Dịch bệnh COVID-19 rất nghiêm trọng tại Vương quốc Bỉ
Là đất nước chỉ có hơn 10 triệu dân, nhưng mỗi ngày Bỉ có thêm tới 10.000 ca nhiễm mới COVID-19, mặc dù 74% dân số đã tiêm chủng đầy đủ.
Số ca nhiễm mới COVID-19 và tử vong trong 2 tuần qua đã biến châu Âu lại một lần nữa thành tâm dịch của thế giới. Chính phủ Áo đã quyết định phong tỏa những người chưa tiêm vaccine, tất cả những người trên 12 tuổi mà chưa tiêm chủng bị cấm ra khỏi nhà kể từ ngày 15/11. Tỷ lệ tiêm chủng tại Áo mới chỉ là 65% dân số, ở mức trung bình châu Âu.
Tình hình tại Bulgaria đang rất nghiêm trọng, với khoảng 170 người tử vong mỗi ngày do COVID-19, tỷ lệ tử vong trên tổng dân số cao nhất thế giới trong lúc này, mới chỉ có 23% dân số Bulgaria tiêm chủng đầy đủ.
Thế nhưng ngay tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, dịch bệnh cũng đang lan rộng. Hà Lan có 82% người trên 12 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine, nhưng các bệnh viện Hà Lan đã sắp tới mức quá tải. Cách đây 3 ngày, Hà Lan buộc phải quyết định cách ly diện hẹp một số khu vực có lây nhiễm cao.
Dịch tại Bulgaria đang rất nghiêm trọng, với khoảng 170 người tử vong mỗi ngày
Vương quốc Bỉ cũng được xếp vào 10 nước châu Âu có tình hình dịch tễ rất nghiêm trọng. Một đất nước chỉ có hơn 10 triệu dân, nhưng mỗi ngày có thêm tới 10.000 ca nhiễm mới, mặc dù 74% dân số đã tiêm chủng đầy đủ. Bỉ đã phải áp dụng lại nhiều biện pháp phòng dịch, khẩu trang và làm việc từ xa.
Vì sao châu Âu lại một lần nữa trở thành điểm nóng trên thế giới?
Có nhiều lý do dẫn tới đợt bùng phát dịch hiện nay. Mùa đông đang tới, lúc này ở Bruxelles là 7 độ, chưa phải là quá lạnh nhưng cũng đủ để làm cho mọi người muốn ở trong nơi kín gió ấm áp, không ra chỗ thoáng đãng và cũng không mở cửa thông gió.
Nhưng lý do chủ yếu có lẽ là mọi người đã không còn đủ kiên nhẫn sau gần 2 năm hết đợt dịch nọ tiếp nối đợt dịch kia, không biết sẽ tiếp tục như thế tới khi nào. Nhưng tiêm chủng rồi mà không áp dụng các biện pháp phòng dịch thì cũng giảm tác dụng vì người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể mắc bệnh, tuy không bị nặng nhưng có thể lây nhiễm cho người khác. Vậy nên nhiều nước vẫn áp đặt khẩu trang và giãn cách.
Tỷ lệ tiêm chủng tại Áo mới chỉ là 65% dân số.
Các nước châu Âu có hạn chế di chuyển để kiểm soát lây lan?
Những người chưa tiêm chủng đang bị hạn chế di chuyển. Như tại Áo, chưa tiêm chủng thì không được tự do ra khỏi nhà nếu không có lý do cấp thiết. Đa số các nước châu Âu quy định, không có Thẻ xanh COVID thì bị cấm vào những nơi đông người, chưa tiêm chủng thì đi lại qua biên giới cũng phức tạp hơn, phải trình kết quả xét nghiệm PCR thực hiện trước đó không quá 24h.
Đó là cách để thúc ép những người chưa tiêm phải đi tiêm. Cách làm hiện nay vẫn là phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Vaccine vẫn là vũ khí hữu hiệu nhất phòng chống đại dịch, tất nhiên là vẫn phải kết hợp với các biện pháp khác. Với những người đã tiêm chủng thì đi lại tự do hơn, nhưng vẫn phải mang khẩu trang và thực hiện giãn cách.