Đây là những vụ gian lận thi cử nổi tiếng nhất trong lịch sử, dù với mục đích gì thì cái kết của nhân vật chính đều “đi vào lòng đất”
Đây đều là những vụ án gian lận thi cử nổi tiếng dưới thời phong kiến. Cái kết của những nhân vật chính đều không tốt đẹp.
Dù là thời hiện đại hay thời xưa thì việc thi cử đều được tổ chức vô cùng nghiêm ngặt, chặt chẽ, cấm tuyệt đối việc gian lận. Nếu thời nay, hành vi gian lận thi cử sẽ bị xử phạt theo mức hành chính - hình sự tùy theo mức độ vi phạm thì ở thời xưa, hành vi này có thể bị xử trảm.
Vụ án gian lận của Cao Bá Quát
Quy chế thi cử thời xưa cũng vô cùng khắc nghiệt. Thí sinh không được phép mang tài liệu, ngồi sai chỗ, không có dấu bài thi, trong bài không được thiếu nét, thừa nét, phạm húy,... Nếu vi phạm dù chỉ một lỗi nhỏ, thí sinh cũng sẽ bị đánh trượt.
Cao Bá Quát (1809 – 1855), tên tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường. Ông là quân sư trong cuộc nổi dậy Mỹ Lương và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.
Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử và được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Tổng cộng, Cao Bá Quát đã sửa 24 bài trong đợt thi này.
Việc bị phát giác, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ (ngày 7 tháng 9 âm lịch), rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên (21 tháng 1 âm lịch năm Nhâm Dần, 1842). Khi án được trình lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội "trảm quyết" xuống tội "giảo giam hậu", tức được giam lại đợi lệnh. Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, khoảng cuối năm Quý Mão (1843), Cao Bá Quát được triều đình tạm tha, nhưng bị phát phối đi Đà Nẵng, chờ ngày đi "dương trình hiệu lực" (tức đi phục dịch để lấy công chuộc tội).
Vụ đánh tráo bài thi của Lê Quý Kiệt
Lê Quý Kiệt (không rõ năm sinh, năm mất) là một quan lại dưới thời nhà Nguyễn. Ông cũng là con cả danh sĩ Lê Quý Đôn. Còn Đinh Thì Trung (1757 - 1776) là một danh sĩ thời Hậu Lê, quê ở làng Cổ Bôn, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Sinh thời, ông nổi tiếng là thần đồng, danh tiếng bậc nhất lúc bấy giờ.
Năm 14 tuổi, Đinh Thì Trung đỗ cử nhân, được đưa vào học trường Quốc Tử Giám để thi Hội, cùng khóa học với Lê Quý Kiệt, là con của bảng nhãn Lê Quý Đôn. Trong kỳ thi Hội vào tháng 10/1775, cả Đinh Thì Trung và Lê Quý Kiệt đều tham gia. Đến ngày treo bảng, thấy Lê Quý Kiệt đỗ đầu, chúa Trịnh Sâm nghi ngờ nên ra lệnh cho lấy quyển thi ra khảo lại, phát hiện bài có chữ viết của Đinh Thì Trung thì đề tên Lê Quý Kiệt và ngược lại.
Nghi vấn bài thi của cả hai đã bị đánh tráo nên kết quả thi bị hủy bỏ. Đinh Thì Trung sau đó bị xử đày ra tận vùng Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay). Đinh Thì Trung sau một thời gian đi đày, đã chết một cách bí ẩn.
Về phần Lê Quý Kiệt cũng bị tống giam, sau đuổi về Thái Bình làm dân thường và cấm không được đi thi nữa. Sau này, Lê Quý Kiệt còn bị luận thêm tội, bắt giam cấm ở ngục ở Cửa Đông. Tuy nhiên khi nhà Nguyễn được thành lập, do có công dâng sách hay lên vua Gia Long, Lê Quý Kiệt lại được bổ nhiệm làm quan cho triều đại mới.
Về vụ án này, nho sĩ thời bấy giờ tỏ ra vô cùng bất mãn. Bởi cả hai cùng mắc một tội nhưng lại xử phạt theo hai cách khác nhau, không hề công bằng.
Vụ án nổi tiếng của Ngô Sách Tuân
Ngô Sách Tuân người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676), làm quan thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn. Ông từng được thăng tới chức Hữu thị lang bộ Lại nhưng sau đó lại bị giáng làm Đô ngự sử vào tháng 7 năm Giáp Tuất (1694). Sau này, tên tuổi ông gắn liền với một trong những vụ gian lận thi cử tai tiếng nhất lịch sử phong kiến.
Cụ thể vào tháng 12 năm Bính Tí (1696), Ngô Sách Tuân phạm tội tự ý sửa điểm trong bài thi và phải nhận án tử. Lúc ấy, Ngô Sách Tuân giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hóa. Trước khi đi Thanh Hoá, Ngô Sách Tuân có đến yết kiến quan Tham tụng là Lê Hy. Lê Hy bèn đem hình dáng giấy đóng quyển thi của con mình cho Ngô Sách Tuân biết.
Trước đó, Lê Hy và Ngô Sách Tuân vốn có hiềm khích. Ngô Sách Tuân muốn nhân cơ hội này để làm hòa với Lê Hy. Vậy nên ông đã lấy quyển thi của con Lê Hy đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê đỗ.
Quan Đề điệu trường thi này là Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện, có thề với Ngô Sách Tuân là sẽ giấu kín việc này nhưng quan Tham chính Thanh Hóa là Phan Tự Cường phát giác được, tâu lên. Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (nghĩa là bắt phải thắt cổ mà chết). Các quan lại liên quan đều bị hạch tội. Tuy nhiên Lê Hy do là đại quan Tham tụng nên lại không bị tội gì!
Tổng hợp