F0 tự điều trị ở nhà cần làm gì để có "thẻ xanh" COVID-19?
Những trường hợp mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà đã khỏi bệnh nhưng không được các bên liên quan xác nhận sẽ phải tiêm vắc xin để được cấp “thẻ xanh”.
Ngày 18/9 được sự đồng ý của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố đã ký công văn về việc hướng dẫn xác định người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.
Nội dung công văn nêu rõ, theo kế hoạch dự kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly là đủ điều kiện có “Thẻ xanh COVID”.
Việc chứng nhận là F0 khỏi bệnh là một trong các điều kiện để được cấp thẻ xanh. Tuy nhiên, trên thực tế, tại thời điểm bùng phát dịch, nhiều trường hợp người dân tự làm xét nghiệm, tự cách ly theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà nhưng chưa được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, phường xã, thị trấn xác nhận vì nhiều lý do khác nhau.
Đối với các trường hợp tự làm xét nghiệm, tự cách ly tại nhà và được trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc tổ trưởng tổ dân phố/ tổ nhân dân hoặc các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà do các trường Đại học Y khoa hoặc các tổ chức thiện nguyện đảm trách, xác nhận là đúng thì được xem như đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà.
Đối với các trường hợp khác (không được tổ chức hoặc cá nhân xác nhận) thì cần tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Phương án chích ngừa vắc xin COVID-19 cho những trường hợp đã mắc bệnh không nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia y tế. Nhiều ý kiến cho rằng người tự điều trị khỏi COVID-19 bản thân họ đã có kháng thể bảo vệ, chích vắc xin là lãng phí, không cần thiết.
Mặt khác, người đã khỏi bệnh nếu phải chích vắc xin thì buộc phải chờ thêm thời gian giãn cách giữa 2 mũi và thời gian chờ vắc xin sinh kháng thể (tùy từng loại vắc xin) mới đủ điều kiện cấp “thẻ xanh COVID-19”.
Việc chờ đợi sẽ tốn nhiều thời gian của những người liên quan, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế xã hội của cá nhân liên quan khi thành phố mở cửa trở lại.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết:
“Những F0 có test nhanh hoặc xét nghiệm dương tính đã tự điều trị khỏi cần chủ động khai báo thông tin và đăng ký với y tế địa phương để được làm xét nghiệm kháng thể. Nếu kháng thể có thì coi như trường hợp đó đã từng là F0. Bộ y tế sẽ cung cấp test nhanh kháng thể cho TPHCM”.