Đừng ăn bún vì gây ung thư và hại sức khỏe: Thực hư thế nào?
Nhắc đến bún, phở, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến một món ăn hấp dẫn, bốc khói nghi ngút với những mùi thơm đặc trưng. Nhưng bạn có biết rằng, bát thức ăn ngon lành đó hoàn toàn có thể là một bát hóa chất.
Ngày nay, ăn bún, phở đang trở thành thói quen phổ biến của người dân Việt Nam. Rất nhiều cửa hàng bún, phở mọc lên không chỉ phục vụ cho nhu cầu ăn sáng mà thậm chí cho bất kì thời điểm nào trong ngày. Lượng bún, phở được tiêu thụ nhờ đó cũng tăng lên. Và theo xu thế tất yếu, để cạnh tranh, các cơ sở sản xuất mặt hàng này cũng phải tìm cách để làm sản xuất nhiều hơn, lượng tiêu thụ ngày càng lớn. Phương thức chế biến thay đổi, quy cách bảo quản cũng từ đó cải tiến theo. Nhiều cơ sở sản xuất bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng đã sử dụng những hóa chất nhằm "tắm" cho bún. Sợi bún tươi truyền thống trước đây có màu trắng đục dễ nát - hỏng thì giờ đây bắt mắt hơn nhờ công nghệ "tắm hóa chất" để trắng, bóng bằng hóa chất.
Trong những năm gần đây, dư luận "rúng động" khi hàng loạt cơ sở sản xuất bún - hủ tiểu bị các cơ quan chức năng phát hiện có sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất. Và cho đến nay, sự việc đó vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Nhiều người dân hoài nghi về chất lượng cũng như độ an toàn khi hàng ngày từng xuất bún chả, bát phở nóng hổi, bún cá thơm ngon... có thể gây hại cho sức khỏe của họ. Ăn bún có thể gây ung thư. Ăn bún có thể gây bục nát dạ dày. Ăn bún có thể chết trong đau đớn... Đó là những cụm từ mà hàng ngày người dân phải đối mặt khi sử dụng sản phẩm bún có chứa chất độc hại. Thực phẩm nhiễm độc nhiễm bẩn, con số thống kê về những trường hợp mắc bệnh ung thư ngày càng tăng khiến cho người dân hoang mang. Theo báo cáo của bệnh viện Bạch Mai năm 2014, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 110.000 trường hợp mắc ung thư mới và hơn 73% trong số đó tử vong. Việt nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất trên thế giới.
Và không có gì ngạc nhiên khi khẩu hiệu: "Đừng ăn bún vì gây ung thư!"; "Đừng ăn bún vì bục dạ dày; hại sức khỏe"... gần đây lại sôi sục trở lại.
Bún phở càng bóng đẹp càng ẩn chứa nhiều hóa chất "giấu mặt"
Khi những thông tin về phở có chứa phooc môn độc hại khiến người tiêu dùng lo lắng vừa kịp lắng xuống thì tiếp theo sau đó lại là nỗi lo khác về bún chứa hóa chất.
Ngay từ năm 2013, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm tại một số địa phương. Kết quả là phát hiện một số chủ cơ sở sản xuất bún gian dối, có sử dụng chất Tinopal trong sản xuất bún, bánh phở, bánh canh tươi… Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, cho biết hóa chất này có tên là Tinopal – hóa chất có khả năng phát huỳnh quang và làm cho sản phẩm sáng trắng hơn.
Điều này đe dọa trầm trọng sức khỏe của con người lẫn sự tin tưởng về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng.
Tinopal (còn gọi là chất huỳnh quang) và hàn the là 2 hóa chất được sử dụng phổ biến nhất trong công nghiệp chế tạo bún phở ngày nay.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội đã từng cho biết, Tinopal hay còn được gọi là chất huỳnh quang là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy vì có màu óng ánh, đẹp. Tuy nhiên, hóa chất này rất độc hại và có khả năng gây ung thư vì thế, nó không được cho phép dùng trong thực phẩm.
Thế nhưng, vì lợi dụng tính chất làm cho màu óng đẹp mà nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm đã sử dụng hóa chất này, bao gồm cả trong chế biến bún, phở. Chất tinopal có tác dụng tẩy trắng bún, làm cho sợi bún có màu óng ả, đẹp mắt. Thế nhưng, hành động này lại gây nguy hại trầm trọng cho sức khỏe của người ăn, và mức độ nguy hiểm tăng dần theo số lượng độc tố được đưa vào người. Nó có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây viêm loét dạ dày, niêm mạc ruột, suy gan, thận...
Cũng theo chia sẻ của kỹ sư hóa thực phẩm Hồ Thị Thu Thủy cũng cho biết việc tẩy trắng bún bằng chất huỳnh quang - chất làm sáng quang học, rất nguy hại cho sức khỏe vì hóa chất này gồm nhiều hợp chất hóa học tổng hợp dị vòng. Hóa chất này rất độc vì chứa nhiều kim loại nặng, khi ăn vào chúng lắng đọng ở gan, thận, hệ thần kinh, gây ra nhiều bệnh, trong đó có ung thư.
Hàn the cũng là một trong những chất bị Bộ Y tế không cho phép dùng trong chế biến thực phẩm vì có nhiều tác hại tới sức khỏe. Hàn the khi vào cơ thể sẽ gây ra nhiều tác động xấu, tùy mức độ nặng nhẹ.
Theo kỹ sư hóa thực phẩm Hồ Thị Thu Thủy, bình thường bún được làm bằng gạo nguyên chất sẽ có màu trắng đục nhưng trên thị trường hiện nay, sợi bún rất trắng và trong rất bắt mắt. Để tạo ra màu trắng này, người sản xuất bún đã thêm vào hóa chất tinopal (hay còn gọi là huỳnh quang) vừa giúp làm trắng bún vừa giúp bún để lâu khó thiu và không bị khô cứng. Ngoài ra, hàn the cũng được phát hiện thêm vào bún để tạo độ giòn, dai và không bết dính cho bún.
Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Một khi lượng hàn the tích tụ lại trong cơ thể hoặc được đưa vào cơ thể với liều lượng cao có thể sẽ gây ra ngộ độc cấp cho gan, thận, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Trẻ em nếu tiêu thụ hàn the liên tục, cơ thể không đào thải hết sẽ gặp phải tình trạng chậm phát triển, suy giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể...
Bún tươi chứa hóa chất, ăn bún khô an toàn hơn?
Trước thông tin bún, phở chứa nhiều hóa chất tẩy trắng, thêm hàn the cho giòn, dai, người tiêu dùng đã nghĩ đến phương án chuyển sang ăn bún khô để… an toàn hơn. Liệu phương án đó có thực sự an toàn?
Kỹ sư hóa thực phẩm Hồ Thị Thu Thủy cho biết, không chỉ có bún tươi mà nhiều cơ sở sản xuất bún khô cũng sử dụng hàn để cho vào bún nhằm mục đích làm cho sợi bún dai và giòn. Ngoài ra, không phải cơ sở sản xuất bún khô nào cũng đảm bảo về chất lượng nguyên liệu, nhiều nơi còn sản xuất bún khô từ những loại gạo kém chất lượng nên rất khó để đảm bảo về chất lượng sản phẩm.
Tiêu chí lựa chọn bún, phở sạch, chất lượng
Bún sạch được làm từ gạo nguyên chất sẽ có màu trắng đục, thậm chí rất đục như màu cơm. Còn bún được tẩy trắng bằng hóa chất sẽ có màu trắng sáng, óng. Khi mua bún, người tiêu dùng nên dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất Tinopal.
Bên cạnh đó, bún được cho hàn the thường giòn, dai, trong khi bún sạch sẽ dễ bị nát, đứt gãy khi sờ vào. Vì vậy, khi đi mua bún, ngoài việc chú ý màu sắc, người tiêu dùng nên dùng tay sờ thử để xem bún có dễ nát, đứt gãy và cảm giác hơi dính hay không. Nếu có những dấu hiệu này thì đó là bún sạch. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể dùng que thử hoặc dùng bột nghệ cho vào, nếu thấy bún chuyển sang màu xám thì trong đó có chứa hàn the.
Và điều quan trọng nhất là khi mua bất kì sản phẩm bún, phở nào, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm của cửa hàng có uy tín, nếu là sản phẩm đóng gói thì nên chọn hãng có uy tín, xuất xứ rõ ràng.
Ngay cả khi không có hóa chất, bún, phở không thực sự tốt cho tất cả mọi người
Từ góc độ dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng đã chia sẻ, bún là nhóm thức ăn không thích hợp với những người có bệnh ở đường tiêu hóa. Nguyên do là vì bún được làm từ bột gạo, ngâm với nước trước khi làm khoảng 1 ngày để bột nở ra. Trong thời gian này sẽ có quá trình lên men của tinh bột, vì thế khi ăn người bệnh dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, hại dạ dày.
Do vậy, những người bị viêm dạ dày hoặc hội chứng dạ dày tá tràng không nên ăn bún. Với đặc tính lên men, có chất chua, nếu những người này ăn phải sẽ dễ gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ đau dạ dày.