Dùng một câu hỏi ngớ ngẩn để làm quen, chàng trai chỉ nhận về "cái lườm" từ cô tiểu thư nhà giàu nhưng cục diện 20 năm sau đã thay đổi cực kỳ bất ngờ
Có lẽ, ngay trong khoảnh khắc lườm chàng trai cùng lớp sau câu hỏi "chẳng đâu vào đâu", cô gái cũng chẳng nghĩ đến kết cục sau cuối của họ.
Đời người chẳng ai nói trước được điều gì. Nhất là trong chuyện tình cảm. Nếu đã có duyên có phận thì đi một vòng họ cũng sẽ quay trở lại với nhau thôi. 20 năm trước cô gái lườm chàng trai có ý với mình sau câu hỏi có phần ngớ ngẩn. 20 năm sau, họ với những vết thương trong tình cảm đã tìm đến với nhau.
Chàng trai nghèo mê đắm cô gái nhà giàu và cách làm quen kì cục
Ngô Tá Nhân sinh ra ở Tô Châu, là con út trong gia đình có 10 người con. Năm ông 3 tuổi, bố qua đời, để lại trong nhà hai góa phụ là bà nội và mẹ ông cùng vài đứa con bé lít nhít.
Những đứa trẻ đã sống trong cảnh nghèo khổ một thời gian dài. Họ không đủ ăn, mặc chẳng đủ ấm, chân còn không có giày để đi. Tuy nhiên, trong những tháng ngày khốn khó đó, cậu bé nhà họ Ngô vẫn tìm thấy niềm vui khi phát hiện hộp màu vẽ do ông nội và bố để lại.
Năm 19 tuổi, ông được nhận vào khoa Mỹ thuật của Đại học nghệ thuật Thượng Hải. Tuy nhiên, Ngô Tá Nhân sớm phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.
Nhờ sự giúp đỡ của họa sĩ Từ Bi Hồng, ông theo học khoa Nghệ thuật của Đại học Trung ương Nam Kinh.
Tiêu Thục Phương lại có xuất thân rất khác. Bà sinh năm 1911 trong gia đình khá giả. Do điều kiện vượt trội, bà sớm được tiếp xúc với giáo dục phương Tây. Bà cũng đam mê hội họa từ nhỏ. Năm 15 tuổi, bà học một trường hội họa danh tiếng ở Bắc Kinh và có những tác phẩm được đánh giá cao. 18 tuổi, bà đến Đại học Trung ương Nam Kinh để học vẽ tranh sơn dầu theo danh họa Từ Bi Hồng.
Tiêu Thục Phương trở thành "nữ thần" được hâm mộ tại đây vì danh tiếng của mình. Một lần, Ngô Tá Nhân đến lớp muộn, ông vội vàng bước về chỗ ngồi rồi bị cuốn hút bởi Tiêu Thục Phương đang vẽ tranh.
Hồi đó, ai chẳng biết danh tiếng cùng gia cảnh của Tiêu tiểu thư. Họ Ngô tuy rất thích bà nhưng nhút nhát, chẳng biết thể hiện sự ngưỡng mộ thế nào cả. Ông cứ ngồi đằng sau, ngày qua ngày phác họa hình ảnh đang vẽ tranh của bà lên giấy.
Thế rồi, thời cơ đến, một hôm, Tiêu Thục Phương mang đến hỏi họa sĩ Từ Bi Hồng về bức tranh "Một rổ trứng" của mình. Ngô Tá Nhân đứng bên cạnh, cũng xem rất chăm chú.
Vô số lần ông tưởng tượng ra cách bắt chuyện với Thục Phương. Lần này, cơ hội tới, ông lao đến hỏi một câu: "Mấy quả trứng cô vẽ đó là đi mua về à?". Tiêu Thục Phương sững người, lườm Ngô Tá Nhân một cái rồi lại nhìn về rổ trứng, không biết nói sao với câu hỏi chẳng liên quan ấy. Cái liếc mắt đó kết thúc cho cuộc trò chuyện đầu tiên giữa cả hai.
Trách bản thân quá vụng về, Ngô Tá Nhân hoàn toàn từ bỏ chuyện theo đuổi "nữ thần". Thời gian sau, có gặp Thục Phương ở trường, ông cũng làm như không biết mà tránh xa.
"Thời gian ấy, mối quan hệ của chúng tôi chẳng có gì cả. Ngô Tá Nhân rất ngại ngùng. Anh ấy sau đó chỉ có ngắm tranh, vẽ tranh chứ không lên tiếng gì cả. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ anh ấy kiêu ngạo lắm", Tiêu Thục Phương chia sẻ sau này.
Thế nhưng cuộc đời có nhiều biến cố. Chỉ một thời gian sau, Ngô Tá Nhân bị đuổi học. Ông được Từ Bi Hồng giúp đỡ bằng các mối quan hệ, gửi sang Paris học vẽ.
Điều khác biệt sau 20 năm gặp lại
Ngô Tá Nhân sang châu Âu, học ở Học viện Mỹ thuật Paris, sau đó ông sang Học viện Mỹ thuật Hoàng gia tại Brussels, Bỉ. Trong thời gian này, kỹ thuật vẽ của ông đạt đến đỉnh cao. Ông kết hôn với một người phụ nữ Bỉ tên là Anna.
Năm 1935, ông nhận được thư từ họa sĩ Từ Bi Hồng, yêu cầu ông về trường xưa Đại học Trung ương Nam Kinh làm giáo sư dạy tranh sơn dầu. Ông và vợ cùng con khăn gói về Trung Quốc chỉ 1 tuần sau đó.
Đó là thời kỳ chiến tranh, vợ và con của Ngô Tá Nhân đã qua đời sau khi mắc bệnh mà thiếu thuốc chữa. Tòa nhà họ ở cũng bị san phẳng, hàng loạt bộ sưu tập của ông bị phá hủy.
Tiêu Thục Phương sau khi rời Nam Kinh, quay lại Bắc Kinh để học. Ngoài học vẽ, bà còn thích trượt băng và đoạt giải nhất trong cuộc thi trượt băng nghệ thuật của phụ nữ ở miền Bắc Trung Quốc.
Năm 1933, bà kết hôn rồi sang Thụy Sỹ du học. Năm 1941, bà về nước và sinh con gái. Sau đó, bà bị bệnh nặng rồi nằm liệt giường 3 năm. Thời gian này, người chồng bắt đầu chán vợ, có tình nhân khác rồi cả hai ly hôn. Bà vực dậy từ bệnh tật, nộp đơn vào Đại học Sư phạm Thượng Hải làm giáo viên.
Năm 1946, bà gặp lại Ngô Tá Nhân tại một buổi triển lãm nghệ thuật. Khi ấy là 20 năm kể từ "cái lườm" bà dành cho ông sau câu hỏi có phần ngớ ngẩn và là 17 năm họ không gặp nhau.
Sau buổi triển lãm, hai người bắt đầu liên lạc rồi hẹn hò. Lần này, Tiêu Thục Phương lại chủ động. Bà mời ông đến phòng vẽ xem tác phẩm mới của mình. Ngô Tá Nhân hẹn bà đi chơi cùng đám bạn. Họ bắt đầu trò chuyện nhiều hơn và yêu nhau.
"Không bao giờ là quá muộn để yêu thêm lần nữa", họa sĩ họ Ngô nói với người yêu. Ai mà ngờ được, sau 20 năm, ông đã theo đuổi được "nữ thần" năm xưa. Ông chính thức sánh bước bên bà, điều mà hai thập kỷ trước vô cùng mong ước.
Tháng 6/1948, họ kết hôn với nhau. Lúc ấy, Ngô Tá Nhân đã 40 mà Thục Phương cũng 37 tuổi rồi. Có hề gì, sau khi đi một vòng tròn thật lớn, họ đã về bên nhau.
Cùng đam mê nghệ thuật và tính tình điềm đạm, cả hai có một cuộc sống hôn nhân rất hạnh phúc. Những sáng tạo trong tranh vẽ cũng nhờ đó mà thăng hoa.
Từ năm 1991-1997, Ngô Tá Nhân ngã bệnh. Tiêu Thục Phương hết lòng chăm sóc. Bà cùng ông gặp bác sĩ, đi bộ, thư giãn, tập hồi phục…
Tháng 11 năm 1996, Ngô Tá Nhân đón sinh nhật thứ 88 và đêm đó, ông đã nằm xuống, hôn mê suốt 140 ngày cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay.
Nhân duyên thật kỳ diệu. Họ gặp nhau khi còn trẻ nhưng người đàn ông chẳng dám theo đuổi để rồi sau khi ai cũng trải qua một cuộc hôn nhân, cả hai bắt đầu viết câu chuyện tình yêu.
Nguồn: Sohu, Sina