ra đồng loạt, nhưng nhiều khả năng, khoảng tháng 2 năm tới, lãi suất sẽ có nhiều dư địa để điều chỉnh giảm. Đặc biệt sau khi những ngân hàng đầu tiên điều chỉnh lãi vay sẽ tạo động lực cạnh tranh cho các nhà băng khác.
"Khi có những nhân tố tiên phong như thế này trước thì nó cũng sẽ giúp cả thị trường nhìn nhận và có hướng chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh là làm sao phải xác định biên lãi mục tiêu, từ đó đưa ra được mức lãi mục tiêu mà chúng ta có thể chấp nhận được", ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Việt Nam, đánh giá.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Maybank, 9 tháng đầu năm, NIM lợi nhuận (chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra) của các ngân hàng khoảng 4,4%. So với giai đoạn 5 năm trước, khi lãi suất điều hành khá tương đồng, NIM bình quân khoảng 3,7 - 4%. Do đó các ngân hàng có thể chấp nhận được mức tăng lãi suất đầu vào và còn dư địa để giảm hoặc giữ lãi suất cho vay.
Để việc giảm lãi suất cho vay có thể lan tỏa tới nhiều ngân hàng khác trong thời gian tới không dễ dàng, trong bối cảnh áp lực tăng lãi suất vẫn tiếp diễn trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cũng chia sẻ việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm sau.
Thực tế, báo cáo của Công ty chứng khoán SSI cũng nhận định đà tăng của lãi suất cho vay nhìn chung đã chậm hơn so với lãi suất huy động nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Mặt bằng lãi suất huy động trên 6 tháng đã tăng khoảng 3,5 - 4%/năm so với cuối năm 2021. Tuy nhiên theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay mới tăng thêm từ 1 - 3%/năm tùy khoản vay và tùy từng kỳ hạn.
Ngoài lãi suất, các doanh nghiệp cũng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, để kịp thời phục vụ cho cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm.
Công ty CP Vận tải Quốc tế Protraco chuyên cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mỗi tháng đều cần khoảng 35 tỷ đồng để thanh toán trước tiền vận chuyển cho đối tác. Nếu không có dòng vốn này, hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.
"Khách hàng sẽ nợ từ 2 - 3 tháng. Đối với các hãng tàu và hãng hàng không, chúng tôi phải thanh toán tiền luôn nên cần hỗ trợ từ phía ngân hàng. Từ quý 3 trở đi lãi suất cũng tăng dần, ở mức 7 - 9%, cũng tăng phù hợp với công ty và lạm phát hiện nay", ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP Vận tải Quốc tế Protraco, cho biết.
Theo giới phân tích, việc giảm lãi suất cho vay có thể chưa ngay lập tức diễn ra đồng loạt. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Đang vay với mức lãi suất 8%/năm, doanh nghiệp nhìn nhận đây là mức khá ưu đãi. Tuy nhiên vì phần lớn các nguyên, vật liệu đầu vào đều phải nhập khẩu, nên họ kỳ vọng, ngoài lãi suất, tỷ giá sẽ tiếp tục được giữ ổn định để hạn chế tác động tới giá thành sản xuất.
"Hầu như tất cả đơn hàng đều được ký từ đầu năm, đơn giá không thể thay đổi nên biến động chi phí đầu vào sẽ ảnh hưởng tới lãi, lợi nhuận. Chúng tôi mong nhà nước cố gắng can thiệp để tình hình tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất", bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Trung Hùng Hà Nội, cho hay.
Để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng mới ra văn bản yêu cầu các ngân hàng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng phải chủ động cân đối nguồn vốn, tích cực giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Tính đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng trưởng 11,5%. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, vẫn còn dư địa hơn 2% cho 2 tháng cuối năm.
Với ưu tiên kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước chưa nới chỉ tiêu tín dụng, do đó đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải kiểm soát chặt vốn vào các lĩnh vực rủi ro, để đảm bảo nguồn vốn kịp thời cho sản xuất kinh doanh cuối năm.