Điều trị nấm móng bằng cách đắp tỏi tươi, người phụ nữ 45 tuổi bị bỏng cấp độ 2
Giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo, dùng tỏi tươi chữa nấm móng bằng cách chà xát trực tiếp khiến vùng da bị bỏng rát nặng nề vô cùng đáng sợ từ trường hợp của người phụ nữ này.
Dùng tỏi tươi chữa nấm móng, người phụ nữ 45 tuổi nhận cái kết đắng!
Thông tin đăng tải trên Dailymail cho biết, một người phụ nữ 45 tuổi bị bỏng cấp độ 2 sau khi cho tỏi tươi vào bàn chân để chữa nhiễm trùng nấm móng. Ngón chân của cô nhanh chóng bị đỏ, phồng rộp sau 1 tháng dùng tỏi tươi chữa nấm móng với thời gian đắp 4 giờ mỗi ngày.
Khi đến bệnh viện, cô cũng phải chịu đựng mụn nước sưng đau và đỏ trên ngón chân cái bên trái trong 12 giờ. Vùng da trên ngón chân đã được rửa sạch với nước và các mụn nước bị vỡ ra, kéo theo lớp da trên vùng nấm móng bị lấy đi.
Băng bó chân mất 2 tuần để chữa lành, các bác sĩ cũng khuyến cáo cô không được sử dụng tỏi tươi chữa nấm móng thêm bất cứ lần nào nữa.
Một người phụ nữ 45 tuổi bị bỏng cấp độ 2 sau khi cho tỏi tươi vào bàn chân để chữa nhiễm trùng nấm móng.
Chúng ta đều nghe nói rằng tỏi là vị thuốc được công nhận hàng ngàn năm nay nhưng nó cũng có thể gây tổn thương làn da do khả năng gây bỏng và viêm da tiếp xúc. Tỏi chứa các hợp chất sulfuric được cho là phản ứng với nhiệt và gây phản ứng trên da, dẫn đến bỏng và các trường hợp tương tự đã được báo cáo trong thời gian qua.
Các nhà khoa học nói rằng tỏi được sử dụng như một phương thuốc thảo dược vì nó được cho là có tính kháng khuẩn, kháng nấm. Có nhiều đầu bếp và nội trợ cũng từng báo cáo bị bỏng da do tỏi. Mức độ nghiêm trọng của vết thương có thể phụ thuộc vào cách sử dụng tỏi tươi và dùng chúng trong thời gian bao lâu.
Như trường hợp trên, bệnh nhân phải mất 2 tuần để hồi phục vết thương. Điều đó nói nên sử dụng tỏi tươi chữa nấm móng vô cùng nguy hiểm. Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng khi sử dụng phương pháp điều trị từ thảo dược này.
Có nhiều đầu bếp và nội trợ cũng từng báo cáo bị bỏng da do tỏi.
Áp tỏi vào da gây ra bỏng là chuyện không còn quá đỗi mới mẻ. Trước đây, một cụ bà 80 tuổi đã xát tỏi vào mặt để ngăn chặn cơn đau thần kinh mà mình phải chịu đựng trong hơn một năm. Bà đã nghiền nát tỏi và quấn nó trong một miếng vải trước khi đặt lên khuôn mặt của mình theo lời khuyên của một người hàng xóm. Tuy nhiên, sau đó bà được đưa đến bệnh viện với vết bỏng mức độ 2 trên má và đã phải sử dụng thuốc trong một tuần để chữa lành vết thương.
Chưa hết, thời gian trước trên mạng xã hội cũng xôn xao thông tin dùng tỏi để chữa nhiễm trùng nấm men, viêm âm đạo... bằng cách nhét tỏi vào vùng kín cũng phải nhận cái kết đắng. Vậy cách chữa bệnh bằng tỏi theo hình thức trực tiếp như này liệu có đáng?
Dùng tỏi tươi chữa nấm móng bằng cách chà xát không có căn cứ khoa học
Lương y đa khoa, cựu đại tá Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong Đông y, tỏi có vị cay, tính ấm, đi vào hai kinh tì và vị, có tác dụng trong tiêu hóa, hô hấp, giải độc, trừ đờm, lợi niệu, tẩy giun… Tỏi có rất nhiều tác dụng chữa bệnh, trong đó có những bệnh phụ nữ nói chung.
Tỏi có rất nhiều tác dụng chữa bệnh, trong đó có những bệnh phụ nữ nói chung...
Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", GS Đỗ Tất Lợi cũng khẳng định, thành phần chủ yếu của tỏi là một chất kháng sinh alixin, một hợp chất sunfua có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh. Điều đó có nghĩa là bạn có thể sử dụng tỏi để diệt nấm.
"Tuy nhiên, không có nghĩa là sử dụng tỏi tươi chữa nấm móng bằng cách xát tỏi vào khu vực bị nấm. Chúng ta chỉ có thể ăn tỏi để tăng khả năng kháng viêm, ngăn chặn được phần nào những bệnh do viêm nhiễm, nấm… gây ra. Tỏi có tính sát khuẩn nhưng chà xát trực tiếp sẽ gây nóng rát, thậm chí là bị bỏng nặng nên khó đạt được hiệu quả chữa nấm móng, thậm chí còn khiến tình trạng thêm tồi tệ hơn", lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.
Tuy nhiên, không có nghĩa là sử dụng tỏi tươi chữa nấm móng bằng cách xát tỏi vào khu vực bị nấm.
Theo chuyên gia, khi bị nấm móng hoặc bất cứ loại nấm gây viêm nhiễm nào, bạn nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nghiêm cấm sử dụng những mẹo chữa bệnh truyền miệng thiếu cơ sở khoa học, có thể khiến bệnh tật thêm nặng nề hơn. Nếu muốn sử dụng tỏi để chữa nấm, kháng viêm, bạn có thể thêm tỏi vào chế độ ăn như xào tỏi với rau, dầm tỏi vào nước chấm, ăn tỏi với mật ong hoặc ăn tỏi đen hàng ngày… sẽ rất tốt cho sức khỏe thay vì sử dụng tỏi tươi để xát trực tiếp lên vùng tổn thương.