Đọc cả trăm lời khuyên để đối phó với “khủng hoảng tuổi lên 3”, bố mẹ vẫn bối rối vì chưa biết đến giải pháp từ gốc rễ này
Ai đã có con rồi cũng phải thừa nhận: việc nuôi dưỡng những đứa trẻ với vô số nhu cầu cần được đáp ứng là cả một khối lượng công việc khổng lồ. Nhất là khi con đã đến tuổi lên hai, lên ba, những sự chống đối dưới đủ mọi hình thức như khóc lóc, ăn vạ, mè nheo lại làm bố mẹ càng thêm đau đầu.
Thật khó giữ bình tĩnh khi con nằm vật ra khóc lóc giữa cửa hàng vì không được mua một món đồ chơi, hay khi con nổi cơn tam bành chỉ vì bạn lỡ dại… nhấn nút xả nước bồn cầu sau khi con đi tè mà không hỏi ý kiến con trước. Dù yêu thương con tới đâu, nhiều lúc bố mẹ cũng phải "phát điên" với giai đoạn "khủng hoảng tuổi lên 3" của con.
Khi con đã đến tuổi lên hai, lên ba, những sự chống đối dưới đủ mọi hình thức như khóc lóc, ăn vạ, mè nheo lại làm bố mẹ càng thêm đau đầu. (Ảnh minh hoạ)
Con càng lớn, chúng ta càng vô tình có những thói quen nuôi dạy con tiêu cực không muốn có: thường xuyên la mắng, dùng bánh kẹo hay đồ chơi "mua chuộc", dùng đòn roi dọa dẫm chỉ để con làm theo ý mình, v.v. Dù không muốn thừa nhận nhưng bạn thực sự thấy khó mà tìm được những niềm vui trong việc nuôi dạy con như những ngày đầu sơ sinh, khi con còn bé bỏng.
Vẫn có những lúc bạn cảm thấy thực sự gắn bó với con, những giây phút mà sự hồn nhiên và tình cảm chân thành của con làm trái tim bạn tan chảy. Nhưng mỗi ngày, bạn vẫn phải đối mặt với những tình huống mâu thuẫn với con. Bạn vừa cố gắng kiểm soát hành vi của con, muốn con làm theo ý mình, vừa bối rối và lo sợ tự hỏi: Mình làm vậy là đúng hay sai? Mình có phải là một người cha/người mẹ tệ hại? Bạn cảm thấy vô vọng và muốn thay đổi tình trạng này.
Cha mẹ tỉnh thức – câu trả lời không nằm ở con, mà ở chính bố mẹ
Khái niệm "cha mẹ tỉnh thức" (conscious parenting) đã manh nha từ lâu trong cộng đồng làm cha mẹ trên thế giới, và giờ đây đang được biết đến rộng rãi hơn thông qua một số cuốn sách và nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý học Shefali Tsabary.
Mỗi đứa trẻ là một con người hoàn toàn độc lập với những nhu cầu, sở thích và mong muốn riêng cần được tôn trọng. (Ảnh minh hoạ)
Những nhân tố chính của làm cha mẹ tỉnh thức có thể kể đến là:
• Quan hệ giữa cha mẹ và con là mối quan hệ hai chiều và bình đẳng. Con cũng là người thầy dạy cho cha mẹ nhiều điều.
• Mỗi đứa trẻ là một con người hoàn toàn độc lập với những nhu cầu, sở thích và mong muốn riêng cần được tôn trọng.
• Cha mẹ tỉnh thức nhận diện và buông bỏ những cái tôi, mong muốn và bám chấp của chính mình.
• Thay vì bắt buộc con hành động theo ý mình, cha mẹ tỉnh thức tập trung kiểm soát những lời nói, kỳ vọng của mình và nỗ lực điều tiết cảm xúc của bản thân.
• Thay vì xử lý hậu quả, cha mẹ tỉnh thức đưa ra giới hạn cho con từ trước và dùng những lời nhắc nhở tích cực.
• Thay vì sửa đổi một hành vi nhất thời, cha mẹ tỉnh thức nhìn vào cả quá trình, xem vấn đề bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa gì.
Tại sao lựa chọn làm cha mẹ tỉnh thức?
Để hiểu rõ hơn về tác dụng của làm cha mẹ tỉnh thức, chúng ta hãy cùng xét một ví dụ sau. Buổi sáng mùa đông, bạn đã chuẩn bị sẵn một bộ quần áo ấm để con thay trước khi đi học nhưng con nhất định đòi mặc một bộ váy cộc tay. Bạn nổi điên lên và tét vào mông con, quát mắng và bắt con mặc bộ đồ bạn đã chuẩn bị. Con khóc lóc, bố/mẹ tức giận và cả hai bắt đầu một ngày với tâm trạng thật tệ.
Khi con phản kháng, cha mẹ tỉnh thức sẽ tạm dừng mọi phản ứng và quay về với chính mình (Ảnh minh hoạ)
Cha mẹ tỉnh thức sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Trước tiên, khi con phản kháng, cha mẹ tỉnh thức sẽ tạm dừng mọi phản ứng và quay về với chính mình. Họ nhận thấy mình đang tức giận, và chính sự nhận thức này giúp cho họ bình tĩnh lại.
Sau đó, họ nhìn sâu hơn vào nguyên nhân của cảm giác tức giận này. Nó không phải là vì con không chịu mặc áo ấm. Nó bắt nguồn từ nỗi sợ bị muộn giờ làm. Có thể họ từng có những trải nghiệm tệ hại khi đi làm muộn, như là bị sếp mắng, đồng nghiệp chê cười. Chỉ riêng quá trình nhìn nhận về bản thân này đã là cả một sự nỗ lực, và nó giúp bố mẹ bình tâm trở lại.
Tiếp đến, cha mẹ tỉnh thức nhìn nhận sự phản kháng của con một cách khách quan, đặt mình vào vị trí của con: Con không cố tình chống đối bố mẹ, không cố tình khiến bố mẹ muộn giờ làm. Chỉ là con rất thích chiếc váy cộc tay đó và không biết bên ngoài lạnh như thế nào – thế nên việc phản kháng cũng là điều tự nhiên. Vậy thì việc của bố mẹ là giải thích cho con biết. Họ bảo con ra ngoài hiên nhà để cảm nhận cái lạnh của thời tiết, và cùng con thảo luận xem nên mặc gì.
Con cảm thấy được tôn trọng và cũng hiểu ra tại sao bố mẹ muốn mình mặc áo ấm. Có thể con sẽ đồng ý mặc đồ bố mẹ chuẩn bị. Cũng có thể con vẫn muốn mặc chiếc váy cộc tay, và bố mẹ phải đồng ý với điều kiện con mặc thêm quần tất và áo khoác. Trông có thể không được đẹp nhưng chắc chắn con vẫn đủ ấm và cả nhà tránh được một cuộc giằng co.
Nhưng tác dụng của làm cha mẹ tỉnh thức không chỉ dừng lại ở việc giải quyết những mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái. Nếu được thực hành thường xuyên, nó sẽ giúp mối quan hệ gia đình trở nên khăng khít hơn, và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của trẻ. Con cảm thấy được tôn trọng, được thấu hiểu. Bố mẹ không phải người áp đặt, mà là người bạn đồng hành chia sẻ và hỗ trợ con.
Đó chính là nền tảng để tạo nên sự kết nối sâu sắc giữa bố mẹ và con cái. Mối quan hệ này là hình mẫu để con học cách xây dựng những mối quan hệ khác khi lớn lên. Nhờ thế, những đứa trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ tỉnh thức sẽ có những mối quan hệ chất lượng dựa trên sự tôn trọng và kết nối có chiều sâu, trở thành những người lớn hạnh phúc trong tương lai.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc nhất, mỗi giai đoạn phát triển của con có một đặc điểm riêng, và mỗi gia đình cũng có một hoàn cảnh khác nhau. Trên con đường làm cha mẹ tỉnh thức, đừng tự trách mình nếu vẫn có những lần bạn không kiểm soát được cơn giận, trót nói những lời và làm những việc bạn không mong muốn với con.
Chỉ cần tiếp tục nhìn nhận bản thân, kiên trì thực hành sự tỉnh thức, mối quan hệ giữa bạn và con sẽ cải thiện hơn mỗi ngày. Chắc chắn rằng lựa chọn làm cha mẹ tỉnh thức sẽ giúp bạn xây dựng một tổ ấm yên bình, nơi mà những thành viên trong gia đình yêu thương, tôn trọng và kết nối trọn vẹn với nhau.