Đây là cách "lối sống leo thang" ảnh hưởng đến tài chính của bạn, hãy tránh xa vì nó là 1 sai lầm lớn
Điều gì xảy ra khi bạn vừa thăng chức? Thu nhập tăng lên khiến bạn muốn nâng mức sống. Đó là lúc lối sống leo thang ăn mòn tài chính cá nhân nếu bạn không tỉnh táo.
Có khoản thu nhập nhiều hơn mỗi tháng có thể giúp chúng ta sở hữu lối sống thoải mái và khiến tâm trí nới lỏng. Có nhiều tiền hơn để làm những thứ chúng ta muốn, mua những thứ ao ước từ lâu. Nhưng cuối tháng bạn vẫn gặp tình trạng phải đi vay, không đủ tiền tiêu, hay không tăng thêm bất cứ khoản tiền tiết kiệm nào thì nên cân nhắc. Bạn có thể đang là nạn nhân của phong cách sống leo thang.
James Andrews, Biên tập viên tài chính tại money.co.uk giải thích hiện tượng này chi tiết hơn một chút. Anh ấy nói với Metro.co.uk: Lối sống leo thang mô tả quá trình tăng thu nhập khiến bạn có thể thích thú với những thứ tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Bạn tiêu nhiều hơn cho sở thích cá nhân, những thứ phù phiếm mà bỏ quên tài khoản tiết kiệm, quỹ hưu trí và các kế hoạch dài hạn khác.
Những người rơi vào lối sống leo thang dần dần sẽ bắt đầu có thói quen mua sắm như một thứ cần thiết, điều này không phải tốt. Lúc đó, bạn sẽ không nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của việc tăng lương mà thay vào đó là thất vọng bởi những con số trong tài khoản ngân hàng không có sự thay đổi thậm chí là giảm đi.
Mọi người có thể thấy mình chi tiêu nhiều hơn trước, bởi vì lý do hợp lý của họ là có một mức lương nhiều hơn để chi trả. "Bằng cách quen với các dịch vụ và sản phẩm đắt tiền sẽ thúc đẩy tâm lý chi tiêu, đến khi gặp vấn đề tài chính, họ khó có thể sống với mức thu nhập ít hơn.
Nếu bạn nghĩ rằng mình đang mắc phải điều đó, thì tin tốt là có những bước có thể được thực hiện để kiểm soát tài chính trở lại.
Quản lý tài chính chặt chẽ hơn
Zainab Kwaw-Swanzy, một chuyên gia tài chính tại Barclays, giải thích rằng một cách tốt để kiểm soát tài chính của bạn là xem xét toàn bộ các loại tài khoản.
Cô ấy nói: "Hãy bắt đầu bằng cách sử dụng tính năng phân loại chi tiêu có sẵn trong ứng dụng di động của ngân hàng hoặc bạn có thể in bảng sao kê ngân hàng và tạo các danh mục chi tiêu bằng cách mã hóa màu cho các lĩnh vực chi tiêu khác nhau. Nhìn thấy mọi thứ rõ ràng có thể giúp bạn hiểu rõ về thứ khiến bạn vung tiền nhiều nhất và những lĩnh vực mà bạn có thể bắt đầu cắt giảm".
Không chiều chuộng bản thân
James tiếp tục: "Không ai phủ nhận rằng những người đã làm việc chăm chỉ để đạt được thành công về tài chính sẽ gặp thất bại nặng nề. Nhưng để tránh mắc nợ, bạn nên xem xét một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống muốn cải thiện thay vì chiều chuộng bản thân quá nhiều.
Nếu bạn muốn có những món đồ mới cho tủ quần áo của mình, để phục vụ một kỳ nghỉ và đi đến một nhà hàng sang trọng để ăn tối thì cần phải cân nhắc. Cố gắng nhồi nhét tất cả những thứ này vào cùng một lúc sẽ khiến việc tiết kiệm tiền không thể thực hiện được, bội chi diễn ra và bạn vẫn gặp vấn đề dù thu nhập tăng lên". Bạn có thể lập danh sách một hoặc hai món đồ tự thưởng cho mình muốn mua trong tháng đó và tính chúng vào thu nhập.
Đảm bảo tiết kiệm vẫn là ưu tiên
Dịch bệnh đã dạy chúng ta bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra và cuộc sống rất khó lường. Điều này làm bạn cảm nhận tầm quan trọng của quỹ khẩn cấp trong trường hợp không thể làm việc và tạo cảm giác an toàn trong tài chính.
Vì vậy, điều quan trọng là vẫn tiếp tục bỏ tiền tiết kiệm vào quỹ khẩn cấp ngay cả khi đang kiếm được nhiều tiền hơn và đặt cho mình những mục tiêu tiết kiệm mới. James nói: "Nhiều người thấy hữu ích khi tuân theo quy tắc 20-30-50 để lập ngân sách và tiết kiệm. Ngay sau khi bạn được thanh toán tiền lương, 50% dành cho các chi phí thiết yếu (như tiền thuê nhà, hóa đơn và hàng tạp hóa), 20% dành cho tiết kiệm, trả nợ hiện tại hoặc đầu tư cho tương lai, để lại 30% cuối cùng được sử dụng linh hoạt vào bất cứ điều gì bạn muốn".
Theo metro.co.uk