Dung nhan thật của người "vợ nhặt" được hé lộ: Không đẹp, không sang nhưng nhìn phát biết ngay là thị!

Thiên An,
Chia sẻ

"Thị" trông khác với tất cả "nàng thơ" văn học bình thường.

Đã là học sinh, hẳn ai cũng từng đọc hoặc ít nhất nghe qua truyện ngắn Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân. Tác phẩm lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945. Truyện xoay quanh nhân vật Tràng - một người đàn ông nghèo khổ, sống lay lắt giữa khu dân cư tạm bợ bất ngờ "nhặt" được vợ ngoài chợ trong một tình huống vừa bi hài, vừa xót xa. Nhân vật người vợ ấy được gọi đơn giản là thị. "Thị" không có tên, không lai lịch rõ ràng, chỉ được miêu tả bằng dáng vẻ gầy guộc, quần áo rách rưới, ánh mắt thất thần vì đói. Nhưng chính thị lại là nơi bấu víu vào chút hy vọng mong manh về mái ấm, về sự sống giữa lúc cận kề cái chết.

Dung nhan thật của người "vợ nhặt" được hé lộ: Không đẹp, không sang nhưng nhìn phát biết ngay là thị! - Ảnh 1.

Vợ Nhặt (Kim Lân) là tác phẩm quen thuộc với nhiều người

Vì được phác họa khá mơ hồ, nên nhiều thế hệ học sinh luôn tò mò người vợ nhặt ấy nếu có thật sẽ trông như thế nào? Và giờ đây, nhờ công nghệ AI, chân dung người phụ nữ khốn khổ ấy đã được phục dựng lại dựa trên chính những chi tiết trong truyện.

Thị xuất hiện lần đầu trong truyện khi đang ngồi ở vệ đường, đói lả, trông "gầy xọp, quần áo rách như tổ đỉa, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt". Mái tóc không chải, đầu trần dưới cái nắng gắt, thân hình siêu vẹo vì đói. Khi bước về nhà chồng, thị vẫn giữ dáng vẻ tội nghiệp ấy, nhưng đã khác đi đôi chút: "Cái ngực gầy lép nhô hẳn lên, sau rách bươm. Hai con mắt trũng hoáy, lờ đờ… thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng che khuất nửa mặt".

Nếu đem ra so với những "nàng thơ" văn học, người vợ nhặt rõ ràng không có vẻ ngoài nổi bật. Nhưng cái khiến thị trở nên đặc biệt lại chính là sự đối lập: vẻ ngoài đói rách, nhưng trong đó vẫn giữ được nét người. Có khi là cái cười lẳng lơ trong cơn đói, có khi là cái cúi đầu ngượng nghịu lúc gặp mẹ chồng tương lai, có khi là ánh mắt hoang mang khi bước vào mái nhà xa lạ… tất cả làm nên một nhân vật ấn tượng đọng lại trong lòng người đọc suốt nhiều thế hệ.

Dung nhan thật của người "vợ nhặt" được hé lộ: Không đẹp, không sang nhưng nhìn phát biết ngay là thị! - Ảnh 2.

Nhân vật "vợ nhặt" do AI phục dựng

Trong hình ảnh được AI phục dựng từ các mô tả chân thực trong truyện, "thị" hiện lên đúng như những gì ta từng tưởng tượng - một người phụ nữ quá đói, quá khổ, nhưng vẫn còn sót lại nét người trong ánh nhìn. Khuôn mặt gầy rộc, gò má nhô cao, đôi mắt trũng sâu như thăm thẳm một nỗi buồn dài dặc. Nhưng chính đôi mắt ấy lại là điểm nhấn khiến người ta khó dứt vì nó không vô hồn, không lạnh lẽo mà mỏi mệt nhưng biết nghĩ, biết cảm, biết ngại ngùng. Ánh mắt của một người từng có lòng tự trọng, từng biết cười đùa, biết giữ ý, giờ chỉ còn biết níu vào một cơ hội mong manh để được sống.

Trang phục mà AI tái hiện cũng khá đúng với bối cảnh nạn đói 1945 khi thị diện áo cánh nâu đã bạc màu, vài chỗ rách được vá lại vụng về, vạt áo nhăn nhúm vì bụi đường và đói khát. Đầu thị không đội nón, tóc rối nhẹ vì gió và sự phờ phạc, hai bên tóc xõa ôm sát gò má hốc hác. 

Hình ảnh phục dựng không tô vẽ, không lãng mạn hóa. Nhưng chính vì vậy, nó lại càng lay động người xem. Bởi giữa cơn đói, điều đáng sợ nhất không phải là cái chết mà là việc con người bị lột dần từng lớp phẩm giá. Và "thị" - người phụ nữ được nhặt về bằng một bữa ăn, vẫn kịp giữ cho mình ánh mắt biết ngượng, biết hy vọng, biết sống. Thị đẹp theo cách riêng của thị.

Chia sẻ