Gặp cô giáo cũ, con tôi vui cả ngày

VŨ HOÀNG XUÂN (TP.HCM),
Chia sẻ

Chỉ là tình cờ nhìn thấy cô giáo cũ chạy xe trên đường, con tôi đã vui cả ngày. Điều đó chứng tỏ cô để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng học trò.

Gặp cô giáo cũ, con tôi vui cả ngày - Ảnh 1.

Học sinh cùng lớp với con tôi vừa khóc vừa tặng hoa cho cô Mỹ Hương trong ngày lễ ra trường - Ảnh: V.H.X

Mẹ không cần ngồi canh con học nữa. Cô con nói học cho mình chứ không phải học cho bố mẹ đâu.

Chuông reo tan học, con tôi đi rất nhanh đến chỗ mẹ với nụ cười tươi rói: "Hôm nay con vui lắm luôn. Hồi sáng này nè, khi xe đưa rước học sinh của trường con chạy đến đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), con thấy cô Mỹ Hương. Cô mặc áo thun màu cam, đồng phục của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đó mẹ...".

Câu chuyện do con trai lớn của tôi kể khi cháu học lớp 7. Còn cô Mỹ Hương là Nguyễn Thị Mỹ Hương - giáo viên chủ nhiệm của cháu hồi lớp 4. Chỉ là tình cờ nhìn thấy cô giáo cũ chạy xe trên đường, con tôi đã vui cả ngày. Điều đó chứng tỏ cô để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng học trò...

Từ lười biếng chuyển sang chăm chỉ

Năm học 2017-2018, lớp 4/4 ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm của con tôi có 54 học sinh, nổi tiếng trong trường vì nhiều học sinh ham chơi hơn học. Con tôi cũng nằm trong số đó. Vì vậy, tối nào tôi cũng phải ngồi học cùng con, đồng thời sử dụng tất cả biện pháp từ năn nỉ đến dọa nạt nhưng con vẫn không hợp tác.

Thế nhưng, sau khi học với cô Mỹ Hương hơn một tháng, cháu thay đổi hẳn. Cháu tự giác học bài, chuẩn bị bài theo dặn dò của các thầy cô, chuẩn bị đồ dùng học tập, soạn sách, vở cho ngày hôm sau. Đặc biệt, con còn đề nghị: "Mẹ không cần ngồi canh con học nữa. Cô con nói học cho mình chứ không phải học cho bố mẹ đâu". 

Gần hết kỳ 1 năm đó, tôi hân hoan kể với các phụ huynh cùng lớp về sự tiến bộ vượt bậc của con mình. Không ngờ họ đều cho biết: "Bé nhà tôi cũng thế!". Thì ra, tất cả nhờ cô chủ nhiệm.

Chúng tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi các cô bé, cậu bé 10 tuổi xin được làm việc nhà như nhặt rau, nấu cơm, quét, lau nhà, rửa chén, dọn dẹp phòng... 

Đến khi con trai chìa ra "Phiếu việc tốt" nhờ mẹ ký tên xác nhận, tôi mới "ồ" lên tiêu chí chấm thi đua hằng tuần của cô chủ nhiệm không chỉ học tập mà còn có tiêu chí chủ động làm việc nhà.

Từ nhút nhát chuyển sang tự tin

Năm học 2020-2021, con trai út nhà tôi lên lớp 4 may mắn lại gặp cô Mỹ Hương, cũng với vai trò giáo viên chủ nhiệm. Sau vài tuần đầu, cô đã nắm được hết tính cách cũng như điểm mạnh, yếu của từng học sinh.

"Em chưa tự tin nên những lần đổi chỗ sau này cô sẽ cho ngồi gần với những bạn có lực học vừa phải - cô Hương giải thích về quyết định của mình - Hiện tại, em đang ngồi gần một học sinh giỏi nổi bật của lớp. Bạn này vừa thông minh vừa hoạt bát nên những lần làm việc nhóm, bạn gần như là người "gánh team". 

Bé nhà mình ngồi gần một bạn như vậy cô lo lâu dần bé sẽ ỷ lại... Để rèn cho con sự tự tin, cô sẽ đổi chỗ và thường xuyên gọi bé lên bảng làm bài, phát biểu...".

"Tiết học mở" năm ấy (hồi đó Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có tiết học mở thường xuyên, giáo viên có thể mời phụ huynh vào dự tiết học cùng con nhiều lần trong năm học) tôi vui không kể xiết khi thấy con mình thoát ra cái vỏ bọc bấy lâu nay. Trong tôi tràn đầy cảm xúc về sự biết ơn cô giáo khi thấy cháu tự tin tranh luận với bạn bè để bảo vệ ý kiến của mình. 

Thậm chí, khi đại diện nhóm để trình bày kết quả trước lớp, cháu đã mạnh dạn chọn phương án ngược lại với các bạn cùng những lý lẽ riêng. Qua lời kể của phụ huynh cùng lớp, tôi được biết nhiều học sinh khác cũng được cô Mỹ Hương khuyến khích phát triển điểm mạnh, khắc phục điểm yếu như thế.

Năm học 2021-2022, phụ huynh mừng rỡ báo tin cho nhau cô Mỹ Hương tiếp tục giảng dạy năm cuối cấp. Dự giờ tiết tập đọc ở lớp của con, lòng tôi như mở hội khi thấy con tích cực giơ tay phát biểu, đóng góp ý kiến khi thảo luận nhóm... 

Cũng từ tiết học này, tôi hiểu hơn về chủ trương dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh của ngành GD-ĐT. 

Những học sinh giỏi được cô Hương xếp vào nhóm làm thơ, vẽ tranh... theo cốt truyện của bài học; cháu nhà tôi được xếp vào nhóm đọc lại bài thơ với yêu cầu đọc to, rõ ràng, trả lời được những câu hỏi cơ bản - phù hợp với khả năng nên cháu học rất thoải mái và vui vẻ.

Hiện hai con tôi đều đã học bậc trung học. Không chỉ học sinh, phụ huynh như tôi cũng sẽ nhớ mãi về cô Mỹ Hương, nhớ những tháng ngày con mình được học với cô; về những buổi tối cô chủ động gọi điện cho phụ huynh và nói chuyện đến khuya để bàn biện pháp phối hợp giáo dục học sinh; nhớ về những lần cô trấn an, yêu cầu phụ huynh hạn chế trách phạt con mình với cam kết với cách của cô, chắc chắn bé sẽ tiến bộ... Nhớ về cô Mỹ Hương - cô giáo dạy học bằng cả yêu thương.

* ThS Đỗ Ngọc Chi (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM):

Thích đến lớp "làm bạn" với cô

co MH 3(Read-Only)

Cô Mỹ Hương trong một tiết dạy ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hương luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều sáng tạo khi tổ chức các hoạt động học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, cá thể hóa học sinh...

Không chỉ tận tụy, yêu nghề, cô còn là khối trưởng không ngại khó, sẵn sàng nhận và luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được phân công.

Cô có sự phối hợp và hỗ trợ tích cực cho các khối viên trong hoạt động chung của tổ khối và trường. Nhiều học sinh còn cho biết các em thích đến lớp để được "làm bạn" với cô Mỹ Hương bởi sự nhẹ nhàng, khéo léo và tâm lý trong công tác chủ nhiệm của cô.

* Cô Nguyễn Thị Mỹ Hương (khối trưởng khối 5, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM):

Sợ nhất là thấy học sinh uể oải

Tôi đi dạy đã 30 năm. Suốt khoảng thời gian đó, điều tôi sợ nhất là thấy học sinh uể oải, chán nản trong tiết dạy của mình. Quá trình dạy - học nếu chỉ có giáo viên nỗ lực đổi mới, tìm tòi, đầu tư để bài dạy lôi cuốn, hấp dẫn thì chưa đủ.

Quá trình ấy cần sự cộng hưởng của học sinh và một trong những kỹ năng quan trọng nhất chính là tự học. Nếu học sinh học tập với tinh thần chủ động, học trong sự vui vẻ sẽ mau tiến bộ hơn, phát triển tốt hơn so với việc bị ép buộc, la mắng...

Bài dạy đầu tiên của tôi khi nhận lớp là hướng dẫn học sinh trả lời cho câu hỏi "Học cho ai? Học để làm gì?". Khi các em đã xác định được mục tiêu và trách nhiệm bản thân sẽ đến giai đoạn rèn kỹ năng tự học.

Khi giao nhiệm vụ cho học sinh, tôi sẽ kiểm tra xem các em có thực hiện không, kiểm tra cả lớp chứ không chỉ vài em. Mình giao mà không kiểm tra thì lần sau các em sẽ không làm hoặc làm cho có.

Ngoài ra, lứa tuổi học sinh tiểu học rất thích được giáo viên khen ngợi - đặc biệt là khen trước lớp. Với những tiến bộ của học sinh - dù rất nhỏ tôi cũng khen và có thể sẽ thưởng nữa. Tất cả chỉ để động viên, khuyến khích học sinh nỗ lực hơn, cố gắng vượt lên chính mình chứ không so sánh với bạn khác.

Chia sẻ