Đánh ghen trên facebook: Hãy cho tình yêu xác suất rủi ro!
Bởi nói yêu thôi không phải là yêu mãi mãi, nên dù chúng ta có sự nghiệp hôn nhân rạng rỡ đến đâu cũng nên cho tình yêu một xác suất rủi ro.
Khi biết tin chồng ngoại tình, phụ nữ có mấy phản ứng quen thuộc. Có người lên tường “phây” kể lể công hy sinh cống hiến tận tụy với gia đình mà vẫn bị chồng bỏ rơi theo bồ. Chuyện H.T mới đây lên Fb trút giận sỉ vả chồng và tình địch biến thành trò đàm tiếu gây khó cho khả năng hàn gắn tổ ấm của chính họ.
Có người vợ lặng lẽ ly thân, tỏ thái độ lạnh hàng năm trời để hành hạ kẻ bội tình. Anh chồng trót lầm lỡ bị cô lập ghẻ lạnh như tội phạm phải tạm giam vĩnh viễn không có ngày hầu tòa cũng như án phạt rõ ràng.
Có chị rầm rộ post ảnh du lịch phơi phới, ăn diện tưng bừng, tiệc tùng liên miên để chuyển thông điệp cho chồng hư rằng “chợ vẫn đông, tôi vẫn ổn”.
Cả ba kiểu phản ứng trên tuy khác nhau nhưng có một điểm chung ẩn giấu: “các cô vợ ghen đang tự hủy hoại mình”.
Ghen tuông hành xác
Khi bị phản bội, phản xạ đầu tiên phụ nữ muốn đáp trả kẻ gây tội, kéo dài thời gian giam lỏng để tra tấn, bắt hắn và kẻ thứ ba trả giá.
Người vợ chọn cách cuồng ghen bôi nhọ chồng công khai hay lạnh lùng câm lặng, hay diễn mặt hớn hở đều phải nén đau khổ để nhập vai mà họ không muốn.
Có người phụ nữ từng ly thân trong cảnh sống chung nhà chật thú nhận: “Nằm cách chồng một cái gối, nhiều đêm trằn trọc thèm ôm lắm nhưng cứ phải gồng mình căng như dây đàn để không nhụt chí. Hắn vật vã bao nhiêu mình cũng mệt mỏi bấy nhiêu”. Có chị trừng phạt cấm vận chồng lâu quá khiến anh ta nản lòng chứng minh hoàn lương, xin được giải thoát giữa đường kiểu như tử tù sống trong phòng biệt giam mòn mỏi đành viết đơn vật nài xin tử hình sớm. Kết cục cả hai đồng thuận ly hôn trong khi vợ chưa thực sự muốn.
Tưng tửng thì sống sót
Ghen tuông giống như gia vị cho tình yêu nhưng cuồng ghen là cả một câu chuyện khác không liên quan đến tình yêu. Phản ứng ghen tuông tiêu cực ở cả hai giới rơi vào nhóm những người có chỉ số văn minh thấp, gia trưởng và kém hài hước. Kể cả người thông minh di dỏm cuồng ghen thì cũng bị tính là “thiếu hài hước tạm thời”. Nhà văn Trang Hạ cho rằng “tội ngoại tình ở đàn ông là tội dễ tha thứ nhất”, tôi bổ sung thêm “chồng ngoại tình là tội dễ bị phụ nữ nghiêm trọng hóa nhất”. Người vợ bị tổn thương nhìn tình huống của mình qua một lăng kính phóng đại. Họ thấy mình thê thảm hơn, chồng xấu xa toàn diện hơn.
Tôi từng ngạc nhiên vì Fb Hường Chuối có tới cả trăm nghìn follow. Là chủ tài khoản bán lẻ mỹ phẩm nhưng chỉ sau vài tháng mỗi status của Hường nhận được từ 5 đến 10 nghìn like. Vào đọc kỹ thấy chuyện kể mỗi ngày của cô ấy thường khá dài dòng, vốn từ không phong phú lắm (như cô ấy tự nhận) nhưng cách nhìn đời dí dỏm của cô ấy có sức hút đặc biệt với người cùng tuổi.
Từ giai đoạn trước và sau ly hôn, Hường Chuối luôn có quan điểm tưng tửng nhẹ tênh trước nạn chồng ngoại tình. Hình ảnh chồng hư, tình địch, vợ đánh ghen và cả những người bạn đi đánh ghen trợ giúp đều ngộ và sinh động như phim hoạt hình. Trong lời kể của Hường, đàn ông lăng nhăng ngớ ngẩn tội nghiệp như “sát thủ đầu mưng mủ”, còn cô vợ và đám bạn gái vụng dại như trẻ trâu, ngồi rình chồng trước cửa nhà nghỉ mà còn tranh thủ ăn quà, chạy rầm rập với dép tông đứt quai.
Chẳng có khóa học tâm lý chữa lành vết thương sau ngoại tình nào hiệu nghiệm bằng cách nhìn đời nhân văn như của bà mẹ trẻ đơn thân Hường Chuối.
Nhiều phụ nữ coi sự chung thủy và tận tụy của chồng như một thứ để khoe trước thiên hạ. Khi chồng phá vỡ trật tự này, vợ cảm thấy vừa tổn thương vừa mất thể diện. Đa số các vợ bị bội tình thấy bản thân là nạn nhân chứ không như cách nhìn của Hường Chuối thấy cả ba đối tượng trong scandal tình cảm đều là nạn nhân. Chỉ đàn ông đen đủi mới dính vào tam giác tình. Còn kẻ thứ ba trong mắt những phụ nữ như Hường thì nhếch nhác cơ cực thôi rồi.
Nếu vợ ghen tuông mất tỉnh táo, đau khổ dằn vặt cô ấy trở thành nạn nhân của hai kẻ còn lại. Nếu bình tĩnh làm chủ tình huống, cô ấy sẽ ở thế quyết định thân phận của chồng và tình địch. Dĩ nhiên khi máu lăng nhăng bồ bịch của chồng thành mãn tính thì sẽ không có biện pháp trừng phạt nào giúp anh ta thay đổi. Việc của vợ là giải thoát cho anh ta và bản thân mình được tự do.
Xác suất rủi ro
Nhiều cô vợ sốc nặng vì hồi xưa được chồng si mê chiều chuộng, lúc bị phản bội tưởng tượng kẻ thứ ba cũng được chồng mình lụy tình y như vậy. Ngoại tình nếu được tính như xác suất rủi ro của tình yêu thì nạn nhân đỡ áp lực biết bao.
Người cực đoan coi lời cầu hôn, giấy giá thú như một giao ước chiếm hữu bất di bất dịch. Tài tử phim “Cướp biển Caribe” Johnny Depp thời yêu nữ diễn viên Winona Ryder đã xăm lên cánh tay dòng chữ “Winona forever”, sau này họ chia tay dòng chữ này được xóa bớt thành “Wino forever” hàm nghĩa “Rượu vang đời đời”. Nhiều phụ nữ đòi hỏi sự chung thủy của chồng như hình xăm để đời trên da thịt, họ không dám chỉnh sửa lời thề đó như Johnny Depp.
Một nữ sĩ chào ngày mới bằng status: “Đừng hỏi mãi mãi là bao lâu vì còn lâu mới có mãi mãi”. Người đang yêu chẳng thích nghe lời cảnh tỉnh đó nhưng biết đâu nó giúp một số cô nàng hiểu được chung thủy là hên xui và tình yêu không phải lúc nào cũng hồng rực. Dù chúng ta có sự nghiệp hôn nhân rạng rỡ đến đâu cũng nên cho tình yêu một xác suất rủi ro.