Dùng chứng minh thư thay sổ hộ khẩu?

Theo Dân Việt,
Chia sẻ

Trên chứng minh nhân dân (CMND) có thông tin về nơi thường trú của công dân, do đó có thể nghiên cứu tiến tới dùng CMND thay sổ hộ khẩu.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Căn cước công dân để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 12.3.

Sẽ thay thế sổ hộ khẩu

Dự án Luật Căn cước công dân bao gồm 5 chương, 34 điều. Theo dự án luật thì cơ sở dữ liệu căn cước công dân được quy định theo hướng đó là một cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý phục vụ công tác cấp, đổi, cấp lại CMND và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Do cơ sở dữ liệu căn cước công dân có một số trường hợp thông tin trùng với một số trường hợp thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên dự thảo luật được quy định theo hướng: Đối với những trường hợp thông tin mà một trong hai cơ sở dữ liệu này đã có thì không cần thu thập nữa để giảm bớt thủ tục và tránh gây phiền hà cho người dân.

Dùng chứng minh thư thay sổ hộ khẩu? 1
Mẫu CMND trong dự thảo Luật Căn cước công dân (trái) và mẫu CMND mới 12 số đang được cấp ở Hà Nội

Tờ trình về dự án luật cũng đặt vấn đề, CMND là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Trên CMND có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó về lâu dài, có thể nghiên cứu tiến tới dùng CMND thay cho sổ hộ khẩu.

Cũng theo tờ trình dự án luật này, trên CMND cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc. Các thông tin này trên CMND được tích hợp từ giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan khác nên công dân có thể sử dụng CMND để chứng minh các thông tin này trong giao dịch, đi lại mà không cần phải mang các giấy tờ khác liên quan.

Làm luật là để phục vụ dân

Điểm đáng chú ý là dự thảo luật không hạn chế người làm thủ tục cấp CMND, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình. Quy định này nhằm bảo đảm quyền được cấp CMND của công dân để phục vụ giao dịch, đi lại.

Thảo luận các vấn đề trên, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, nên sử dụng khái niệm căn cước và thẻ đó là thẻ căn cước, tạo điều kiện hội nhập và thuận lợi cho người dân và quản lý nhà nước. "Phải tiếp tục làm rõ sao không bỏ ngay hộ khẩu.

Nếu thấy bỏ được thì thiết lập lộ trình cấp CMND mới từ 2016 - 2018. Hiện có 356 thủ tục liên quan đến CMND có thể giảm được bao nhiêu thủ tục, có thuận lợi gì cho các giao dịch hiện có, phải có mục tiêu để dân thấy thẻ căn cước thuận lợi hơn và mang lại nhiều niềm vui hơn" - bà Mai nêu ý kiến.

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, hiện quá nhiều nguồn dữ liệu có giảm thủ tục hành chính hay một người có quá nhiều thủ tục quản lý, ảnh hưởng quyền công dân. “Nhà nước phải bỏ tiền ra làm căn cước cho dân. Khi người dân làm mất hay đổi lại thì họ mới phải nộp tiền" - ông Hiển nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Làm luật phải có tư duy là phục vụ nhân dân, không phải làm luật chỉ để quản lý dân. Đứa bé đẻ ra đã là công dân, phải có giấy gì để vào bệnh viện, đi máy bay miễn vé. Phải có sự đồng bộ số định danh, thẻ căn cước, CMND, hộ khẩu, thẻ công dân điện tử…

Sổ hộ khẩu, sổ hộ tịch, các loại thẻ, các loại giấy… chưa kể các loại như thẻ học sinh, công chức, quân nhân... Mối quan hệ giữa những cái đó thế nào phải tính. Làm sao thống nhất để dân thì thuận lợi, Nhà nước thì quản lý được.

Chia sẻ