Gặp Tommy - "nam thần" ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn vừa thi Olympic: Kể loạt điểm cực đỉnh tại ngôi trường top đầu TP.HCM
"Khi lên website tìm hiểu, mình đã yêu trường từ cái nhìn đầu tiên", Tommy chia sẻ.
Santisouk Inthavong, hay Tommy Nguyễn (SN 1999) là VĐV môn Bơi lội, đại diện đội tuyển Lào tham dự kỳ thi Olympic Tokyo. Những ngày gần đây, Tommy "hót hòn họt" nhờ thân hình sáu múi, khuôn mặt điển trai và nụ cười tỏa nắng. Đặc biệt, Tommy còn đang là sinh viên năm 3 khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM.
Được biết, chàng trai trẻ là con lai Việt Lào, cha là người Lào và mẹ là người Việt. Nói về chuyện học tập tại Việt Nam, hot boy làng bơi lội đã có những chia sẻ đầy thú vị.
"MÌNH ẤN TƯỢNG MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP Ở TRƯỜNG NHÂN VĂN"
- Hi Tommy, kết quả thi đấu của bạn tại Olympic Tokyo ra sao rồi?
Mình vừa thi đấu xong ngày 30/7 với nội dung bơi 50m freestyle tại kì thế vận hội này. Thành tích cải thiện hơn, nhưng mình chưa hài lòng cho lắm. Kết quả không như mong đợi và không đạt được tốt nhất như lúc tập luyện. Một phần do mình bị áp lực và lo lắng quá nhiều.
- Tommy có thể chia sẻ thêm về thành tích thể thao của bản thân từ trước đến nay được không?
Mình tập bơi từ năm 6 tuổi. Đến năm 13 tuổi, mình được chọn tham gia đào tạo cho đội tuyển bơi của Lào. Đến nay, mình đã tham gia nhiều giải đấu khu vực và quốc tế, cụ thể là Olympic 2016 và 2021, Seagame, FINA World Championships.
Tại Olympic 2016, mình lập kỷ lục mới cho đội tuyển Lào ở nội dung bơi tự do 50m nam với thành tích 26,54 giây.
- Được biết là Tommy hiện đang theo học tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, khoa Quan hệ quốc tế. Tommy có thể chia sẻ thời điểm bạn qua Việt Nam học và lý do nào khiến Tommy chọn học tại ngôi trường này?
Trước khi sang Việt Nam, mình đã tìm hiểu và quyết định lựa chọn ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường/chương trình học của mình là chất lượng đào tạo của trường. Mình có tham khảo qua các bảng xếp hạng đại học và thấy trường có thứ hạng cao.
Tất nhiên thứ hạng cao đồng nghĩa với tỷ lệ đỗ vào trường là rất khó. Nhưng mình mong muốn được học hỏi, hiểu hơn về lịch sử, mối quan hệ Việt - Lào. Đặc biệt, mình mong góp một phần công sức nhỏ cho sự phát triển gắn kết mối quan hệ ngoại giao Việt– Lào nên vẫn quyết tâm chọn ngôi trường này.
- Bạn ấn tượng nhất điểu gì ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn?
Mình ấn tượng môi trường lành mạnh ở Nhân văn. Khoa và trường rất chú trọng và tập trung đào tạo cả về kiến thức lẫn kĩ năng. Phần khung chương trình xây dựng các môn học rất đa dạng.
Khi lên website tìm hiểu, mình đã yêu trường từ cái nhìn đầu tiên. Ở Nhân văn, Tommy được học đầy đủ mọi thứ từ môn chuyên ngành Lịch sử Ngoại Giao Việt Nam, Chính trị quan hệ quốc tế, Ngoại giao đa phương đến các môn Cơ sở văn hóa, PR, Môi trường học, Xã hội học rồi Ngoại ngữ, giáo dục thể chất,... Hằng năm lượng sinh viên quốc tế học ở trường cũng tăng dần. Đây là môi trưởng mở năng động và là điểm đến tuyệt vời cho du học sinh.
Có một điểm đặc biệt, đó là trường Nhân văn và khoa Quan hệ quốc tế rất nổi tiếng và được mọi du học sinh Lào, Campuchia lựa chọn theo học. Hiện tại như ở Lào thì các cựu sinh viên mà mình quen đều là những cán bộ nòng cốt hỗ trợ công tác Đối ngoại cho Chính phủ Lào.
Bên cạnh đó mình cũng tìm hiểu và biết được trường có rất nhiều học bổng, chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, thực tập dành cho sinh viên. Vậy nên trong vô vàn sự lựa chọn, mình quyết định chọn trường là nơi gắn bó học tập trong suốt 4 năm học đại học.
"MỘT NGÀY CÙA MÌNH CHỈ CÓ HỌC VÀ TẬP LUYỆN"
- Là một vận động viên, ắt hẳn Tommy đã dành rất nhiều thời gian cho việc tập luyện thể thao. Điều này có ảnh hưởng nhiều đến thời gian học tập trên lớp của bạn?
Nói là không thì không chính xác lắm. Bởi vẫn có những giai đoạn lịch thi đấu nước ngoài và lịch học trùng nhau. Nhưng đây là lựa chọn của mình khi cùng lúc đảm nhận 2 vai trò là VĐV và sinh viên. Vậy nên mình luôn cố gắng lên kế hoạch và phân bổ thời gian hợp lí.
Mỗi ngày từ 7h sáng đến 4h chiều, mình có mặt ở giảng đường để hoàn thành chương trình học. Sau đó khoảng thời gian từ 5h chiều đến 8h tối hoàn toàn dành cho việc tập luyện, training,... Trở về phòng nghỉ ngơi thì lúc đó cũng đã là tối muộn và thấm mệt. Một ngày của mình chỉ tóm gọn với 2 hoạt động chính là đi học và tập luyện.
Tommy có thể chia sẻ một chút về thành tích học tập trên lớp hay không?
Sau 4 học kỳ theo học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mình đạt điểm trung bình trên 7. Kết quả tuy chưa hài lòng lắm nhưng mình trân trọng và sẽ cố gắng hơn nữa.
Bí quyết nào giúp Tommy cân bằng giữa việc học và tập luyện thể thao?
Mình cũng không có bí quyết gì nhiều, có chăng thì chỉ là trong mỗi mốc thời gian nhất định mình ưu tiên việc nào hơn một chút thôi. Ví dụ có lịch thi ở trường thì mình sẽ giãn lịch tập bơi, và ngược lại. Mình cố gắng hết mức không để 2 chuyện học tập và tập luyện xen lẫn vào nhau, vậy mới có thể hoàn thành tốt nhất được.
Được biết, Tommy khá nổi tiếng tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bạn cảm thấy thế nào về việc được nhiều nữ sinh mến mộ?
Giai đoạn đầu khi được nhiều người biết đến, mình hơi bất ngờ và lo lắng nhưng sau dần lại cảm thấy vui nhiều hơn là lo nghĩ, bởi mình được quen thêm nhiều bạn, được hỏi han và quan tâm. Đây cũng là điều giúp mình mạnh mẽ hơn, quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân ở Lào.
Chia sẻ thật là mình khá quen với việc được mọi người chào hỏi hoặc giúp đỡ lúc còn ở trường hoặc KTX, mặc dù mình không biết rõ những người đó. Sau những lần như thế mình lại càng thấy may mắn và biết ơn rất nhiều. Qua đây mình cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới mọi người.
Còn về việc gần đây mình may mắn được các quý báo và các trang mạng quan tâm ưu ái đưa thông tin viết bài và được chú ý bởi nhiều người thì mình cũng có áp lực. Mọi người biết đến nhiều hơn thì mình cũng có suy nghĩ rằng phải hoàn hảo, phải làm tốt ở mọi việc. Nhưng điều đó chỉ là do mình tự làm bản thân lo lắng hơn. Mình luôn cố gắng biến những suy nghĩ tiêu cực đó thành động lực để hoàn thiện bản thân hơn.
"MÌNH ĐÃ ĐI GẦN HẾT MẢNH ĐẤT CHỮ S"
Được biết Tommy là con lai Lào - Việt. Khi còn ở Lào, bạn có hay được mẹ kể cho nghe về Việt Nam không?
Vì khoảng cách địa lý, nên mình cũng ít được cùng gia đình về thăm quê. Chỉ vào các dịp đặc biệt như Tết và hè hoặc có sự kiện gì đó đặc biệt thì mình mới được về thăm quê hương, ông bà, họ hàng, người thân.
Ở nhà thì mẹ có dạy tiếng Việt và giao tiếp mỗi ngày với mình bằng tiếng Việt nhưng mình cũng chỉ viết một ít, phải đến khi được đi học tiếng thì mới thành thạo được.
Mình có cơ hội được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, con người ở 3 cả miền Tổ quốc, và gần như đã đặt chân đến gần hết các tỉnh thành trên dải đất hình chữ S này. Bởi quê mình ở miền Trung, mình có gần 4 năm học tiếng và THPT ở miền Bắc, và giờ hiện tại đang sinh sống học tập, training tại TP.HCM.
- Bạn cảm thấy môi trường Việt Nam có gì khác biệt với môi trường ở Lào?
Điều mình thích nhất ở TP.HCM chính là nó có nhiều điểm tương đồng với thủ đô Vientiane của Lào: Từ thời tiết, khí hậu nắng nóng quanh năm đến phong cách sống nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm của người dân.
Lào là nơi mình sinh ra và lớn lên, nhưng Việt Nam lại có vai trò to lớn, tác động đến quá trình xây dựng, hình thành con người hiện tại của mình. Mình vẫn thầm biết ơn và thấy bản thân quá may mắn khi có cơ hội được về Việt Nam
- Câu nói yêu thích của Tommy là gì?
"Đừng đặt giới hạn cho bất cứ việc gì, hãy cứ ước mơ, con đường về đích sẽ dần ngắn lại" - đây cũng là câu nói mà thần tượng của mình ưa thích, Michael Phelps.
- Tommy có thể chia sẻ về kế hoạch của bản thân trong thời gian sắp tới không?
Mình đề cao phương châm sống, sống hết mình cho hiện tại. Vậy nên mình thường vạch ra các dự định ngắn hạn rồi mới đến dài hạn. Mình xin phép không chia sẻ kĩ về tương lai quá nhiều.
Tất nhiên mình có những dự định riêng và hướng đi riêng, nhưng trong 2-3 năm sắp tới vẫn tập trung duy trì niềm đam mê với bơi lội, song song với việc hoàn thành chương trình học ở trường để lấy được tấm bằng cử nhân.
Mình tin là đến một giai đoạn nào đó, sau những trải nghiệm của bản thân và cái duyên thì tự nghề phù hợp chọn mình chứ mình không chọn được nghề.
Cảm ơn Tommy đã dành thời gian cho chúng tôi!