Hà Nội: Chốt danh mục 9 cơ sở nhà đất phải di dời khỏi nội thành
Nhà máy Bia Hà Nội, Công ty Thuốc lá Thăng Long... là những cơ sở nằm trong danh mục 9 cơ sở nhà, đất tại 12 quận phải di dời khỏi nội thành Hà Nội.
Ngày 8/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành.
Theo đó, HĐND Thành phố thông qua danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1) gồm 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp (do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) hiện đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.
Danh mục 9 cơ sở nhà, đất tại 12 quận phải di dời gồm:
- Công ty In Báo Nhân dân Hà Nội;
- Công ty TNHH MTV In Báo Hà Nội Mới;
- Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội;
- Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long;
- Công ty TNHH MTV In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam;
- Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội;
- Tổng kho xăng dầu Đức Giang;
- Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp;
- Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.
Theo Nghị quyết, UBND Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm rà soát, bảo đảm đúng quy định trước khi ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch được quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; các quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu. Tiếp tục chỉ đạo sở, ngành cùng UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch và tổ chức triển khai theo quy định.
Báo cáo tại tờ trình của UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc di dời các cơ sở nhà, đất theo quy hoạch (đợt 1) nhằm làm cơ sở để các đơn vị doanh nghiệp có kế hoạch và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất phải di dời theo quy hoạch, qua đó góp phần sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích sử dụng, đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, đảm bảo hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp
Cùng ngày, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2030.
Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định rõ 6 quan điểm, mục tiêu tổng quát với 9 mục tiêu cụ thể, 2 nhóm chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm với 12 chỉ tiêu cụ thể, 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 66 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó nhiều giải pháp mới phù hợp thực tiễn, tính khả thi cao, thể hiện rõ vai trò nhà nước trong công tác phát triển nhà ở, cũng như điều tiết thị trường bất động sản, việc phân công tổ chức thực hiện cụ thể.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025: Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố phấn đấu đạt 29,5 m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31 m2/người và khu vực nông thôn đạt 28 m2/người. Phát triển mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; 0,565 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư; khoảng 19,69 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, căn hộ có diện tích tối thiểu 40m2/căn hộ...
Đến năm 2030: Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố đạt 32m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người. Phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư; khoảng 15,19 triệu m2 sàn nhà ở thương mại; triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (06 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thương, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 04 khu có nhà nguy hiểm cấp D: Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).
Ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại khu vực mở rộng, đẩy mạnh phát triển các khu đô thị vệ tinh của Thành phố. Phấn đấu 100% dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải được quy hoạch xây dựng theo xu hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số; các khu đô thị, khu nhà ở phải bố trí đầy đủ hạ tầng khung (cấp điện, cấp thoát - nước), đáp ứng đầy đủ cơ sở giáo dục công lập, chỗ tập kết rác thải, các điểm nạp sạc điện cho ô tô, xe máy và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.
Về quỹ đất để phát triển nhà ở, giai đoạn 2021 - 2030, tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trên địa bàn toàn Thành phố khoảng 1.868 ha, trong đó diện tích đất xây dựng nhà ở khu vực đô thị khoảng 1.384 ha, khu vực nông thôn khoảng 484 ha. Về nguồn vốn phát triển nhà ở, giai đoạn 2021 - 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn Thành phố khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.