Dùng túi nilon đựng thực phẩm ảnh hưởng sức khoẻ thế nào?
Dùng túi nilon đựng thực phẩm ảnh hưởng tới sức khoẻ thế nào là thắc mắc của nhiều người.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Trưởng phòng khám Chuyên khoa dinh dưỡng VIAM – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, thành phần thường được quan tâm nhiều nhất trong các loại túi nilon là Bisphenol A (BPA), Bis (2-ethylhexyl) adipat (DEHA) và các chất hóa dẻo (plasticizer) - thường được gọi là “dẫn chất phtalat”.
BPA và DEHA thường liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe như ảnh hưởng đến khả năng mang thai, sinh nở, hen suyễn, béo phì, buồng trứng đa nang và chức năng gan.
Các dẫn chất vào trong cơ thể sẽ gây hại nhiều mặt, nhưng hại lớn nhất là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết. Ngoài ra, túi nilon được làm từ những chất khó phân huỷ, khi thải ra môi trường phải mất ít nhất 1.000 năm mới bị phân huỷ hoàn toàn – điều này vô cùng nguy hiểm với môi trường.
Các loại túi nilon hiện nay đa phần được làm từ nhựa dẻo, chủ yếu là các hóa chất cao phân tử như PP, PE… Nguyên liệu đầu vào để làm túi nilon là dầu mỏ và khí đốt, ngoài ra còn được bổ sung thêm các chất phụ gia như chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu.
Túi nilon thường kín hơn túi giấy, khả năng thông khí cũng kém hơn. Do vậy, rau củ, trái cây đựng trong túi nilon sẽ nhanh hỏng hơn.
Cũng vì túi nilon thường kín hơn túi giấy, nên trong ngày nắng nóng như hiện nay việc dùng túi nilon bảo quản rau củ quả gây ra hiện tượng giống như “hiệu ứng nhà kính”, nhiệt độ bên trong túi nilon tăng cao, khiến rau củ quả tươi sẽ nhanh héo, hỏng hơn.
Muốn bảo quản rau củ quả tươi lâu, nên để rau củ quả trong túi giấy đục lỗ hoặc nếu đựng trong túi nilon, có thể đục lỗ túi nilon để đảm bảo lưu thông không khí.