Những lưu ý khi chọn trường cho con
Có một điều chắc chắn là không có ngôi trường nào có thể đáp ứng hoàn toàn mọi mong muốn của chúng ta cả. Trường nào cũng có cái được và cái không được. Vấn đề là chúng ta có chấp nhận được điểm chưa hoàn thiện để có được điểm mạnh của trường đó hay không mà thôi.
Cách đây vài chục năm, phụ huynh không phải nghĩ nhiều đến việc chọn trường bởi trường công là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những ngôi trường tư, trường quốc tế rồi trường công chất lượng cao, trường "điểm" ngày nay khiến việc lựa chọn môi trường học trở nên đa dạng hơn.
Dần dà, chọn trường công hay trường tư, rồi trường công thì trường nào "tốt", trường tư thì trường nào nổi bật trở thành câu hỏi khiến nhiều cha mẹ "đau đầu" mỗi mùa tuyển sinh đến.
Trong cuốn sách "Dưỡng trí não con tinh" (NXB Phụ nữ Việt Nam, Saigonbooks phát hành), chị Tô Thị Hoàng Lan, giảng viên trường ĐHSP TP.HCM; Chuyên viên tư vấn Tâm lý hình học được ủy quyền của Việt Nam đã có những chia sẻ chi tiết về việc chọn trường nào cho con.
Xin được chia sẻ lại quan điểm của chị về vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm này:
Chọn trường nào cho con?
"Tôi thường được bạn bè, phụ huynh nhờ tư vấn chọn trường học cho con. Đôi khi, mọi người hỏi con tôi đang học trường nào, xong hỏi tiếp là: "Trường đó tốt lắm hở? Cô chọn kỹ lắm rồi phải không?". Trong các câu hỏi đó, có lẽ chỉ có câu "Cô chọn kỹ rồi hở?" thì tôi có thể trả lời là đúng, các câu hỏi còn lại, tôi thường không trả lời được vì tôi đâu biết hết tất cả các trường học đâu.
Đa số phụ huynh thường quan tâm đến "trường học tốt", nhưng chúng ta thì không có một tiêu chí nào rõ ràng cho một trường học tốt cả, vì mỗi người sẽ có những định nghĩa "tốt" khác nhau. Ngoài ra, nếu tìm được một trường tốt cho đa số mọi người thì liệu nó có tốt cho chính cá nhân từng đứa trẻ không?
Xét về thể loại trường, ở Việt Nam có nhiều loại hình trường học. Với các trường công lập, học sinh học theo chương trình của Bộ Giáo dục Việt Nam. Với các trường vẫn dạy theo chương trình Việt Nam nhưng có yếu tố nước ngoài, học sinh được học theo phương pháp tích cực, năng động hơn và tăng cường ngoại ngữ. Ngoài ra còn có các trường quốc tế, học sinh học chương trình của nước ngoài, tiếng Việt chỉ là môn bổ sung. Nhìn chung, học phí của các trường này sẽ tăng dần theo thứ tự.
Có phụ huynh chỉ muốn cho con học trường quốc tế vì "chê" chương trình giáo dục của Việt Nam. Có phụ huynh lại không muốn cho con mình học các trường mang xu hướng nước ngoài vì nghĩ rằng nếu con học trường này thì thế nào trong tương lai cũng sẽ... du học, mà phụ huynh thì lại không chịu được việc xa con.
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh chọn trường công cho con, cho con học thêm những môn học, kỹ năng cần thiết ngoài giờ học chính ở trường. Không phải cứ gia đình khá giả thì cho con học trường tư hoặc trường quốc tế và không phải cứ gia đình ít điều kiện thì cho con học trường công. Không phải cứ trường tư thì tốt và trường công thì không tốt bằng.
Với tôi, không có trường tốt hay không tốt mà chỉ có trường phù hợp với mỗi gia đình. Vì mỗi gia đình khác nhau nên sự phù hợp đó cũng khác nhau. Điều này tùy thuộc vào mục tiêu giáo dục của gia đình, tức cha mẹ muốn con được giáo dục ra sao. Gia đình sẽ tìm đến những nơi có khả năng đáp ứng mục tiêu đó cao nhất, nhưng vẫn phải xét đến mối quan hệ lẫn nhau giữa các điều kiện của gia đình, ví dụ:
• Tài chính
• Khoảng cách địa lý
• Phương tiện đi lại
• Thời gian cha mẹ dành cho con cái
• Khả năng giáo dục của gia đình (cha mẹ hiểu biết và có thể dạy con như thế nào)
Để định hình mục tiêu giáo dục cho con, trước tiên, cha mẹ cần quan sát con trước (chứ không phải nhìn ngôi trường trước!): Con mình sẽ lớn lên ra sao? Môi trường nào có thể giúp con phát triển thuận lợi hơn? Mình có những điều kiện gì để thực thi nó?
Từ việc này, khi tìm hiểu thông tin trường, phụ huynh cần tìm hiểu khá nhiều thứ:
• Sứ mệnh nhà trường
• Mục tiêu đào tạo
• Đội ngũ giáo viên
• Bầu không khí và mối quan hệ giữa những con người trong môi trường đó, từ học sinh đang học tại trường, người lao công, anh bảo vệ đến chị thủ thư, cô kế toán,...
• Các hoạt động của nhà trường
• Cơ sở vật chất
• Chương trình học, phương pháp dạy học
• Hội đồng sư phạm (lãnh đạo nhà trường, đội ngũ giáo viên) và chủ trương đào tạo, phát triển giáo viên,...
• Học phí: bao gồm học phí và các phí phát sinh. Các khoản phí phát sinh này thường bị ẩn nên nhiều gia đình không để ý, ví dụ như phí đầu năm, phí phụ huynh, mua tài liệu, ăn trưa, xe đưa rước, ngoại khóa,... Các phí này thường được niêm yết ở các trường tư rõ ràng hơn ở các trường công.
• Phương tiện đi lại, bến đỗ xe đưa rước
• Sự phản hồi của những người đã từng cho con học ở đó và kết quả kiểm chứng
Khi kết hợp những thông tin này với mục tiêu và khả năng của từng gia đình, cha mẹ sẽ lựa chọn được ngôi trường phù hợp nhất với gia đình mình. Ví dụ tôi đã rất thích một trường tiểu học dạy thiền cho trẻ vì tôi biết lợi ích của thiền trong việc quản lý cảm xúc, nhưng đành bỏ trường này vì nó quá xa nhà.
Tôi chủ trương không cho con học chữ trước khi con vào lớp Một. Biết rằng con mình khá nhạy cảm về tâm lý nên tôi cho con học trường tư, sĩ số lớp ít, cách nhà 8 km, thay vì học trường công, lớp có sĩ số đông, chỉ cần đi bộ là đến trường. Hoặc nếu có sẵn một ngôi trường tư rất gần nhà, đáp ứng gần hết yêu cầu, nhưng không gian của trường hạn chế, thì tôi cũng chưa chắc chọn trường này vì muốn con có sân rộng để vui chơi và khuôn viên trường nhiều cây xanh.
Cho nên, câu trả lời của tôi khi có phụ huynh hỏi "Trường đó tốt lắm hở?" khi biết tên trường con tôi đang học là: "Xét trong mối quan hệ tổng hòa giữa mong muốn gia đình, học phí, khoảng cách từ nhà đến trường, khả năng dạy con của bản thân,... thì trường đó phù hợp với nhà mình".
Có một điều chắc chắn là không có ngôi trường nào có thể đáp ứng hoàn toàn mọi mong muốn của chúng ta cả. Trường nào cũng có cái được và cái không được. Vấn đề là chúng ta có chấp nhận được điểm chưa hoàn thiện để có được điểm mạnh của trường đó hay không mà thôi.
Cuối cùng, trường học không phải là nơi dạy trẻ đầu tiên lẫn cuối cùng, và không phải trẻ chỉ bắt đầu học khi vào một ngôi trường.
Gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy trẻ về tình cảm, thói quen, hướng suy nghĩ, cách nhìn cuộc sống, nghị lực, lòng kiên trì, đạo đức,... và trẻ học suốt đời ở nơi đó. Người ta nói "nếp nhà" là vì vậy. Giáo dục ở trường học có những giới hạn của nó. Vì vậy, các bạn đừng trông đợi hết vào giáo viên và nhà trường. Mỗi thành viên của gia đình cần học để trở thành một nhà giáo dục suốt đời khi có một đứa trẻ chuẩn bị ra đời".