Đừng mua thịt gà nếu có những dấu hiệu sau
Thịt gà tuy là loại thực phẩm vừa ngon vừa bổ nhưng nếu có những dấu hiệu sau thì tốt nhất bạn đừng mua nếu không muốn đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe.
Thịt gà là món ăn khoái khẩu của nhiều người bởi hương vị thơm ngon, có thể chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, giá trị dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên, bạn cần biết cách chọn mua thịt gà tươi, sạch, an toàn.
Thịt gà có những dấu hiệu sau không nên mua
Gà được bán rất nhiều ở cả chợ, cửa hàng lẫn siêu thị, tuy nhiên chất lượng không đồng đều. Nếu thịt gà có những dấu hiệu sau đây thì tốt nhất bạn không nên mua.
Màu sắc bất ổn
Khi chọn mua thịt gà, thứ đầu tiên chạm vào mắt bạn chính là màu sắc của nó. Thịt gà tươi sống thường sẽ có màu hồng hoặc trắng hồng. Còn nếu thịt có màu tái, nhợt nhạt hoặc xanh, xám thì đó chính là dấu hiệu đã hư hỏng.
Đối với gà đã qua chế biến, miếng thịt ngon thường có màu trắng đến nâu nhạt, nhưng bạn cũng cần kiểm tra kỹ xem có nấm mốc đang phát triển từ bên trong hay không, nhất là những miếng gà đã chế biến và bảo quản trong tủ lạnh quá 3 ngày.
Ngoài ra, khi mua gà đã chế biến, hãy chú ý xem miếng thịt gà có nhão hoặc quá ướt không để tránh. Thịt gà bảo quản trong tủ lạnh vẫn săn chắc, trắng và mềm nghĩa là vẫn an toàn.
Mùi khó chịu
Cầm miếng thịt gà lên kiểm tra, nếu bạn thấy có mùi hôi, tanh thì đó chính là dấu hiệu cho thấy nó đã hỏng. Đừng mua thịt gà nếu có dấu hiệu này. Với những miếng gà như vậy, bạn nên bỏ đi, đừng cố sơ chế hay rửa lại với muối rồi chế biến như nhiều người vẫn làm do tiếc rẻ.
Vị khác lạ
Với những miếng gà đã chế biến và còn sót lại trong tủ lạnh, khi bỏ ra ăn thử, nếu thấy có vị chua, mùi kim loại hoặc vị đắng thì tốt nhất bạn nên bỏ đi vì miếng gà đó đã bị ôi thiu, không ăn được nữa.
Thịt gà rã đông sai cách
Nhiều người có thói quen bỏ thịt gà từ ngăn đá ra ngoài rồi để cả buổi mới chế biến, không biết rằng nhiệt độ môi trường kém ổn định là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển.
Theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nên giữ lạnh thực phẩm (dưới 4,5 độ C) cho đến khi nấu. “Vùng nguy hiểm” đối với thịt gà đang đông lạnh là bất kỳ nhiệt độ nào trong khoảng từ 4,5 đến 60 độ C.
Nếu cần rã đông thịt gà, hãy thực hiện một cách an toàn bằng cách để qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh. Sau đó khi bỏ thịt gà ra ngoài, bạn cần đặt vào túi hoặc hộp nhựa để rã đông hoàn toàn, tránh để gần các thực phẩm khác để ngăn ngừa khả năng nước thịt chảy ra, ảnh hưởng đến chúng.
Một cách rã đông thịt gà khác là ngâm gà vẫn được bọc kín vào nước, đảm bảongập nước hoàn toàn và thay nước sau mỗi 20 - 30 phút. Nên chế biến gà ngay khi rã đông để giảm thiểu rủi ro.
Bao bì bị thủng, rách
Để tiện lợi cho người tiêu dùng, các siêu thị thường chia gà ra từng khay rồi đóng gói. Tuy nhiên khi mua những khay gà này, bạn nên kiểm tra kỹ bao bì, từ thông tin ngày đóng gói đến việc bao bì có bị thủng hay gà bên trong có bị chảy nước hay không.
Nếu thấy có vết rách, lỗ thủng hoặc lỗ hở nào trên khay gà, tốt nhất bạn không nên mua.
Lợi ích sức khoẻ của thịt gà
Thịt gà là thực phẩm cung cấp chất đạm dồi dào, ít chất béo (nếu bỏ da) nên được nhiều người ưa chuộng, nhất là những người có nhu cầu phát triển cơ bắp và muốn giảm cân lành mạnh.
Theo bài đăng trên website của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, thịt gà có hàm lượng axit amin tryptophan rất cao nên có tác dụng làm tăng nồng độ serotonin trong não, giúp cải thiện tâm trạng.
Axit amin homocysteine gây nguy hiểm đến sức khỏe tim mạch, mà việc ăn nhiều thịt gà giúp kiểm soát loại axit amin này, bảo vệ trái tim và ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Thịt gà giàu phốt pho và canxi, giúp xương và răng phát triển, ngăn ngừa tình trạng loãng xương cùng các bệnh về răng.
Thịt gà rất giàu retinol, alpha và beta-carotene, lycopene có nguồn gốc từ vitamin A nên rất tốt cho sức khỏe của mắt.
Vitamin B6 có trong thịt gà cũng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp tiêu hóa thức ăn mà không giữ lại hàm lượng chất béo và giúp giảm cân hiệu quả. Niacin có trong thịt gà là một vitamin thiết yếu giúp chống lại ung thư. Do đó, thói quen ăn thịt gà sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương di truyền cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh ung thư.