Đóng BHXH tự nguyện mức thấp nhất 1,5 triệu đồng/tháng, lương hưu được bao nhiêu?
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện muốn hưởng lương hưu cần đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH tự nguyện) không chỉ là một sự lựa chọn an toàn mà còn là một giải pháp tốt cho những người muốn đảm bảo an tâm về tài chính khi về già, đặc biệt đối với những lao động tự do ở khu vực nông thôn.
Như trường hợp của bà C. là lao động tự do ở nông thôn. Hiện bà đã 55 tuổi và tham gia BHXH tự nguyện được 15 năm. Do hiện tại sức khoẻ cũng dần giảm sút, bà C. cũng phần nào yên tâm khi về già có thêm một khoản lương hưu, giúp ổn định hơn cuộc sống.
Tuy nhiên, bà C. có thắc mắc, mức lương hưu hàng tháng bà sẽ được hưởng sau khi nghỉ hưu là bao nhiêu?
Theo quy định hiện hành, mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH được tính như sau:
Về tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng đối với lao động nam là đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội là 45%. Sau đó, thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, sẽ thêm 2%.
Lao động nữ đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội là 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội là tăng 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.
Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.
Mặt khác, căn cứ Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Trường hợp của bà C. đã đóng BHXH được 15 năm, đủ thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu, nhưng bà chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định. Theo quy định bà C. sẽ nghỉ hưu vào năm 2026 khi đủ 57 tuổi theo quy định.
Trong trường hợp này, bà C. có 2 phương án để hưởng lương hưu:
Phương án 1: Tiếp tục tham gia BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Trong trường hợp này, tỷ lệ hưởng lương hưu bà C. được xác định như sau:
15 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ hưởng 45%.
2 năm đóng bảo hiểm xã hội còn lại hưởng 2 x 2% = 4%.
Tổng tỷ lệ hưởng lương hưu của bà C. = 45% + 4% = 49%.
Giả sử mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của bà B. là 1,5 triệu đồng/tháng thì mức hưởng lương hưu của bà C. là = 49 x 1,5 triệu đồng = 735.000/tháng.
Phương án 2: Chờ đến tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu.
Tỷ lệ hưởng lương hưu bà C. được xác định như sau:
15 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ hưởng 45%.
Giả sử mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của bà C. là 1,5 triệu đồng/tháng thì mức hưởng lương hưu của bà C. là = 45 x 1,5 triệu đồng = 675.000/tháng.
Tuy nhiên, NLĐ có thể chọn mức đóng BHXH tự nguyện ở mức cao hơn và thời gian đóng dài hơn thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ cao hơn, từ đó mức lương hưu nhận được cũng sẽ cao hơn.