Đi tìm giải pháp nguồn dược liệu sạch tại Việt Nam
Dược liệu Việt Nam – Khó khăn chồng chất khó khăn:
Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam có một nguồn tài nguyên Đa dạng Sinh học phong phú với gần 12.000 loài, trong đó 4.000 loại cây có thể sử dụng làm thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu tự nhiên này đang ngày một cạn kiệt và nhập khẩu quá mức, từ các nước láng giềng 90%, chủ yếu từ thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dược liệu rác, dược liệu tẩm ướp hóa chất từ nước ngoài nhập vào đang là một vấn nạn đe dọa trực tiếp đến ngành Y học Cổ truyền trong nước và nhiều loài cây dược liệu quý hiếm của Việt Nam đang xuất khẩu không kiểm soát qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hoạt động khai thác nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam hiện đang phát triển một cách tự phát. Còn có một số vấn đề khó khăn là trình độ công nghệ chưa cao, phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ nên chưa tạo được thành một ngành nguyên liệu, và nước ta chưa phát huy được thế mạnh về tài nguyên Đa dạng Sinh học.
BioTrade – Nguyên tắc vàng cho dược liệu sạch
Thương mại Sinh học (hay còn gọi là BioTrade) là một khái niệm do Tổ chức Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD) xây dựng và phát triển từ năm 1996. BioTrade được định nghĩa là: “Các hoạt động thu hái, sản xuất và kinh doanh buôn bán các hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ Đa dạng Sinh học tự nhiên theo các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế.”
7 nguyên tắc của BioTrade: 1: Bảo tồn Đa dạng sinh học 2: Sử dụng bền vững Đa dạng sinh học 3: Chia sẻ công bằng các lợi ích từ khai thác và sử dụng Đa dạng sinh học 4: Bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội 5: Sự tuân thủ các quy chế quốc gia và quốc tế. 6: Tôn trọng quyền của các bên tham gia các hoạt động BioTrade 7: Minh bạch trong quyền sử dụng đất, tiếp cận kiến thức và tài nguyên tự nhiên. |
Với thực trạng hiện nay của ngành nguyên liệu tự nhiên Việt Nam, chính phủ Thụy Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện dự án “Phát triển các hoạt động Thương mại Sinh học đối với các hợp chất tự nhiên - BioTrade”. Dự án được triển khai trong thời gian 3 năm (2012-2014), với ngân sách lên đến 1.000.000 USD và do tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Vietnam chịu trách nhiệm thực hiện dự án cùng với đối tác triển khai trong nước là Viện Dược liệu (Bộ Y Tế).
Mục tiêu tổng thể của dự án BioTrade là: “Thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nguyên liệu tự nhiên được quốc tế công nhận trong đó nguyên liệu tự nhiên được cung ứng, sản xuất và kinh doanh một cách bền vững theo Công ước quốc tế về Bảo tồn Đa dạng Sinh học (CBD) và các nguyên tắc của BioTrade”.
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện từ 5/2012 đến nay, dự án thu được nhiều kết quả thiết thực góp phần trong công tác phát triển dược liệu tại Việt Nam.
Dự án BioTrade đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và chính quyền các địa phương thực hiện, cơ quan quản lý, các bộ ngành liên quan, các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam, đặc biệt phát huy vai trò của doanh nghiệp sản xuất dược liệu như là một nhân tố tiên trong chuỗi giá trị. Việc thực hiện dự án BioTrade trong thời gian tới sẽ tạo ra một xung lực, sự cộng hưởng và đóng góp vào việc hình thành những yếu tố cần thiết tạo lập một thị trường mới, một cơ hội cho sự nghiệp đổi mới ngành dược liệu.
Ở chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương được đào tạo và hiểu rõ về các nguyên tắc trồng và thu hái cây dược liệu theo các tiêu chuẩn bền vững. Cẩm nang thực hiện quy trình. Hiện tại 3 chuỗi giá trị đã được thẩm định để có thể công bố áp dụng tiêu chuẩn thực hành tốt trồng và thu hái dược liệu theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP WHO), đó là: Đinh lăng, Diệp hạ châu và Dây thìa canh. Hai chuỗi giá trị còn lại sẽ hoàn thành nộp hồ sơ công bố GACP WHO lên Bộ Y tế trong năm nay.
Dự án BioTrade còn hỗ trợ các sản phẩm BioTrade cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Tại thị trường trong nước, một chiến lược truyền thông tới người tiêu dùng cũng được xây dựng và triển khai thực hiện nhằm giúp cho người tiêu dùng có khả năng nhận biết được các sản phẩm có chất lượng cao từ tự nhiên. Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành nguyên liệu tự nhiên quốc tế, qua đó có thể xây dựng mạng lưới xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của mình.
Triển khai thực hiện Sáng kiến BioTrade ở Việt Nam cũng là cơ hội cho sự phát triển hợp tác quốc tế vì nhiều tổ chức quốc tế như Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu Hà Lan (CBI), Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO)… sẽ có sự phối hợp tham gia.
Đối với các Doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh Dược liệu Việt Nam, chương trình Triển khai thực hiện Sáng kiến BioTrade sẽ yêu cầu và giúp đỡ các đối tượng tham gia tự đánh giá lại chiến lược phát triển sản phẩm của mình, hoàn thiện chuỗi giá trị để có được nền sản xuất bền vững (về kinh tế, xã hội, môi trường), được tạo điều kiện trong các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nhập toàn cầu. Đó là cơ hội để đổi mới mình và nhanh chóng tiếp cận với thị trường trong nước và xuất khẩu. Chương trình còn là cơ hội để kiện toàn năng lực, vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp theo hướng hỗ trợ hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp thành viên và làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong môi trường thương mại toàn cầu.