Con 10 tuổi bỗng trở nên rụt rè, trầm tính, có lúc còn hét lên "không muốn bố đụng vào người", bà mẹ hoảng hốt khi tìm ra lý do
Với những tình huống có phần nhạy cảm, cách xử lý của phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nhiều thống kê cho thấy các bậc phụ huynh quá bảo thủ trước vấn đề lạm dụng tình dục ở trẻ em và né tránh các cuộc nói chuyện chia sẻ với con mình về vấn đề này. Tâm lý đó khiến phần lớn các em từng bị lạm dụng, quấy rối tình dục không dám lên tiếng vì sợ phản ứng tiêu cực từ phía cha mẹ. Các em không biết nên giải thích thế nào về chuyện đáng sợ đã xảy ra và tin vào lời hăm dọa “hãy giữ kín” của những kẻ lạm dụng.
Một câu chuyện được chia sẻ mới đây ở Trung Quốc một lần nữa cảnh báo phụ huynh về vấn đề giáo dục giới tính cho con. Rất may hậu quả chưa đến mức không thể khắc phục nhưng không bao giờ là quá sớm để dạy con về giới tính cả.
Chị Trương có con gái năm nay 10 tuổi. Chị cho biết, khoảng 1 tuần gần đây, con gái mình bỗng trở nên trầm tính, rụt rè trước người lạ dù trước đó khá hòa đồng, năng nổ. Cuối tuần khi được mẹ đưa đi chơi, cô bé cũng tránh xa những bạn trai khác dù trước đó rất hòa đồng.
"Một lần sau khi đi chơi về, vì bận nấu ăn nên lúc con tắm xong, tôi nhờ chồng lau và sấy tóc cho con. Đột nhiên con bé hét lên: Con không muốn bố đụng vào con, rồi như chực khóc. Nhận thấy có vấn đề thực sự nghiêm trọng, tối đó tôi vào phòng con tâm sự, gặng hỏi và phát hiện ra vấn đề", chị Trương kể lại.
Đứa trẻ tâm sự: "Những ngày đi học, bạn trai cùng bàn rất hay sờ vào khắp người con. Con cảm thấy khó xử lắm. Khi được bố lau tóc, con cũng cảm thấy vậy".
Nghe con nói, huyết áp của người mẹ tăng lên ngay lập tức, cô vừa ôm vừa kiên quyết nói với con: "Mẹ rất cảm ơn vì con đã nói cho mẹ biết chuyện này. Ngày mai mẹ sẽ đến trường để giải quyết. Con à, ngay lần đầu tiên con phải nói với bạn ấy rằng tôi không thích điều này, nếu bên kia xin lỗi và thay đổi thì chúng ta có thể tha thứ cho bạn ấy, có thể cậu bé thích con quá. Nhưng nếu vẫn vậy thì con phải nói với cô giáo và mẹ. Hãy nói, vì bố mẹ sẽ luôn bên cạnh và giúp đỡ con". Sau khi người mẹ gặp riêng cô giáo báo cáo tình hình, đứa trẻ đã được đổi sang ngồi cùng một người bạn gái mới, tinh thần cũng dần dần phấn chấn hơn.
Đừng để con tổn thương lần 2
Trẻ em bị quấy rối tình dục phải đối mặt với những sang chấn tâm lý, nhiều nạn nhân bị ám ánh suốt đời. Nếu không được gia đình hướng dẫn cụ thể, các em cũng không thể phân biệt được đâu là hành vi âu yếm thân mật của người thân và đâu là hành vi của người xa lạ.
Có thể bạn nghĩ rằng như thế là quá sớm, nhưng thống kê cho thấy đối tượng bị quấy rối nhiều nhất trong nhóm trẻ dưới 12 tuổi là… trẻ 4 tuổi! Dù chưa thể diễn đạt tốt ý nghĩ của mình, ở tuổi này trẻ đã biết cảm nhận về thế giới. Các em hiểu nhiều hơn những gì người lớn nghĩ. Ví dụ khi tắm cho trẻ, hãy chủ động nói với trẻ về “vùng riêng tư” nơi mà ba mẹ em có thể nhìn và chạm khi giúp em tắm, nhưng bất kì ai khác cũng không được phép.
Trong trường hợp trên, bà mẹ rất tinh tế khi khẳng định sự ủng hộ vì con dũng cảm nói ra sự thực. Khi trẻ bị quấy rối, trẻ sẽ bị tổn thương và hoảng sợ. Nếu cha mẹ không hỗ trợ đúng cách, chắc chắn trẻ sẽ bị tổn thương lần hai. Giận dữ, chỉ trích con sẽ càng khiến trẻ sợ hãi, thu mình không dám tâm sự. Việc thấu hiểu và đề ra hướng giải quyết cụ thể sẽ tạo cho con sự an tâm và tin tưởng để con vượt qua biến cố khó khăn này.
Rất nhiều kẻ lạm dụng nói với trẻ rằng đây là bí mật không được nói với ai, nhất là cha mẹ cháu. Do đó, cần phải dạy trẻ những nguyên tắc riêng về bí mật. Hãy để trẻ hiểu rằng bí mật vẫn là bí mật nếu chia sẻ với người đáng tin cậy (cha mẹ nên trở thành người đáng tin cậy của trẻ). Trẻ cần biết thêm rằng bất kì ai muốn trẻ giữ bí mật với cha mẹ, kẻ đó không đáng tin. Hãy cẩn thận và tránh xa kẻ đó.
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy tức giận khi con cái bị quấy rối, nhưng vì thể diện gia đình, họ đành nuốt giận. Trên thực tế, cách tốt nhất để cha mẹ chữa lành vết thương cho con cái là giúp trẻ giải quyết vấn đề một cách thiết thực, để trẻ cảm thấy rằng mọi chuyện đã thực sự kết thúc và không cần phải lo lắng về tương lai. Chỉ bằng cách này, trẻ mới thực sự buông bỏ và cảm nhận được sự che chở của cha mẹ.
Ngay cả khi cha mẹ giúp trẻ giải quyết vấn đề này, trái tim của trẻ không thể được chữa lành trong một sớm một chiều. Cha mẹ nên chú ý hơn đến những thay đổi cảm xúc của con và hỗ trợ kịp thời để con không tự làm tổn thương mình hoặc để lại sự ám ảnh tâm lý lâu dài. Tùy vào mức độ tổn thương của trẻ mà cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ, đưa trẻ đi gặp chuyên gia tâm lý để trị liệu giúp trẻ khắc phục tình trạng sang chấn tâm lý.