Điều ít biết về bộ trang phục 12 lớp, nặng 20kg đỉnh cao vẻ đẹp trang phục truyền thống Nhật Bản, Hoàng hậu Masako cũng từng mặc ngày đăng quang
Bộ trang phục vô cùng lộng lẫy xa hoa mang vẻ đẹp trang phục truyền thống của Nhật Bản.
Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako diễn ra ngày 22/10 năm ngoái, với sự tham dự của nhiều thành viên các gia đình hoàng gia trên khắp thế giới như Thái tử Charles của Vương quốc Anh, Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima, Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf và Công chúa kế vị Victoria, và các vị lãnh đạo cấp cao của nhiều nước. Một số vị khách mời mặc trang phục dân tộc của họ đến chứng kiến lễ đăng quang "Sokui no Rei" tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
Trong buổi lễ long trọng ấy, có một chi tiết đặc biệt thu hút sự chú ý của các hãng tin cả ở Nhật Bản và nước ngoài - đó chính là bộ trang phục vô cùng lộng lẫy, cao sang của Hoàng hậu Masako. Không nhiều người biết về bộ trang phục truyền thống đặc biệt của người Nhật mang tên Jūnihitoe.
Jūnihitoe nghĩa là gì?
Jūnihitoe, một kiểu trang phục nữ giới từ thời đại Heian (Bình An) từ năm 794 - 1185, được xem là đại diện cho đỉnh cao của vẻ đẹp trong trang phục truyền thống ở xứ Phù Tang.
Jūnihitoe trông rất khác với một bộ kimono thông thường. Đó là một bộ kimono nhiều màu sắc rất đa dạng thường được cung phi và nội cung hoàng gia Nhật cực kỳ ưa chuộng, bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 10 trong Thời đại Heian. Mặc dù trong tiếng Nhật, Jūnihitoe có thể được dịch thành "mười hai lớp kimono", nhưng thực ra nó có nghĩa là "nhiều kimono".
Một bộ Jūnihitoe đầy đủ sẽ rất nặng (có thể có trọng lượng lên đến 20kg). Ngày nay Jūnihitoe có thể được nhìn thấy trong các viện bảo tàng, trong các bộ phim, tại các lễ hội địa phương, trong các đám cưới hoặc như một trang phục phổ biến cho Hina Ningyo (búp bê trang trí thường được trưng bày trong Lễ hội búp bê).
Jūnihitoe được đánh giá là một trong những món đồ đắt nhất, nặng nhất và đẹp nhất trong số các kiểu trang phục truyền thống của Nhật Bản.
Trong buổi lễ đăng quang diễn ra hồi năm ngoái, Hoàng hậu Masako đã mặc một bộ Jūnihitoe với sự kết hợp của nhiều lớp lụa màu sắc khác nhau, tất cả được mặc bên trong một lớp áo thổ cẩm màu trắng. Trước đó, trong đám cưới với Nhật hoàng Naruhito, bà cũng mặc một bộ Jūnihitoe tương tự với sự kết hợp của các lớp lụa màu đỏ và vàng, một chiếc áo thổ cẩm xanh bên ngoài.
Bối cảnh ra đời của Jūnihitoe
Khoác lên mình bộ trang phục dày tới 12 lớp, nặng tới 20kg quả là một điều không hề đơn giản. Vậy làm thế nào và tại sao một quần áo trông cực kỳ phức tạp và cầu kỳ như vậy lại trở thành trang phục được các cung phi thời xưa lựa chọn và mục đích là gì?
Vì không còn những bộ trang phục Jūnihitoe từ thời Heian (được coi là thời kì hoàng kim trong văn hóa Nhật Bản) nữa nên hầu hết thông tin mà các nhà sử học có được là từ các hình minh họa của bộ truyện Tale of Genji của một trường thiên tiểu thuyết của nữ sĩ cung đình Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu (đầu thế kỷ 11).
Trong các bức tranh ở bộ truyện, người ta có thể thấy đàn ông thời kỳ này thích chơi kemari (một loại bóng đá) và được tự do di chuyển ở bên ngoài. Trong khi đó, những người phụ nữ thường phải ở trong nhà. Dù ở nhà nhưng họ vẫn phải mặc bộ trang phục nhiều vải và luôn phải nghiêng người về phía trước. Các ghi chép lịch sử cho thấy kiểu trang phục "kasane" - phối các trang phục với nhau để tạo thành các "lớp" thực sự có tồn tại ở thời kỳ này. Điều này đã được Lisa Dalby nghiên cứu chi tiết và chia sẻ trong cuốn sách với tựa đề "Kimono" của cô (xuất bản năm 1993, Nhà xuất bản Đại học Yale).
Jūnihitoe loại kimono 12 lớp vô cùng sang trọng và cầu kỳ của người phụ nữ Nhật xưa.
Trong thời đại Heian, người Nhật đã dệt được các mẫu lụa phức tạp, phần lớn được học hỏi từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng kỹ thuật nhuộm vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Kỹ thuật nhuộm vải đó được gọi là Shibori. “Shibori” là từ tiếng Nhật dùng để chỉ các phương pháp nhuộm vải bằng cách buộc, khâu, gấp, xoắn, kẹp và nén. Vải mộc sau khi thao tác để tạo hoa văn sẽ được nhúng vào màu nhuộm sau đó tháo nếp và phơi khô, giặt xả màu dư.
Nhưng thay vì thiết kế trang phục để lộ các họa tiết thì người Nhật thời xưa lại làm tạo ra các trang phục theo kiểu "kasane". Những sự kết hợp này thường mang tên của cây và hoa và được thay đổi theo mùa. Vì có 72 mùa trong lịch truyền thống của người Nhật nên trang phục cũng thay đổi linh hoạt.
Tuy nhiên, các nhà sử học vẫn chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng cho việc sử dụng trang phục nhiều lớp như vậy của người phụ nữ Nhật xưa, trong khi trang phục của nam giới thì đơn giản hơn rất nhiều.
Phụ nữ Heian luôn phải "kín kẽ" trong con mắt của người khác. Nếu một người đàn ông đến thăm, anh ta sẽ chỉ được nhìn thoáng qua các đường viền và viền tay áo vì khuôn mặt của người phụ nữ sẽ bị che khuất bởi một lớp màn che. Vậy nên phụ kiện đi kèm trang phục Jūnihitoe là quạt giấy. Bởi đôi khi chiếc quạt sẽ thực hiện thay nhiệm vụ của màn che. Theo phong cách thời đó, phụ nữ cũng để tóc dài, lông mày được cạo sạch và vẽ lại ở giữa trán.
Trải nghiệm khó quên với Jūnihitoe
Trong khi phụ nữ châu Âu có nhiều kiểu trang phục được biến tấu đa dạng, hấp dẫn trong vài trăm năm qua, thì dường như quần áo mà người Nhật mặc vẫn không thay đổi trong hơn 1.000 năm qua. Thời trang phương Tây luôn có sự thay đổi về hình dạng, nhưng thời trang Nhật Bản đã có "những mối bận tâm khác".
Quần áo mặc trên người có khả năng "quyết định" các chuyển động của người mặc nó, điều này có nghĩa là trang phục sẽ hạn chế chuyển động của phụ nữ nhiều hơn nam giới. Chẳng hạn, nam giới phải chịu đựng sự bất tiện của cà vạt. Nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu so với áo nịt ngực của phụ nữ hoặc những đôi giày cao gót cao lêu nghêu.
Nhà văn hóa học người Anh, Sheila Cliffe, bày tỏ:
"Tôi muốn biết cuộc sống của những người phụ nữ thời Heian như thế nào. Bởi họ phải mang bộ trang phục có trọng lượng hơn 20kg lụa trên lưng và vai của họ. Nếu thêm quần áo ấm cho mùa đông thì có thể nặng thêm 4kg nữa. Bên dưới các lớp vải lụa, họ cũng mặc hakama (quần dài) màu đỏ. Điều này có nghĩa là cứ bước 1 bước họ lại bị "trói" chân trong vải, trừ khi họ đá về phía trước rồi mới bước tiếp.
Khoảng 3 năm trước, tôi đã xem một buổi lễ mặc Jūnihitoe khi tham dự một lễ hội ở Koma, Saitama - nơi một cộng đồng Hàn Quốc đã sống từ khoảng năm 700. Tái tạo trang phục cổ xưa của Nhật Bản và Hàn Quốc là một phần của lễ kỷ niệm.
Sau đó, thật may mắn là tôi đã có cơ hội mặc trang phục lạ thường này và tìm hiểu xem mọi người sẽ cảm thấy như thế nào nếu là người phụ nữ thời Heian.
Trang phục tôi mặc là sự kết hợp của các màu gọi là kabazakura, một loại hoa anh đào. Tôi không được phép soi gương cho đến khi hoàn thành quá trình trang điểm và mặc quần áo. Đầu tôi bị trói chặt và dán vào bộ tóc giả. Sau đó, tôi mặc một chiếc nagajuuban, một bộ kimono và quần hakama màu đỏ. Đai nịt rất chắc quanh eo tôi, thực sự tôi thấy khó khăn trong việc tiến lên một bước.
Trải nghiệm mặc Jūnihitoe của nhà văn hóa Sheila Cliffe.
Một chiếc Hitoe màu xanh lá cây tuyệt đẹp được đặt trên vai tôi, sau đó là một chiếc izutsu ginu (gồm 5 lớp vải mỏng xuyên thấu được khâu lại với nhau). Tiếp theo là uchigi (áo trong), uwagi (áo khoác ngoài) và karaginu (áo khoác dệt thổ cẩm). Thêm vào đó là mo - một chiếc đai dài giống như chiếc tạp dề trải ra phía sau người mặc. Cuối cùng, bộ tóc giả được đặt trên đầu tôi và một chiếc quạt lớn đặt vào tay tôi. Tôi cảm thấy sức nặng của tất cả các loại vải đè lên lưng và vai và cảm thấy rõ sự bất tiện lớn khi có quá nhiều vải trên cơ thể. Tôi không biết tổng số vải cho một bộ trang phục như vậy phải là bao nhiêu, nhưng nó là rất lớn.
Khi nhìn thấy mình trong gương, tôi thậm chí còn không thể nhận ra chính mình. Thật khó có lời nào để diễn ta hết vẻ đẹp và sự sang trọng của nó. Từng lớp áo được sắp xếp cẩn thận để người ta có thể nhìn thấy rõ. Đó thực sự là tác phẩm tuyệt vời của các thợ may vô cùng khéo tay.
Tuy nhiên, vẻ đẹp bên ngoài và thực tế về sự tác động lên cơ thể của người mặc rất mâu thuẫn với nhau. Những người phụ nữ này khoác lên mình bộ trang phục này để trở thành những bông hoa trong nhà nhưng đồng thời cũng phải chịu áp lực ghê gớm".
* Bài viết dựa trên quan điểm và đánh giá của tác giả Sheila Cliffe trên chuyên trang Japan Forward*
Sheila Cliffe sinh ra ở Plymouth, Anh, năm 1961 và chuyển đến Nhật Bản vào năm 1985. Bà tốt nghiệp trường Suzunoya Kimono Gakuin Ueno ở Taito (Nhật Bản) và nhận được giải thưởng đặc biệt cho công việc truyền bá văn hóa kimono từ Minzoku Ishou Bunka Fukyuu Kyoukai. Bà đã có nhiều buổi nói chuyện ở Nhật Bản và nhiều quốc gia khác về Kimono - nét văn hóa của người Nhật, đồng thời xuất bản một cuốn sách về lĩnh vực này.
(Nguồn: Tokyopic, Japan Forward)