Đọc vụ bạo hành mới đây, tôi càng quyết tâm chọn trường có camera: Bảo vệ trẻ em quan trọng hơn sự riêng tư của người lớn!
Vụ việc khiến lòng tôi nặng trĩu...
*Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hằng - một phụ huynh có con sắp vào mẫu giáo tại phường Định Công, Hà Nội:
Khi mạng xã hội lan truyền bức ảnh tấm lưng của một đứa trẻ 4 tuổi bị bầm tím sau khi đi học về, tôi bấm vào xem mà lòng nặng trĩu. Đó là vụ việc xảy ra ở Trường Mầm non Gia Thụy (phường Bồ Đề, Hà Nội), nơi mà một cô giáo thừa nhận đã đánh trẻ vì "không chịu ngủ trưa". Cái lý do tưởng chừng rất nhỏ ấy, lại dẫn đến những vết thương chằng chịt, đến mức bác sĩ chẩn đoán là "1/2 lưng trên có đám da tổn thương xuất huyết rải rác bên trong".
Tôi bật khóc. Không phải chỉ vì thương xót cho đứa trẻ đó – mà còn vì tôi tưởng tượng ra con mình. Đứa bé tôi vẫn ôm ấp mỗi đêm, sắp tới sẽ bước vào môi trường mẫu giáo đầu tiên trong đời. Và tôi không thể không tự hỏi: L iệu môi trường mà tôi chọn có đủ an toàn cho con?
Tôi không viết bài này để chỉ trích riêng một giáo viên, hay một ngôi trường nào cả. Tôi biết, trong ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều thầy cô tận tâm, yêu thương học sinh như con ruột. Nhưng một vụ việc như thế này – dù chỉ một – cũng đủ khiến trái tim của hàng triệu bậc phụ huynh như tôi chấn động. Vì với trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non, mọi tổn thương – cả thể xác lẫn tinh thần – đều để lại vết sẹo rất lâu dài.

Những vết thương của đứa trẻ khiến tôi bàng hoàng, đau xót
Ngay sau khi đọc vụ việc, tôi và chồng ngồi nói chuyện. Chúng tôi thống nhất một điều: trường mẫu giáo mà con theo học BẮT BUỘC phải có camera trong lớp học. Và nếu trường nào không có, dù cơ sở vật chất tốt đến đâu, dù học phí hợp lý đến đâu, chúng tôi cũng không thể đặt niềm tin.
Nhiều người sẽ phản đối tôi. Nhiều giáo viên cho rằng lắp camera là "xâm phạm quyền riêng tư", là "đặt giáo viên vào thế bị giám sát", là "gây áp lực tâm lý khi giảng dạy". Tôi hiểu điều đó. Tôi tôn trọng cảm xúc và không gian làm việc của người thầy. Nhưng tôi cũng xin được nói thật lòng mình, không vòng vo:
"Bảo vệ trẻ em quan trọng hơn sự riêng tư của người lớn – nhất là khi người lớn đó đang được giao trọng trách chăm sóc trẻ".
Chúng ta không thể nói yêu trẻ mà lại từ chối sự minh bạch. Chúng ta không thể vừa khẳng định mình trong sáng, mà lại lo sợ bị ghi lại hành động của chính mình trong lớp học. Nếu tất cả những gì thầy cô làm đều xuất phát từ trách nhiệm và tình thương, thì chiếc camera sẽ không phải là công cụ kiểm soát – mà là nhân chứng của lòng tử tế.
Camera trong lớp học không phải để phụ huynh ngồi "rình" từng hành vi nhỏ của giáo viên. Nó là tấm gương phản chiếu sự thật – giúp bảo vệ học sinh khỏi những tình huống nguy hiểm, đồng thời cũng là bằng chứng bảo vệ giáo viên khỏi những lời vu khống nếu có hiểu lầm xảy ra. Minh bạch không phải là thiếu tin tưởng, mà là một phần của sự tôn trọng lẫn nhau.

Ảnh minh hoạ
Trở lại vụ việc ở Gia Thụy, tôi biết nhà trường đã đình chỉ cô giáo, đã xin lỗi phụ huynh và phối hợp điều tra. Nhưng trong lòng tôi – một người mẹ – tôi chỉ thấy chua xót. Bởi khi mọi chuyện xảy ra, dù người lớn có xử lý thế nào, thì đứa trẻ ấy vẫn là người phải gánh chịu đầu tiên – và lâu dài nhất. Ai sẽ xoá được nỗi sợ trong tâm hồn em? Ai sẽ chữa lành cảm giác bị tổn thương ngay trong nơi lẽ ra phải là mái nhà thứ hai?
Là cha mẹ, chúng tôi không đòi hỏi sự hoàn hảo. Chúng tôi chỉ cần một môi trường đủ an toàn để có thể yên tâm giao con cho người khác mỗi ngày. Và nếu điều đó đồng nghĩa với việc phải có camera trong lớp học, tôi xin khẳng định: tôi ủng hộ tuyệt đối.
Nếu thầy cô thực sự yêu nghề, yêu trẻ, hãy nhìn camera như một người bạn đồng hành, chứ không phải kẻ giám sát. Hãy cùng chúng tôi – những người cha, người mẹ – tạo nên một môi trường học đường mà ở đó, mọi đứa trẻ đều có thể được yêu thương và tôn trọng như chính con ruột của mình.