Giảm mỡ trong máu đúng cách mới có hiệu quả
Tăng mỡ máu, rối loạn mỡ máu gây ra mỡ trong máu có thể dẫn đến bệnh xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác.
Vì vậy, việc quan trọng là giữ sức khỏe để tránh tình trạng máu nhiễm mỡ. Khi không may bị máu nhiễm mỡ, việc giảm mỡ trong máu cũng phải đúng cách mới có hiệu quả.
Vận động vừa đủ và đúng cách
Đưa gia đình đi khám sức khỏe định kỳ, Chị Hải ở Tây Hồ, Hà Nội ngỡ ngàng khi bác sĩ kết luận chị bị nhiễm mỡ máu. Chị Hải cho rằng kết quả có sự nhầm lẫn, vì thân hình của chị hoàn toàn cân đối, thi thoảng chị cũng tập thể dục, đến phòng tập gym thì không thể có tình trạng mỡ trong máu được. Nhưng khi đi khám lại ở bệnh viện lớn thì kết quả của chị vẫn không thay đổi.
Từ khi biết bệnh, được bạn bè tư vấn nên chị vận động nhiều hơn. Ngoài 1 tiếng tập gym mỗi chiều, chị còn tập luyện thêm một số môn thể thao khác.
Tuy nhiên, thói quen rèn luyện sức khỏe đó không được duy trì lâu. Những lúc rảnh rỗi thì chị tập chăm chỉ nhưng những hôm hơi mệt, không vui, thay đổi thời tiết hoặc có hẹn… là chị có thể sẵn sàng bỏ tập. Vì vậy, tái khám sau 6 tháng, tình trạng máu nhiễm mỡ của chị vẫn không có sự tiến triển tốt.
Bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho biết, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng vận động thể dục thể thao với cường độ mạnh hoặc chỉ cần có vận động là sẽ có tác dụng tiêu đường, giảm mỡ trong máu. Nhưng thực tế thì không phải vậy.
Vì vậy, tập luyện cũng phải đúng cách, đủ liều lượng, đều đặn mỗi ngày hoặc tối thiểu 3 lần/tuần. Việc đi bộ nhanh 60 phút/ngày sẽ giúp giảm cholesterol và triglycerid máu.
Ảnh minh họa
Chế độ ăn uống phù hợp
Mấy tháng trước, chị Thanh ở Hà Đông, Hà Nội cùng một số đồng nghiệp đi thử máu. Mặc dù người gầy ốm nhưng chị vẫn được xác định cholesterol cao, mỡ máu tăng. Cho rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ chế độ ăn uống nhiều mỡ, ngay từ hôm đó chị tránh xa những món ăn nhiều dầu mỡ.
Vậy nhưng, kiêng mỡ gần năm trời mỡ máu không thay đổi nhiều, đi khám bác sĩ vẫn xác nhận lượng mỡ máu vẫn cao.
Theo bác sĩ Huệ thì những người ăn uống nhiều chất mỡ, tinh bột, đường và lười vận động có thể sẽ tăng trọng lượng rất nhanh. Tuy nhiên, không có nghĩa là những người mập thì mỡ máu sẽ cao.
Thường thì khi cơ thể đến lứa tuổi trên 50, chuyển hóa đã bắt đầu kém không chuyển hóa hết mỡ hàng ngày do thức ăn đưa vào trong cơ thế, do đó dù ăn ít mỡ hoặc gầy ốm cũng có thể bị mỡ cao trong máu gọi là rối loạn chuyển hóa mỡ do tuổi già. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người mới ở độ tứ tuần đã có dấu hiệu thừa mỡ máu.
Để khắc phục tình trạng cholesterol trong máu, điều quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ ăn. Đối với loại thực phẩm cung cấp chất đạm, nên ưu tiên các loại thịt trắng như gà, lợn, ếch, cá.
Chế độ tiết thực nhằm làm hạ cholesterol trong máu, theo khuyến cáo mới nhất của Hội Tim mạch Mỹ là cung cấp dưới 30% calo từ chất béo và dưới 10% năng lượng từ các chất béo bão hòa.
Để phòng bệnh cũng như giảm tình trạng bệnh, bạn năng cường chất xơ trong bữa ăn, nên nạp đủ acid folic, ăn nhiều rau và trái cây để có các chất kháng oxy-hóa, ăn nhiều tỏi. Tránh các thức ăn có chứa chất béo và cholesterol như bơ, thịt lợn mỡ xông khói, dầu cọ, dầu dừa; thay bằng dầu thực vật như dầu ôliu, đậu nành, ngô… cũng là một cách phòng và chữa bệnh rất tốt.
Ngoài ra, bạn cũng cần chế ăn các loại thịt, cá xuống còn 150-200g/ngày, ăn không quá 3 quả trứng/tuần và phải ăn cách ngày; kKhông ăn thịt mỡ, phủ tạng động vật, da của các loại gia cầm, thay thế bằng đạm thực vật như đậu tương...; tăng cường ăn rau quả; tránh các thức ăn nhanh như bánh hamburger, bánh có nhân thịt băm, thịt rán, bánh gatô...
Tuy nhiên, bác sĩ Huệ cũng cho rằng nếu chỉ điều chỉnh vận động hoặc chế độ ăn uống thì không thể giảm mỡ máu hiệu quả được. Muốn giảm mỡ máu cách tốt nhất là kết hợp giữa vận động đúng cách và chế độ ăn phù hợp. Nên vận động nhẹ vừa, kéo dài liên tục 30 phút, lý tưởng nhất là khoảng 1 tiếng đơn giản nhất là đi bộ kết hợp với tiết thực giảm mỡ, đường.