Đi khám da lại phát hiện ngộ độc sắt: Bác sĩ cảnh báo tình trạng bổ sung quá tải sắt gây ra ngộ độc

TT,
Chia sẻ

Đó trường hợp bệnh nhân P.V.D. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng tới khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược với bệnh cảnh trên mặt và cổ, gáy, lỗ tai có những mủn mốc dày sừng màu xám.

Theo TS BS. Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược, khi kiểm tra thì thấy da người bệnh tăng sắc tố, các nang lông mọc sẩn sừng nhỏ li ti, mống mắt có quầng xanh. Trước đó người bệnh đã đi khám và điều trị nội thận do thận bị suy, men gan tăng cao, hô hấp không tốt do ho khan kéo dài. Nhận thấy đây không đơn giản chỉ là các sang thương do bệnh ngoài da, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm cận lâm sàng thì y như dự đoán, bệnh nhân bị suy thận giai đoạn 2, phổi thâm nhiễm, men gan cao.

Kết quả truy tìm dấu hiệu của bệnh ác tính và tự miễn đều không bất thường. Nghi ngờ người bệnh bị nhiễm độc gây biến chứng suy nội tạng, bác sĩ cho tiến hành xét nghiệm sắt trong huyết thanh thì thấy chỉ số cao gấp mấy chục lần bình thường. Từ đó, bác sĩ kết luận, bệnh nhân D. bị suy đa cơ quan do nhiễm độc sắt.

69990020_1220458688138448_540120729069289472_n

Theo bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, tình trạng quá tải sắt gây ra ngộ độc có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân như sử dụng vitamin tổng hợp bổ sung vi chất bừa bãi, không tham vấn bác sĩ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng có thể gây ra tình trạng này. Người bệnh có thói quen ăn quá nhiều thực phẩm chứa sắt trong khi cơ thể đã dư thừa.

Dấu hiệu biểu hiện trên da của các trường hợp nhiễm độc kim loại nặng có vẻ giống như viêm da tiếp xúc dị ứng toàn thân, bất thường ở lông, tóc, móng, mắt và chỉ số huyết học. Đặc biệt, bệnh nhân có kèm theo rối loạn của nội tạng như suy thận, gan to, men gan tăng cao... là một trong những gợi ý quan trọng giúp cho việc chẩn đoán bệnh.

Các trường hợp khám da liễu phát hiện ra nhiễm kim loại nặng chủ yếu là sắt, chì, thạch tín (asen), đồng, thủy ngân... Những bệnh nhân này đều không hay biết mình nhiễm độc mà chỉ đơn giản là đi khám do thấy biểu hiện bất thường trên da.

Nhiễm độc kim loại nặng có thể từ nhiều nguồn như thảm họa môi trường, đồ dùng nội thất (chì trong sơn), thực phẩm có dư lượng chất bảo vệ thực vật cao, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc… Nhiễm độc kim loại nặng được chia ra cấp tính và mạn tính. Cấp tính, tuy người bệnh có thể tử vong lập tức nếu không cứu kịp thời nhưng dễ phát hiện, qua khỏi thì người bệnh có cơ hội hồi phục cao.

Nhiễm độc mạn tính tuy không gây chết người tức khắc nhưng các dấu hiệu khó thấy, tiến triển âm thầm, tới khi phát hiện đa phần bệnh ở giai đoạn nặng. Đến lúc này chỉ có thể điều trị bảo tồn cho bệnh nhân chứ cơ quan nội tạng đã suy yếu không phục hồi được như cũ. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu bất ngờ về da người bệnh nên đi khám ngay.

Chia sẻ