Đừng tưởng ăn nhân hạt mơ là cải thiện sức khỏe với chữa bệnh, nếu không cẩn thận sẽ rước thêm họa
Nhiều người có thói quen đập vỡ lớp vỏ cứng bên ngoài để ăn nhân hạt mơ bên trong mà không biết rằng thói quen này có thể rất có hại.
Nhân hạt mơ và những lợi ích không thể bỏ qua
Vào khoảng tháng 3 âm lịch, nhiều gánh hàng rong bán mơ vàng ruộm lại bươn bả khắp các đường phố, ngõ ngách Hà Nội. Mơ không chỉ là loại quả thơm ngon, chua dịu và mát mẻ mà còn có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Bên cạnh những trái mơ đầu mùa thơm mát, nhiều người thường có thói quen ăn nhân hạt mơ.
Có những người muốn cắn vỡ vỏ cứng bên ngoài hạt mơ như một cách thử thách cho hàm răng chắc khỏe. Nhưng có những người ăn hạt mơ vì cho rằng chúng có rất nhiều lợi ích sức khỏe, thậm chí phòng chống, chữa trị được bệnh ung thư.
Mơ không chỉ là loại quả thơm ngon, chua dịu và mát mẻ mà còn có rất nhiều công dụng chữa bệnh.
Theo trang web www.DrAxe.com (một trong 10 trang web về sức khỏe tự nhiên được ghé thăm nhiều nhất thế giới), về mặt dinh dưỡng, hạt mơ cũng như những loại hạt khác rất giàu chất béo lành mạnh, chất xơ, sắt. Hạt mơ được trồng ở khu vực Trung Á, Địa Trung Hải rất ngọt, đến nỗi có thể thay thế cho hạnh nhân.
Trong hạt mơ chứa một hóa chất gọi là amygdalin, được gọi là laetrile khi ở dạng tinh khiết. Các nhà khoa học cho rằng khi vào cơ thể, hóa chất này được chuyển thành cyanide, chất độc và có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng.
Trong hạt mơ chứa một hóa chất độc hại gọi là amygdalin, được gọi là laetrile khi ở dạng tinh khiết.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thông tin cho rằng loại chất này có khả năng phòng chống ung thư vì có khả năng chống lại tế bào ung thư trước khi nó lan truyền khắp cơ thể. Một số nhà nghiên cứu tin rằng cyanide chỉ gây tổn hại khối u ung thư, nhưng một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Và mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng nhiều người vẫn sử dụng hạt mơ để tăng cường sức khỏe, phòng chống và chữa trị ung thư, nhiều người còn sử dụng như một món hạt ăn trong ngày, nhất là trong giai đoạn mơ đang vào mùa rộ. Vậy ăn hạt mơ thường xuyên có thực sự tốt cho sức khỏe?
Chuyên gia Đông y khẳng định ăn hạt mơ quá nhiều gây ức chế thần kinh
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), nhân hạt mơ có độc vì chứa chất amygdalin. "Chất amygdalin khi vào cơ thể làm cho lượng Hcl và Adehit benzoic biến đổi. Hcl có tác dụng đối với trung khu thần kinh. Lúc đầu khi ăn hạt mơ sẽ giúp bạn hưng phấn, sau đó sẽ gây ức chế, dẫn đến co quắp, hôn mê. Đối với trung khu hô hấp, ăn hạt mơ ban đầu có tác dụng kích thích nhưng sau đó sẽ gây ức chế. Hcl trong cơ thể kết hợp với chất độc quá liều trong hạt mơ có thể khiến bạn tử vong", lương y Bùi Hồng Minh nói.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), nhân hạt mơ có độc vì chứa chất amygdalin.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, nếu dùng với hàm lượng nhỏ, chất này khi vào cơ thể sẽ giúp Hcl được giải phóng từ từ, đem đến tác dụng trấn tĩnh trung khu hô hấp, chữa ho rất hiệu quả. Nghiên cứu của khoa học hiện đại gần đây cũng cho thấy, trong nhân hạt mơ có vitamin B15 có tác dụng chữa bệnh tim mạch, tràn khí phổi, xơ vữa động mạch, viêm gan, xơ gan trong giai đoạn đầu.
Chúng ta không nên ăn nhiều hạt mơ vì những lầm tưởng càng ăn nhiều càng giúp cải thiện sức khỏe, phòng chống nhiều loại bệnh tật khác nhau, trong đó có cả bệnh ung thư. Laetrile được coi là dạng tinh khiết của amygdalin – một hợp chất thực vật chứa đường và tạo ra cyanide được sử dụng ở Hoa Kỳ để điều trị ung thư vào những năm 1970 nhưng trước đó bị ngăn cấm vào những năm 50 vì quá độc hại.
Sau khi các vụ kiện tại Oklahoma, Massachusetts, New Jersey và California xảy ra, thách thức vai trò của FDA trong việc xác định loại thuốc nào có sẵn cho bệnh nhân ung thư, thì laetrile được hợp pháp hoá ở hơn 20 tiểu bang.
Chúng ta không nên ăn nhiều hạt mơ vì những lầm tưởng càng ăn nhiều càng giúp cải thiện sức khỏe.
Vào năm 1980, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm vận chuyển hàng hóa liên bang. Kết quả là, việc sử dụng laetrile đã giảm đáng kể. Ngày nay, hợp chất này chủ yếu được sản xuất, quản lý ở Mexico và một số phòng khám ở Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của laetrile vẫn đang được tranh luận, chưa có hồi kết.
Theo lương y, thay vì chỉ biết ăn càng nhiều hạt mơ thì có thể ăn gan bò, gan ngựa, mầm hạt lúa, cám gạo, tiết bò… Tiêu chí điều độ bao giờ cũng là điều quan trọng nhất. Để có hướng dẫn ăn đúng với liều lượng bao nhiêu cần căn cứ vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe. Do đó, đừng chủ quan từ thói quen ăn nhân hạt mơ mà sức khỏe của bạn có thể gặp nguy hại.