Dương Quý Phi chết bí ẩn, thi thể không thấy nhưng lại có mộ ở... Nhật Bản?

Tích Thành,
Chia sẻ

Cái chết của Dương Quý Phi, người phụ nữ đẹp nhất triều Đường (Trung Quốc) đến nay vẫn là ẩn số. Thậm chí, có một ngôi mộ mang tên nàng ở Nhật Bản, nơi người ta tin rằng nàng đã sống ẩn dật đến cuối đời.

Dương Quý Phi - biểu tượng nhan sắc và bi kịch đã chết như thế nào? Sử sách chỉ nói nàng bị thắt cổ tại Mã Ngôi Pha (dốc Mã Ngôi), nhưng thi thể của nàng sau đó lại biến mất một cách kỳ lạ, chỉ còn sót lại một chiếc túi thơm tinh xảo. 

Càng ly kỳ hơn, tại Nhật Bản ngày nay vẫn còn một ngôi mộ mang tên nàng và những người tự nhận là hậu duệ. Phải chăng nàng không chết dưới bàn tay lịch sử, mà đã vượt biển Đông, sống một cuộc đời ẩn danh nơi đất khách? Hay đây chỉ là những tưởng tượng lãng mạn của con người trước một biểu tượng không ai muốn mất đi?

Dương Quý Phi chết bí ẩn, thi thể không thấy nhưng lại có mộ ở... Nhật Bản?- Ảnh 1.


Thi thể mất tích, chỉ còn chiếc túi thơm kỳ lạ

Mùa hè năm 756, trong cuộc loạn An Sử chấn động, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi buộc phải bỏ chạy khỏi kinh đô. Nhưng khi đến Mã Ngôi Pha, một cuộc binh biến bùng nổ, tể tướng Dương Quốc Trung bị giết, còn Dương Quý Phi bị buộc tội là nguồn cơn tai họa. Cuối cùng, Huyền Tông đành chấp nhận hy sinh tình yêu để cứu lấy ngai vàng, ra lệnh thắt cổ nàng trong một ngôi chùa.

Thế nhưng, chỉ hai năm sau, khi triều đình bí mật khai quật mộ nàng để cải táng, người ta chỉ tìm thấy một chiếc túi thơm dát vàng, thi thể đã không cánh mà bay. Chiếc túi thơm này, tinh xảo đến mức dù lắc thế nào, hương liệu bên trong cũng không bị rơi vãi. Nhưng sự hoàn mỹ ấy lại càng làm câu chuyện trở nên bí ẩn hơn: Ai đã lấy đi thi thể nàng? Vì sao túi thơm quý giá không bị trộm mất?

Dương Quý Phi chết bí ẩn, thi thể không thấy nhưng lại có mộ ở... Nhật Bản?- Ảnh 2.


Truyền thuyết vượt biển: Dương Quý Phi trốn sang Nhật Bản?

Trong khi câu chuyện còn đang gây tranh cãi, một làng chài nhỏ ở tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản lại truyền tụng một câu chuyện hoàn toàn khác. Người ta nói rằng, đêm binh biến ấy, người chết không phải Dương Quý Phi mà chỉ là cung nữ thế thân. Chính tướng quân Trần Huyền Lễ đã bí mật thả nàng theo đoàn sứ giả nhà Đường vượt biển Đông, cuối cùng lưu lạc đến Nhật.

Tại vùng đất ấy, nàng sống ẩn dật, từ chối trở về Trung Quốc dù Huyền Tông nhiều lần gửi quà và thư mời. Người ta kể rằng, nàng đã nhổ trâm ngọc gửi lại như lời từ biệt, chọn cách lặng lẽ sống phần đời còn lại nơi đất khách.

Dương Quý Phi chết bí ẩn, thi thể không thấy nhưng lại có mộ ở... Nhật Bản?- Ảnh 3.


Tại ngôi làng nhỏ này, đến nay vẫn còn ngôi mộ được gọi là "Mộ Dương Quý Phi" cùng bức tượng Quan Âm mang hình bóng nàng. Thậm chí vào thế kỷ 20, câu chuyện này hai lần gây chấn động dư luận Nhật Bản: Năm 1936, một thiếu nữ Nhật tự nhận mình là hậu duệ của Quý Phi; và năm 2002, minh tinh Yamaguchi Momoe bất ngờ tuyên bố cô có dòng máu của Dương Quý Phi.

Dù giới nghiên cứu khẳng định gia tộc Yamaguchi thực chất là hậu duệ người Hoa di cư từ Chiết Giang, nhưng truyền thuyết Dương Quý Phi đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa bản địa. Người Nhật còn làm rượu sake và tổ chức tour du lịch lấy cảm hứng từ cuộc đời nàng.

Sự thật hay chỉ là niềm an ủi của lịch sử?

Nhưng câu chuyện vượt biển này gần như không thể xảy ra nếu nhìn vào thực tế: Vượt qua Trung Nguyên loạn lạc và sóng dữ biển Đông, hành trình ấy quá sức với một phụ nữ yếu đuối. Cao tăng Giám Chân từng năm lần bảy lượt thất bại mới sang được Nhật Bản, huống chi là một phi tần không binh không quyền.

Ngoài truyền thuyết Nhật Bản, còn có những giả thuyết khác: Có người cho rằng nàng bị đám loạn quân giết thảm khốc, như cách thi sĩ Đỗ Phủ ám chỉ trong bài thơ "Ai giang đầu"; có người tin rằng nàng được bí mật đưa về Tứ Xuyên, nơi từng phát hiện một ngôi mộ nữ quý tộc có niên đại tương tự.

Dương Quý Phi chết bí ẩn, thi thể không thấy nhưng lại có mộ ở... Nhật Bản?- Ảnh 4.


Nhưng khảo cổ học đã nhanh chóng bác bỏ giả thuyết này: Ngôi mộ ở Tứ Xuyên có niên đại muộn hơn cả trăm năm, không có bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến Dương Quý Phi.

Thực chất, tất cả những truyền thuyết ấy đều bắt nguồn từ một tâm lý chung: Con người không cam lòng để một biểu tượng đẹp đẽ như Dương Quý Phi phải chết thảm. Từ thơ "Trường hận ca" của Bạch Cư Dị đến những bộ phim hiện đại, nàng luôn là hiện thân của vẻ đẹp, tình yêu và sự tiếc nuối.

Bạch Cư Dị từng viết: "Nghe nói ngoài biển có tiên sơn, trong mây khói mờ ảo có cung điện nguy nga, nơi ấy có người tên Thái Chân, da trắng như tuyết, mặt đẹp như hoa". Chính hình ảnh này đã gieo mầm cho bao câu chuyện nàng thoát chết, sống một cuộc đời khác, xa khỏi bàn tay chính trị lạnh lùng.

Dương Quý Phi dù chết hay còn sống đã không còn là một con người bằng xương bằng thịt. Nàng là biểu tượng bất tử của tình yêu, nhan sắc và sự ngắn ngủi của vinh hoa quyền lực. Người đời thêu dệt nên số phận khác cho nàng không phải vì sự thật, mà vì họ cần một kết thúc đẹp hơn cho một cuộc đời quá ngắn ngủi và đau thương.

Cho đến hôm nay, mỗi lần nghe đến tên nàng, người ta không chỉ nhớ đến triều Đường rực rỡ, mà còn nhớ đến câu hỏi chưa lời đáp: Dương Quý Phi, rốt cuộc đã chết ở đâu? Hay nàng vẫn sống trong những câu chuyện chưa bao giờ kết thúc?

Theo Sohu

Chia sẻ