Gánh nặng nhà chồng

Thu Hiền,
Chia sẻ

Có lần anh nghe thấy chị than thở với bạn “Mày đừng lấy chồng nghèo như tao, suốt ngày cúi mặt lo cho đống người phía sau chẳng biết bao giờ mới hết. Gánh nặng nhà chồng trĩu vai”.

Anh xuất thân từ vùng nông thôn nghèo khó, gia đình quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Khi bố anh bị bệnh thì số tiền ít ỏi dành dụm được bao năm qua cùng chút ít tài sản có giá trị trong nhà lần lượt đi theo những lần thăm khám thuốc thang, gánh nặng tiền bạc oằn cong đôi vai mẹ. Ngày ấy không có sự động viên, hy sinh của mẹ, anh đã bỏ giảng đường theo chân cánh phụ hồ kiếm sống, đâu được học hành trở thành kỹ sư như hôm nay…

Chị sinh ra và lớn lên ở thành phố nhỏ nhưng gia đình khá giả, từ bé đến lớn chỉ chuyên tâm học hành. Đến khi học đại học xa nhà, bạn bè sống chật vật trong những khu nhà trọ rẻ tiền, vất vả với các công việc làm thêm thì chị sống đàng hoàng trong căn hộ bố mẹ thuê cho, tiền chi tiêu thoải mái mỗi tháng. Ra trường, chị được bố mẹ ướm sẵn cho công việc nhàn hạ trong cơ quan nhà nước nên chị chưa từng biết sống khổ là như thế nào…

Anh yêu chị bằng tình yêu chân thành không một chút mảy may toan tính vụ lợi, chị chọn anh trong số bao người theo đuổi ngoài tình yêu còn là sự khâm phục ý chí nghị lực vươn lên của anh. Trước khi hai người quyết định cưới, anh từng hỏi chị “Lấy anh, em chịu nhiều thiệt thòi vất vả, nhà anh nghèo, cha mẹ già cần chăm lo phụng dưỡng, hai em nhỏ phía sau, em có sợ không?”, chị khẽ lắc đầu nói “Chỉ cần anh ở bên, khó khăn nào em cũng cố gắng vượt qua”.

Gánh nặng nhà chồng 1
Căn phòng nhỏ nay thêm phần chật chội, nhiều khi stress quá chị hay thở dài bảo anh “Không biết khi nào  mình mới có nhà riêng ở..." (Ảnh minh họa).

Cưới nhau xong hai vợ chồng thuê nhà ở, căn phòng nhỏ vẻn vẹn 20m2. Bố mẹ chị lên thăm, nhìn căn phòng chật chội nóng bức xót con đôi lần gợi ý muốn giúp hai vợ chồng một khoản tiền mua nhà. Anh cảm ơn nhưng luôn khéo léo từ chối, anh bảo chị “Khoản tiền bố mẹ định cho không phải nhỏ, số tiền đó là bao mồ hôi vất vả bố mẹ tiết kiệm mới có được nên để bố mẹ lo tuổi già. Mình còn trẻ phải phấn đấu cố gắng, anh cũng không muốn mang tiếng dựa nhà vợ”. Hiểu tính chồng nên chị không ép anh.

Lương vợ chồng hàng tháng phải chia ra, phần dành tiết kiệm mua nhà, phần hai vợ chồng trang trải sinh hoạt, phần gửi về quê cho bố mẹ chồng. Khi chị sinh con, các khoản chi tiêu trong nhà cứ thế tăng lên vùn vụt theo tiền sữa, tiền bỉm… Căn phòng nhỏ nay thêm phần chật chội, nhiều khi stress quá chị hay thở dài bảo anh “Không biết khi nào  mình mới có nhà riêng ở, sống thuê tạm bợ mãi thế này em mệt mỏi quá, ở nhà người nhiều khi ấm cúng gia đình cũng vơi đi bớt”. Những lúc ấy anh chỉ biết ôm chị động viên “ Anh biết em khổ nhưng cố gắng đừng nản lòng, vài năm nữa mình sẽ có nhà thôi”. 

Chị nghĩ nếu không phải lo cho bố mẹ ở quê, không phải dựng vợ gả chồng cho các em, không phải việc lớn nhỏ gì trong nhà anh đều đưa vai ra cáng đáng thì anh chị đã mua được nhà từ lâu. Chị không phải lòng dạ hẹp hòi, nhưng thử hỏi có ai thích đem tiền nhà đi cho trong khi bản thân phải tiêu tiết kiệm từng đồng. Có lần anh nghe thấy chị than thở với bạn “Mày đừng lấy chồng nghèo như tao, suốt ngày cúi mặt lo cho đống người phía sau chẳng biết bao giờ mới hết. Gánh nặng nhà chồng trĩu vai”. Khi bạn về, anh chỉ trách nhẹ chị “Nếu em mệt mỏi quá thì chia sẻ với anh, đừng than chuyện nhà mình với người ngoài như thế…”.

Kể từ sau lần ấy anh biết ý vợ, nên có khoản cho bên nội anh nói với chị, có khoản anh giấu nhẹm đi, hoặc anh cho hai nói thành một, nếu cô út không vô tình kể khoản tiền anh giúp vợ chồng cô mua xe thì chị nào đâu biết. Tiếng chì tiếng bấc bắt đầu leo thang trong nhà, chị giận anh quá bảo “Của chồng công vợ, anh tự ý lấy tiền cho nhà không nói qua em một lời khác gì anh coi thường không tôn trọng em”. Cảm giác khó chịu với nhà chồng lớn dần trong lòng chị.

Gánh nặng nhà chồng 2
Chị nhận ra từ khi lấy nhau, anh đã từ bỏ hết mọi thú vui của bản thân chỉ biết miệt mài làm việc, còn chị đã sống ích kỷ quá (Ảnh minh họa).

Hôm trước vợ chồng quây quần bên mâm cơm tối, anh bảo “Vợ chồng chú Dũng cần ít vốn làm ăn muốn hỏi vay, em liệu xem mình giúp được bao nhiêu, chú ấy ở quê làm nông lấy đâu ra tiền”. Chưa nghe anh nói hết chị đã phản ứng “Lúc nào cũng hỏi tiền làm như mình là ngân hàng không bằng, vay biết bao giờ trả. Anh có tiền cứ cho, em chịu quá sức rồi. Anh có biết thương vợ con không, hay anh phải hoàn thành trách nhiệm với bố mẹ, các em, đến chết may ra anh mới hết trách nhiệm…”. Không khí gia đình trầm lặng, anh buông đũa, bát cơm bỏ dở… 

Thấy số tiền tiết kiệm đã khá chị bàn với anh vay mượn thêm tính chuyện mua nhà, nào ngờ anh nói “Anh muốn dành tiền đó sửa sang nhà ở quê cho bố mẹ khang trang hơn đã, nhìn bố mẹ ở căn nhà cũ bao năm qua anh không đành lòng. Bố mẹ già rồi, biết sống được bao lâu nữa việc hiếu nghĩa phải lo trước. Chuyện mua nhà mình lui lại thời gian sau”. Lời anh nói đã châm ngòi nổ cho một cuộc cãi vã, chị gắt lên “Anh nhìn lại nhà trọ tồi tàn này đi, nhìn lại bao năm làm vợ anh em có ngày nào được sống thảnh thơi nhàn hạ. Em chịu đựng hy sinh thế là quá đủ rồi, cái gì cũng có giới hạn thôi”. Anh lặng lẽ rít điếu thuốc chậm rãi “Anh xin lỗi đã làm em khổ, nhưng anh nào có sung sướng gì hơn. Anh không thể bất hiếu với cha mẹ được”. Chị lạnh lùng “Nếu vậy vợ chồng mình giải phóng cho nhau bớt khổ để anh còn toàn tâm toàn ý lo cho gia đình mình”.

Chị đưa con về nhà ngoại sống mong trút bỏ mọi gánh nặng ấm ức trong lòng. Khi nghe chị kể chuyện vợ chồng mâu thuẫn, mẹ chị trách “Con làm vậy sai rồi, có biết yêu thương trách nhiệm với nhà chồng như nhà mình thì hạnh phúc mới vuông tròn. Chồng con là đứa biết hiếu nghĩa trước sau, lấy được người chồng như vậy con nên mừng mới phải”. Rồi mẹ kể chuyện ngày xưa bố mẹ lấy nhau nghèo khổ thế nào nhưng mẹ vẫn lo cho ông bà nội chu toàn vì vậy mà bố luôn yêu thương nể phục mẹ. Chị ngồi nghe mà nước mắt lăn dài, chị nhận ra từ khi lấy nhau, anh đã từ bỏ hết mọi thú vui của bản thân chỉ biết miệt mài làm việc, còn chị đã sống ích kỷ quá. Ngày mai chị sẽ về nói lời xin lỗi với anh…
Chia sẻ