Đối thoại với Hà Trần về những lần "lột xác" và sự trong sáng trong âm nhạc

Phỏng vấn: Việt phố cổ/ Biên tập: Thụy Anh/ Ảnh: NVCC,
Chia sẻ

Tôi gặp ca sĩ Trần Thu Hà trong một buổi chiều mùa đông Hà Nội mới đón đợt gió lạnh tăng cường. Chị vừa trên đường đến vừa nhắn tin nhắc tôi tìm một chỗ mà ngồi cho khỏi lạnh. Buổi nói chuyện tưởng chỉ có 30 phút đã kéo dài tới hơn 2 tiếng đồng hồ.

28 năm trước, một Hà Trần đầy cá tính xuất hiện trong làng nhạc Việt. Lúc bấy giờ, có nhiều người tò mò vì chính bản thân Hà đã là một câu chuyện âm nhạc khi cô xuất thân từ một gia đình toàn các nhạc sĩ “khủng”. Cũng có những người nói rằng giọng hát của Hà mỏng, thiếu nội lực, thiên về kỹ thuật quá nhiều.

Nhưng với Hà, việc hát là một lao động nghệ thuật nghiêm túc và người hát phải luôn đặt cái tâm thế học hỏi, lắng nghe và không ngừng lao động để đem đến cho công chúng những sản phẩm tốt nhất. Và rồi 28 năm qua, sau những lần “lột xác” trong âm nhạc và cuộc sống, khán giả đã được thưởng thức một nghệ sĩ Hà Trần đầy tinh tế, đầy cảm xúc nhưng rất biết mình, biết người. 

Đối thoại với Hà Trần về những lần "lột xác" và sự trong sáng trong âm nhạc - Ảnh 1.

1. Đối với tôi, việc hát tự nhiên như hơi thở

PV: Từ khi nào âm nhạc trở thành con đường duy nhất của chị?

Hà Trần: Tôi không nghĩ âm nhạc là con đường duy nhất mà đó là con đường tôi đã đi lâu nhất, có nhiều kinh nghiệm nhất. Cho đến nay khi đã có 28 năm đi hát chuyên nghiệp nhưng dường như năng lượng của mình vẫn chưa bị chững lại. Có lẽ đây là sự lão hóa ngược chăng khi tôi thấy rằng, càng lớn tuổi mình càng thấy mình có nhiều năng lượng, nhiều ý tưởng hơn trong âm nhạc.

PV: Là một người có cá tính âm nhạc rất mạnh mẽ, vậy cá tính đó của chị có từ đâu, được định hình từ trước hay là cần trải qua quá trình chiêm nghiệm?

Hà Trần: Tôi nghĩ rằng mình đã có một nền tảng ngay từ đầu. Từ trước đến bây giờ tôi không chọn điều gì dễ dàng. Có thể ngay từ khi đi học, mọi người thường chọn cách đã có sẵn. Nhưng tôi không thích như vậy. Chẳng hạn khi hát những bài hát quen thuộc tôi có thể thấy nhạt nhẽo nên thường sẽ chọn những bài hát mới, ít người hát hơn để thỏa sức được làm theo ý mình, tìm ra được cái hồn cho bài hát.

PV: Theo chị thế nào là hát có hồn?

Hà Trần: Việc hát có hồn hay không không hoàn toàn dựa vào kỹ thuật thanh nhạc mà đó là một nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải rèn luyện liên tục để nối được cảm xúc của mình thông qua dây thanh và phát ra âm thanh truyền tải đến khán giả. Những âm thanh bắt đầu từ cảm xúc bao giờ cũng là âm thanh đẹp, có cái gì đó rất trong trẻo, đẹp đẽ và mềm mại. 

Nhưng kỹ năng thanh nhạc cũng rất quan trọng. Có nhiều bạn trẻ khi chưa qua lớp đào tạo thanh nhạc, các bạn hát rất bản năng và hát bằng tất cả cảm xúc. Bài hát có hồn đấy chứ nhưng nếu thiếu nền tảng kỹ năng thì có thể nhiều tác phẩm các bạn không thể xử lý được nếu chỉ đơn thuần là hát bằng cảm xúc. 

Và với tôi, khi hát phải để mình ở một trạng thái “ngã về không”. Nghĩa là lời ca đến với mình như thế nào, diễn ra trong trạng thái cơ thể thế nào, mình cảm nhận nó ra sao thì để nó phát ra đúng như thế.

PV: Nghe chị nói đến việc hát, tôi lại nghĩ đến những nghệ nhân nấu ăn ở Nhật Bản họ đã từng nói một câu như thế này: “Đạt tới trạng thái "không" là phải quên được kỹ thuật đã học đi”. Trong âm nhạc cũng như vậy chứ? 

Hà Trần: Chính xác! Mình phải thành thục kỹ thuật đó đến mức tự nhiên nhất có thể. Đối với tôi, việc hát tự nhiên như hơi thở. Đương nhiên có được điều này đều phải trải qua một sự học hỏi không ngừng và cho đến bây giờ, việc hát với tôi chưa bao giờ chán. 

Ngày trước đã từng học qua các ngành nghệ thuật khác như múa ba lê, học piano thì chán nhưng việc hát thì không chán. Thế thì mình phải tự hiểu, khi mình làm một công việc quá lâu như thế mà mình chưa chán có nghĩa rằng mình được gửi đến đây để làm công việc đó. 

Chị rất tin vào việc phải thuận theo tự nhiên. Từ bé đã thích về thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên đấu tranh với con người thì có. Về sau này nhận ra một điều là, với tất cả mọi ngành nghề như người viết, người chụp ảnh, người hát, người kinh doanh, người bán phở gà... thì đều có một việc là bắt nguồn từ việc kết nối với tự nhiên. Con người phải hiểu quy luật của tự nhiên và bưng được các quy luật đó vào công việc thì đường đi sẽ rất dài, rộng, sâu và mình sẽ đi được rất xa.

PV: Chị áp dụng sự tự nhiên vào âm nhạc thế nào?

Hà Trần: Đầu tiên trở lại việc mình hát như là hơi thở, thứ hai là sự tương tác với những người làm việc với mình. Đối với chị, tất cả các sự hợp tác đều là win - win. Khi mình cho mình bao nhiêu điều kiện thì cũng tạo điều kiện cho đối tác như thế. Phải cố gắng tìm hiểu nhau để có sự kết hợp. Điều này chị nghĩ là chị có sẵn và theo thời gian đã rèn giũa được việc này một cách rất là triệt để, ngày càng mở rộng. Nhưng đầu tiên phải có sẵn.

Khi ngày xưa chơi các trò chơi trẻ con chưa bao giờ là người ham thắng, không có tính cá nhân muốn thắng một ai đó. Những trò chơi trở thành niềm vui và không phải là một thứ để sát phạt, làm tổn thương đến người khác. 

PV: Việc hát có ý nghĩa gì đối với chị? 

Hà Trần: Tôi được rất nhiều từ công việc này. Và cho đến hôm nay tôi vẫn thấy mình nhận chứ không phải mất. Tôi đến với âm nhạc hoàn toàn trong sáng. Tôi yêu công việc này và tôi muốn đào sâu vào những vẻ đẹp của nó. Khi tôi thấy được vẻ đẹp đó thì tôi muốn bưng ra với mọi người để san sẻ cái đẹp.

Cái được lớn nhất của tôi khi hát là mình "giàu có", giàu có về trải nghiệm sống và tâm hồn. Khi mình biết "gieo duyên lành", mang đến những điều tốt đẹp thì mình xuất hiện khán giả sẽ thấy vui thích và người ta trở về cảm thấy không tiếc tiền bỏ ra xem mình hát.

Đối thoại với Hà Trần về những lần "lột xác" và sự trong sáng trong âm nhạc - Ảnh 2.

2. Âm nhạc là một cuộc đối thoại của nghệ sĩ với khán giả, với cuộc đời và với chính mình

PV: Đã bao giờ chị nghĩ các bài hát của chị có ảnh hưởng đến một người như thế nào không? Có rất nhiều người yêu nhạc Hà Trần mà mỗi một chặng đường trong cuộc đời họ sẽ gắn với một bài hát của chị ?

Hà Trần: Ngay mới đây, có một số tài khoản Facebook ẩn danh luôn lên Fanpage của tôi nói về các buổi biểu diễn. Buổi hôm nay thế này, buổi hôm kia thế kia, cảm xúc của từng buổi như thế nào. Họ đã đi theo nguyên một tour biểu diễn từ Hà Nội lên Đà Lạt, từ Đà Lạt xuống Sài Gòn và từ Sài Gòn ra Phú Quốc. Biết bao nhiêu tiền của mọi người trong thời Covid thế như này chứ! Đó là những điều tôi coi là vô giá. Mà những tài khoản đó tôi không biết họ là ai, chỉ biết yêu tiếng hát của mình, & họ sẽ tìm cách đi xem, nếu không xem được sẽ theo dõi trực tuyến, không bỏ lỡ sự xuất hiện của mình ở đâu. Những điều đó làm gì mua được? Không bao giờ mua được!

Tôi được chia sẻ điều đó rất nhiều và điều đó khiến mình cảm động vô cùng. Con đường ngắn nhất đến với người khác là trái tim mà. Gần đây nhất là mấy ngày trước tôi thấy một comment trên Facebook của một người bạn rằng “Nhờ chị nói với chị Hà là em cảm ơn những bài hát của chị”. Thế là tôi chỉ bấm một cái like vào đó thôi và bạn ấy gửi cho tôi một tin nhắn rất xúc động như thế này (tôi xin phép đọc cho bạn nghe): 

“Em không biết tin nhắn này có đến được với chị không nhưng ít nhất lời cảm ơn của em đã được chị đọc và em rất vui vì điều đó. Em đã trải qua nhiều tháng đối mặt với chứng trầm cảm của mình, cô đơn và không thể nói với ai. Sau đó em té cầu thang và phải nằm trong nhà hơn một tháng. Suốt những ngày đó, sáng nào thức dậy em cũng chỉ nhìn ra cửa sổ và nghĩ xem làm sao mình có thể nhảy ra khỏi đó. Nhưng rồi em nhớ ra, em rất thích “Sắc màu” và em nghĩ nó đủ buồn để làm em khóc. Rồi em bắt đầu nghe tất cả những bài hát của chị và nhận ra giọng hát của chị thật là yên bình, ít nhất là đối với em. Và ngày nào em cũng nghe chị hát. Đến bây giờ em đã cảm thấy khá hơn nhiều, đã tin vào bản thân nhiều hơn vì em từng xem một chương trình phỏng vấn chị, biết được chị đã từng phải luyện tập gấp nhiều lần người khác thế nào, em tin là mọi thứ sẽ ổn. Một lần nữa em cảm ơn chị!”

Đó! Những người mình không hề biết, đó chính là những mảnh đời mà sau này họ đi vào những tác phẩm của mình.

PV: Những lần tiếp xúc với những đại thụ trong âm nhạc như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Trần Tiến… có giúp chị định hướng điều gì trong âm nhạc không?

Hà Trần: Những buổi gặp gỡ đó đã cho tôi rất nhiều sự kết nối với thế hệ trước và nhờ đó tôi thấy rằng việc kết nối rất quan trọng. Không chỉ trong âm nhạc, trong gia đình cũng thế. Nếu như bố mẹ và con cái nói chuyện không có đối thoại thì sự kết nối càng giãn cách, đến lúc nào đó có thể hai bên không thể hiểu được nhau. Vậy chúng ta làm thế nào để kết nối? Tất cả chỉ có thể có qua sự đối thoại.

PV: Còn đối thoại với sự im lặng thì sao? Chị có đối thoại được với sự im lặng không?

Hà Trần: Tôi thích nhất là sự đối thoại im tiếng. Tôi không sợ sự im lặng và thậm chí cần sự im lặng kinh khủng. Có hai điều tôi cảm thấy có nhu cầu cao hơn là cần không gian rộng và cần sự tĩnh lặng.

PV: Người nghệ sĩ có cần đối thoại với cuộc sống không?

Hà Trần: Cực kỳ cần! Người ca sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trình diễn như một cái ăng-ten có thể bắt và phát nhiều tần số khác nhau. Với những người đứng sau như nhà sản xuất, nhạc sĩ viết nhạc… sẽ có quyền lùi lại một bước nhưng người nghệ sĩ trình diễn thì không. Do đó, phản ứng của người nghệ sĩ trình diễn phải rất nhanh nhạy và thông minh bởi khi họ trình diễn chính là đang đối thoại, đang tương tác trực tiếp với khán giả.

PV: Nói đến chuyện đối thoại với khán giả, tôi thấy có những người nghệ sĩ như Nina Simone (một ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của Mỹ), mỗi khi bà trình diễn dường như hoàn toàn hóa thân vào tác phẩm và chẳng còn bận tâm tới điều gì, còn khán giả thì đến để thưởng thức thứ âm nhạc của riêng bà. Chị nghĩ thế nào về việc trình diễn của nghệ sĩ trên sân khấu ?

Hà Trần: Cái này lại trở lại một vấn đề mà gần đây tôi cũng có trao đổi là nghệ sĩ trình diễn cũng phân ra làm hai trường phái, một là họ rất cầu thị với nhu cầu của khán giả và họ làm việc theo thiên hướng những sản phẩm của họ phải được thích ở diện rộng, kết nối được nhiều khán giả.

Một trường phái nghệ sĩ thứ hai như Nina Simone là họ không hòa mình vào đám đông nhưng họ sống cùng đám đông, họ biết nhiều mảnh đời, nhiều giới người xung quanh. Nhờ sự va chạm đó giúp họ truyền tải qua chính kinh nghiệm sống của họ và thể hiện ra sản phẩm âm nhạc. Nina Simone là một người như thế và đối với tôi họ rất mạnh mẽ.

PV: Chị ở trường phái nào?

Hà Trần: Tôi nghĩ mình giống Nina Simone!

PV: Để đi theo con đường đó phải cần rất nhiều sự tự tin và thấu hiểu chính bản thân mình phải không chị?

Hà Trần: Đúng vậy. Phải hiểu mình và hiểu người vì nếu chỉ hiểu mình thì sẽ mất đi kết nối với khán giả.

Khi hiểu mình, không hiểu người khác thì những gì họ đưa ra khán giả sẽ thấy bị xa lạ. Đấy là sản phẩm mà tôi nghĩ trong quá khứ tôi đã mắc phải. Tức là làm mà chỉ để thỏa sự thích của mình nhưng không kết nối với khán giả hoặc chỉ kết nối với thị phần nhỏ khán giả có kiểu tư duy như vậy.

Lúc đó, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều rằng tại sao mình không với được tới người nghe? Chuyện này không phải vì sự khác biệt giữa tầng lớp hay kiến thức bởi khán giả bình dân hay cao cấp đều là con người. Con người thì luôn luôn có con đường ngắn để đến trái tim của họ và đấy là việc khiến tôi tìm cách và tự nhiên sau đó các sản phẩm đã đưa ra cho mọi người giống như một món quà âm nhạc đi ra từ trái tim của tôi. Khi thể hiện bằng cảm xúc và cái con người nhất của tôi thì kiểu gì cũng sẽ chạm đến người nghe.

Có thể người ta không thích hết nhưng người ta sẽ tìm được cách kết nối với mình. Cái đó tôi gọi là một cái "móc" vào tim khán giả.

Đối thoại với Hà Trần về những lần "lột xác" và sự trong sáng trong âm nhạc - Ảnh 3.

PV: Mấu chốt của cái “móc” mà chị nói là gì ?

Hà Trần: Đó là sự chân thành, là sự trần trụi từ trái tim của con người đến con người. Cái đi ra từ trái tim sẽ không có sự khác biệt đẳng cấp, trình độ, hoặc  mũ áo trong xã hội nhiều giai tầng. Tất cả những ước muốn của chúng ta rất đơn giản, ai cũng muốn được yêu thương, ai cũng muốn được truyền cảm hứng vui vẻ để sống. Không ai muốn gì bực bội, buồn phiền, cấu xé. Nên khi mình gạt đi tất cả những năng lượng tiêu cực đó trong âm nhạc, trong con người mình thì những gì đi ra đều là những điều tích cực.

PV: Làm thế nào để người nghệ sĩ loại bỏ được đường ngăn của mình với khán giả và đưa sự chân thành của mình cho khán giả đón nhận?

Đó là sự chắt lọc từ cuộc sống, nghệ thuật nào cũng phải bắt nguồn từ cuộc sống hết. Người nghệ sĩ chỉ có điều đặc biệt hơn là khi họ sinh ra được vũ trụ ban cho những năng lượng và những kỹ năng nhất định để họ cũng giống như bao nhiêu người xung quanh nhưng họ chắt lọc được, bắt được mấu chốt của cuộc sống và biến nó thành tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm đó sẽ đồng vọng lại với khán giả. Và cái “cửa ải” khó khăn nhất là anh ta phải là một màng lọc giữa thông tin nhận được với cái cuộc sống anh ta đã trải qua để chắt lọc thành tác phẩm nghệ thuật. Nếu trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ không kiểm soát được hoặc là không chế ngự được những cái tham vọng cá nhân, cái tôi, tất cả sân si của con người thì anh ta sẽ có những sản phẩm sẽ bị hạn chế về tính lan tỏa. Đó là điều chắc chắn vì có nhiều tính cá nhân trong đó.

PV: Vậy làm nghệ thuật là cần phải trong sáng?

Chính xác! Đó là màng lọc, lọc ra tác phẩm, thanh lọc bản thân mình. Kể cả ngoài nghệ thuật, trong cuộc sống hàng ngày mà hai người bạn đến với nhau bằng cách chân thật thì mối quan hệ sẽ rất đơn giản.

Đối thoại với Hà Trần về những lần "lột xác" và sự trong sáng trong âm nhạc - Ảnh 4.

3. Lột xác để trở nên nhẹ nhàng như cây cỏ

PV: Những mảnh đời đi vào trong tác phẩm của mình… chứng tỏ trải nghiệm của bản thân có ảnh hưởng rất nhiều đến việc hát của chị?

Hà Trần: Có chứ, nhiều là khác! Thực ra đối với một người nghệ sĩ trình diễn, việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp như thanh nhạc, nhạc lý có thể chỉ diễn ra trong khoảng 10 năm đầu của sự nghiệp thôi. Khi mình có học đến một mức nào đó và định hình được phong cách thì trong phong cách đó chỉ cần yêu cầu một số lượng kiến thức, kỹ năng nhất định để làm việc. 

Nhưng cái để người nghệ sĩ liên tục hóa thân được, liên tục làm mới bản thân mình đấy chính là sống. Một người nghệ sĩ phải trải qua rất nhiều cung bậc của cuộc sống, phải chịu được tất cả những tiếp xúc trong nghề nghiệp và ngoài nghề nghiệp. Tôi luôn nghĩ rằng nếu làm được điều đó mình sẽ trở thành một cái cây. Cái cây càng lâu năm càng nhiều vòng tuổi. Đó là cách người nghệ sĩ càng ngày càng trở nên vững chãi và mạnh mẽ hơn, mới mẻ hơn.

PV: Việc chấp nhận thử thách nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra mỗi lần thay đổi phải đòi hỏi nỗ lực rất lớn…

Hà Trần: Giống như việc bóc vỏ đấy, như con rắn lột vỏ, đó là một quá trình tự nhiên dù có nhiều đau đớn. Đương nhiên con rắn có thể tự nhiên hơn mình nhưng nó là quá trình mà tôi nghĩ con người bắt buộc phải thay đổi, phải vận động. Nếu như không thay đổi, không vận động, cứ ở trong vùng an toàn thì tức là đang… chết.

PV: Từ khi nào chị nhận thức được mình luôn phải vận động, phải thay đổi như thế?

Hà Trần: Có thể một phần đó là bản năng. Ngay từ nhỏ tôi đã thấy mình là một đứa trẻ như vậy, đứa trẻ tò mò, không bao giờ bằng lòng với một câu trả lời. Cứ tự nhiên như vậy đến khi lớn lên đã trở thành con người như thế.

Đối thoại với Hà Trần về những lần "lột xác" và sự trong sáng trong âm nhạc - Ảnh 5.

PV: Lần “lột xác” nào khiến chị nhớ mãi?

Hà Trần: Ui! Lần nào cũng nhớ hết. Lúc đang đi qua thì cũng phải đi qua đủ cung bậc cảm xúc không tích cực. Nhưng khi đi qua rồi thì nhận thấy đó là một bài học tích cực cho mình.

PV: Động lực nào khiến chị vượt qua những lần “lột xác” đó?

Hà Trần: Đó là do tôi luôn nghĩ mình phải đi tiếp, không thể dừng lại được. Tuy nhiên đã có những khoảng lặng khá lâu trong sự nghiệp của tôi ví dụ như vài ba năm không xuất hiện nhiều. Đó có thể là sang chấn của những việc thử nghiệm không thành công hoặc sang chấn trong cuộc sống khiến mình thấy không có sức làm việc một cách năng nổ thì mình sẽ làm việc dè dặt hơn. 

4. Nhạc Trịnh rất bình tĩnh và cần sự bình tĩnh

PV: Tại sao chị tham gia Daikin Concert “Để gió cuốn đi” lần này?

Hà Trần: Thực ra Daikin và tôi có một quan hệ tốt. Lần đầu tiên tôi làm việc với Daikin là 5 năm trước và từ đó năm nào có Concert cuối năm họ cũng mời làm việc. Mình thích làm việc vì cảm thấy nhãn hàng này biết đầu tư làm chương trình ca nhạc có xu hướng giới thiệu văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, Daikin làm việc với Thanh Việt - công ty của anh Quốc Trung mà anh Quốc Trung là người rất khó tính trong việc chọn khách hàng. Do đó, khi về Việt Nam làm việc, tôi luôn luôn ưu tiên với khách hàng Daikin cũng như Công ty Thanh Việt vì tôi đã chiêm nghiệm trong suốt 5 năm là chương trình nào cũng mang tính nghệ thuật và có sự lan tỏa văn hóa rất tốt.

Đối thoại với Hà Trần về những lần "lột xác" và sự trong sáng trong âm nhạc - Ảnh 6.

PV: Trong chương trình này có bạn Marzuz là một ca sĩ trẻ lần đầu tiên biểu diễn trong một chương trình lớn như thế. Chị đã nghe Marzuz hát chưa và cảm nhận của chị về bạn ca sĩ trẻ này như thế nào?

Hà Trần: Tôi đã nghe một số bài hát của Marzuz trước đây trên mạng rồi. Việc lựa chọn Marzuz trong chương trình này là ý kiến của anh Quốc Trung. Anh Quốc Trung rất cần giọng hát mới. Nhạc Trịnh rất phổ biến với người Việt, đưa người trẻ vào hát cùng với những người đã hát nhạc Trịnh lâu năm thì tôi thấy cũng là một ý kiến rất hay. Trong show lần này có Hà Lê và Marzuz là các ca sĩ trẻ. Hà Lê thì đã có một dự án về nhạc Trịnh rồi. Nhưng cái quan trọng nhất là theo cách hòa âm mới của Quốc Trung thì hai bạn này khá phù hợp.

PV: Về nhạc Trịnh Công Sơn thì lần nào có người làm mới thì cũng gây ra tranh cãi. Vậy đối với một người làm nghệ thuật như chị thì chị nghĩ như thế nào về việc làm mới nhạc Trịnh?

Hà Trần: Làm mới nhạc Trịnh hay bất cứ một tác giả nào mà tác phẩm của họ được coi là huyền thoại thì đồng nghĩa với việc công chúng sẽ quen với những giá trị nền tảng đã được tạo ra và dè dặt hơn, không cởi mở khi đón nhận việc làm mới. Đối với quan điểm của tôi, câu hỏi đặt ra là tâm thế của người làm mới là gì? Họ làm mới theo cách họ muốn thể hiện bản thân hay họ tìm ra khía cạnh khác trong nhạc cũ đó? Theo tôi thấy trong những người gần đây làm mới nhạc Trịnh thì có dự án của Hà Lê rất thành công. Tôi chính là người chứng kiến khi diễn chung với Hà Lê, từ những người trẻ đến người già đều thích và hưởng ứng Hà Lê. Tôi nghĩ Hà Lê thành công vì khi bắt tay vào dự án cậu ấy thực sự muốn tìm ra những khía cạnh khác của nhạc Trịnh và cậu ấy có thể đem tâm thế mới mẻ của người trẻ, những cái sở thích và kiến thức âm nhạc bây giờ hòa trộn vào âm nhạc Trịnh và điều đó trở thành một điều rất dễ chịu để cho người khác tiếp nhận.

Cũng vì vậy tôi nghĩ rằng có những sự làm mới nhạc Trịnh không thành công vì cái tôi của người nghệ sĩ khi họ đến với dự án cao hơn, dẫn đến việc fan của người nghệ sĩ đó có thể thích nghe các sản phẩm này nhưng người chỉ thích nghe nhạc của Trịnh Công Sơn họ sẽ cảm thấy không hài lòng.

PV: Nói đến cái tôi thì đối với nghệ sĩ, làm thế nào để cái tôi không lấn át cái chất của tác giả bài hát?

Hà Trần: Đó là một câu hỏi của hàng thế hệ nghệ sĩ và điều đó cần trở thành một thứ nghệ thuật. Không chỉ là nghệ thuật trong âm nhạc mà còn là nghệ thuật sống. Để mà dung hòa giữa hai cái tôi của người nhạc sĩ và nghệ sĩ với nhau đầu tiên người ta phải tìm được ngôn ngữ chung và cùng một mục đích. Còn sau đó mọi thứ sẽ tự động hòa vào nhau.

PV: Vậy khi chị hát nhạc Trịnh Công Sơn, chị tìm được những điểm chung nào?

Hà Trần: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một người rất hiền, thiện, hiển hiện trong tác phẩm & đời sống. Trong những bài hát của Trịnh Công Sơn không có sự tức giận. Ông có thể đặt ra những câu hỏi, triết lý nhân sinh… nhưng cơ bản nhạc Trịnh rất bình tĩnh và cần sự bình tĩnh. Tôi có những phẩm chất đó. Nhưng để nói về tìm tiếng nói chung với nhạc Trịnh thì còn phụ thuộc vào nghệ sĩ hoà âm cho tác phẩm. Tôi luôn tìm sự đồng cảm với nhạc sĩ hòa âm trước tác giả ca khúc. Đó là một sự cộng hưởng trực tiếp.

PV: Sự kết nối luôn luôn cần trong cuộc sống này, ở bất cứ đâu và bất cứ ai. Xin cảm ơn chị Hà Trần rất nhiều!

Chúng tôi không biết phải thể hiện sự vui thích và ngỡ ngàng của mình như thế nào khi đã có một cuộc trò chuyện với Hà Trần hay ngoài mong đợi như thế. Hà Trần có thể đưa chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác đến mức tôi không biết phải lấy ý hay nào trong câu chuyện của chị để làm nội dung chính cho bài viết. Vì thế, bài phỏng vấn này sẽ đơn giản thôi, là đối thoại với Hà Trần, đối thoại với một Trần Thu Hà đầy cá tính, đầy trải nghiệm. Và chúc chị luôn hạnh phúc và biết cách làm mình hạnh phúc với “sứ mệnh đi hát” của mình. 

Chia sẻ