Thực phẩm đông lạnh có thể bảo quản trong bao lâu?
Đông lạnh là cách hiệu quả để duy trì sự an toàn và dinh dưỡng của thực phẩm; tuy nhiên bạn cần nhớ rằng thời hạn bảo quản của các loại thực phẩm không giống nhau.
Thịt, cá, rau, trái cây... đều có thể được đông lạnh để dùng lâu dài. Thế nhưng, thực phẩm đông lạnh không phải để đươc vô thời hạn như nhiều người nghĩ. Mỗi loại thực phẩm có thời hạn bảo quản trong tủ lạnh riêng, nếu để quá lâu sẽ giảm hương vị và giá trị dinh dưỡng, thậm chí nếu nếu bảo quản không đúng cách sẽ trở nên kém an toàn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Do đó từng món đồ đông lạnh có thể bảo quản trong bao lâu là điều mà mọi người đều phải lưu ý.
Đồ đông lạnh có thể bảo quản trong bao lâu?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết trên Vnexpress: “Nếu để trong tủ lạnh quá lâu, thực phẩm sẽ sinh độc tố, gây hại sức khỏe.Thực tế, bất kỳ thực phẩm nào bảo quản trong tủ lạnh cũng sẽ để được lâu hơn rất nhiều so với để bên ngoài, nhưng đừng vì thế mà lạm dụng, bảo quản thời gian vô hạn”.
Do cấu trúc tế bào và thành phần hóa học khác nhau nên thời gian trữ đông của các loại thực phẩm cũng không giống nhau. Chẳng hạn như ở nhiệt độ âm 17 độ C, thời gian an toàn để trữ đông thịt bò dao động từ 3 đến 4 tháng, thịt lợn từ 3 đến 6 tháng, thịt gà khoảng 12 tháng. Chưa tài liệu nào cho rằng thời gian bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ âm 17 độ C có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm.
“Bất kể loại thực phẩm nào để trong tủ lạnh quá lâu thì thành phần cũng bị biến đổi. Thực phẩm không có dấu hiệu ôi thiu nhưng khi chế biến không thể thơm ngon như lúc tươi sống. Tốt nhất là bạn cố gắng ăn hết sớm, không nên để quá lâu”, TS Thịnh khuyên.
Dưới đây là thời gian bảo quản lý tưởng để duy trì chất lượng và độ tươi của một số loại thực phẩm ở nhiệt độ -17°C, theo lời khuyên của bác sỹ Tạ Tùng Duy, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam:
Rau củ
Thời gian bảo quản: 8-12 tháng
Để giữ rau củ ngon lâu trong tủ lạnh, bạn phải luôn giữ nhiệt độ ổn định, không cấp đông nhiều lần. Các dấu hiệu cho thấy rau củ không còn thích hợp để ăn là bị đóng đá, vón cục, rau mất màu và héo.
Với cà chua và các loại có hàm lượng nước cao, trước khi đông lạnh bạn nên nấu chín. Thành phẩm sau đó có thể được sử dụng làm nước sốt.
Trái cây
Thời gian bảo quản: 8 tháng
Nhiều người đông lạnh trái cây để kéo dài thời gian sử dụng nhưng hương vị và kết cấu sẽ thay đổi và ít ngon hơn.
Lưu ý, bạn nên rửa sạch trái cây và để thật ráo rồi mới chia phần cất trữ trong tủ đông. Những trái có màu xỉn hoặc đóng băng với lớp đá màu trắng bên ngoài thường hay bị nhạt.
Thịt lợn
Thịt lợn không được bảo quản trong tủ mát quá 3 ngày và nếu cấp đông thì không nên để quá 4 tháng. Mặc dù thịt lợn đông lạnh khoảng một năm không gặp vấn đề gì, nhưng ăn sẽ mất ngon.
Thịt lợn muối xông khói có thể bảo quản trong ngăn đá 6 tháng.
Thịt bò
Nhiệt độ bảo quản tối ưu cho thịt bò là -17độ C. Đặc tính của thịt bò ổn định hơn, thời gian bảo quản lâu hơn thịt lợn, trong vòng 4 - 12 tháng.
Thịt gà
Thời hạn sử dụng của thịt gà sau khi rửa sạch và để nguyên con, bảo quản trong ngăn đá là 12 tháng.
Cá
Cá có thời hạn bảo quản ngắn nhất. Thời gian cấp đông của cá là khoảng 6 tháng, nhưng tốt nhất là nên ăn trong vòng 3 tháng. Cá nấu chín có thể để từ 4 – 6 tháng.
Thực phẩm đông lạnh có thời gian bảo quản nhất định, không nên để tháng này qua tháng khác. Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, việc cấp đông trong thời gian dài sẽ khiến thực phẩm trải qua phản ứng oxy hóa, khiến màu sắc và mùi vị kém đi.