Cuộc chiến giành quyền nuôi con của một cặp đôi đồng giới và bi kịch của những người mẹ "không cùng huyết thống" với con cái ở Trung Quốc

imacho,
Chia sẻ

Zhang cũng như rất nhiều người phụ nữ khác ở Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc chiến pháp lý kéo dài đằng đẵng để giành quyền giám hộ các con với người tình đồng giới.

Betty Zhang vẫn còn nhớ như in cái ngày lá đơn kiện bỗng trở thành hy vọng duy nhất để cô có thể gặp lại các con của mình.

Đó là tháng 11 năm ngoái, người yêu đồng giới 9 năm của Zhang đã đuổi cô ra khỏi căn hộ của họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, và yêu cầu cô không được dẫn 2 đứa con theo. Sau đó, người này cắt toàn bộ liên lạc với Zhang và ngó lơ yêu cầu được gặp các con của đối phương.

Tuyệt vọng, Zhang, 35 tuổi, vẫn quyết quay trở lại ngôi nhà cũ vào tháng 12 và cầu xin người yêu để được gặp lại các con nhưng vẫn không thành.

"Ngày hôm đó, tôi như phát điên. Tôi khóc ngay trước cửa nhà và cầu xin cô ấy cho tôi được gặp các con nhưng không được" - Zhang nói với Sixth Tone.

Cuối cùng, Zhang quyết định gọi cảnh sát và giải thích mọi chuyện. Tuy nhiên, cảnh sát không chỉ nói rằng họ không thể giúp Zhang mà còn đe dọa sẽ bắt giam cô vì tội làm phiền đến người khác nếu như cô không rời đi. Họ đề xuất Zhang tìm đến tòa án để nhờ giải quyết vụ việc.

Đó chính xác là việc mà Zhang làm sau gần 6 tháng sau đó.

Cuộc chiến giành quyền nuôi con của một cặp đôi đồng giới và bi kịch của những người mẹ "không cùng huyết thống" với con cái ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Zhang gửi lá đơn kiện giành giám hộ các con vào đầu năm nay và được một tòa án ở Chu San, tỉnh Chiết Giang, chấp thuận vào tháng 3 vừa qua. Đây là vụ việc giành quyền giám hộ con cái giữa một cặp đôi đồng giới ở Trung Quốc và tất nhiên, nó lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người đặt kỳ vọng phiên tòa xét xử sẽ là một cột mốc đáng nhớ và hy vọng nó sẽ giúp nâng cao ý thức cộng đồng về những khó khăn của các cặp đôi thuộc cộng đồng LGBT liên quan đến con cái.

Trong những năm gần đây ở Trung Quốc, hàng nghìn người đồng giới đã lập gia đình với nhau và được hỗ trợ có con bởi những tổ chức mang thai hộ hoạt động ngầm. Một nguồn tin nội bộ nói với Sixth Tone rằng hiện tại có hàng tá những tổ chức ngầm như vậy trên khắp đất nước và nhu cầu sử dụng dịch vụ của họ cũng tăng lên theo thời gian. Theo thống kê, có khoảng 100 nghìn đứa trẻ đang được nuôi dưỡng bởi các cặp đôi đồng giới ở Trung Quốc, theo ông Hu Zhijun, giám đốc của PFLAG, tổ chức LGBT lớn nhất xứ sở tỷ dân.

Thế nhưng, những gia đình đồng giới này lại gặp phải nhiều vấn đề pháp lý. Mặc dù thái độ của xã hội đối với cộng đồng LGBT đã ngày càng trở nên tích cực hơn nhưng mang thai hộ vẫn là hành vi trái pháp luật, bắt buộc những cặp đôi muốn có con phải nhờ đến những tổ chức ngầm hoặc đi ra nước ngoài để thực hiện mang thai hộ. Điều này có nghĩa là luật pháp ở Trung Quốc vẫn chưa ủng hộ hôn nhân đồng giới và điều này đã đẩy không ít những cặp đôi vào thế yếu.

Cuộc chiến giành quyền nuôi con của một cặp đôi đồng giới và bi kịch của những người mẹ "không cùng huyết thống" với con cái ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Luật hôn nhân ở Trung Quốc giúp đảm bảo bố mẹ vẫn có quyền nuôi dưỡng và gặp gỡ các con sau khi ly hôn nhưng trong đó không bao gồm quyền cho các cặp đôi đồng giới, theo Gao Mingyue, luật sư tại Công ty luật Guantao có trụ sở tại Thượng Hải cũng là luật sư đại diện của Zhang.

Trường hợp của Zhang, sự mơ hồ về pháp lý sẽ khiến cho quá trình giành giám hộ các con của cô kéo dài, có khi là cả đời.

Zhang và người yêu đồng giới kết hôn tại Mỹ vào năm 2016 và bước vào quá trình sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cùng năm đó. Bác sĩ đã thụ tinh thành công từ trứng của người yêu Zhang trước khi họ đặt 2 phôi thai lần lượt vào tử cung của 2 người. 9 tháng sau, Zhang sinh ra một bé gái trong khi người yêu của cô hạ sinh một bé trai.

Trong 2 năm rưỡi tiếp theo, họ cùng nhau nuôi dưỡng những đứa trẻ tại Bắc Kinh, cũng giống như những cặp đôi vợ chồng khác. Chúng lần lượt gọi Zhang là "Mommy" và người yêu cô là "Mama".

Cuộc chiến giành quyền nuôi con của một cặp đôi đồng giới và bi kịch của những người mẹ "không cùng huyết thống" với con cái ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Giấy khai sinh của con gái Zhang.

Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp, Zhang không hề có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào với những đứa trẻ bởi cô không phải là mẹ về mặt sinh học của chúng. Hơn nữa, cuộc hôn nhân của cô và người yêu cũng không được pháp luật ở Trung Quốc công nhân.

Chính bởi vì lẽ đó nên Zhang có rất ít cơ hội giành được quyền nuôi dưỡng đứa con trai và thậm chí còn có khả năng không được đến thăm đứa trẻ. Luật sư nhận định khả năng Zhang giành được quyền giám hộ con gái cao hơn cả.

Zhang đã đệ đơn giành quyền giám hộ 2 con và khẳng định ưu tiên của cô vẫn là cho bản thân và người yêu có thể liên lạc thường xuyên với bọn trẻ. 

"Mong muốn của tôi cũng không khác gì những gia đình dị tính khác. Thậm chí dù mỗi người được nuôi 1 đứa con thì tôi cũng muốn được quyền đến thăm chúng" - Zhang nói.

Không được pháp luật công nhận là hiện thực mà các cặp đôi LGBT ở Trung Quốc phải chấp nhận. Ding Yaqing, một luật sư tại Quảng Châu chuyên về các vấn đề LGBT, cho biết cô thường tham khảo ý kiến của các cặp đôi đồng giới về việc xử lý những vấn đề pháp lý liên quan đến việc lập gia đình nhưng không ai có thể đưa ra giải pháp hiệu quả.

"Việc các cặp đồng giới ra tòa ly hôn đã không còn là chuyện xa lạ nhưng những trường hợp giành quyền nuôi con (khi 1 người là mẹ hợp pháp còn 1 người là mẹ về mặt sinh học) vẫn còn rất mới mẻ với hệ thống pháp luật hiện hành ở Trung Quốc. Không ai biết cách xử lý những tình huống này và họ cũng không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu" - Ding nói.

Ding cho biết cô thường khuyên những các cặp đôi rằng mỗi người nên tự mang thai và sinh con bằng trứng của mình để tránh gặp phải những vấn đề pháp lý sau này.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, những cặp đôi đồng tính nữ thường mang thai chọn cách 1 người mang thai bằng phôi được thụ tinh bằng trứng của người còn lại để cả hai đều cảm thấy bản thân có liên quan đến quá trình sinh con, theo Eros Li, giám đốc bán hàng ở một công ty mang thai hộ và hỗ trợ sinh sản ở Quảng Châu.

Theo thống kê của Li, anh ước tính có khoảng 20% cặp đôi đồng giới là khách hàng của anh chia tay và rơi vào trường hợp giống hệt như Zhang, đa số mọi người đều chọn cách giải quyết là dàn xếp riêng tư với nhau. Một vài cặp đôi quyết định theo đuổi các vụ kiện để giành về những quyền lợi như các cặp vợ chồng dị tính khác nhưng quá trình này sẽ kéo dài, vô cùng phức tạp và đau khổ.

Cuộc chiến giành quyền nuôi con của một cặp đôi đồng giới và bi kịch của những người mẹ "không cùng huyết thống" với con cái ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Fo Ge là một người phụ nữ đồng tính 37 tuổi đang chuẩn bị sinh 2 đứa con với người yêu của mình thông qua dịch vụ hỗ trợ sinh sản, nói rằng cô đã mất gần 2 năm để hoàn tất các giấy tờ pháp lý. Đến hiện tại, Fo đã nộp đơn xin cấp quyền giám hộ 1 đứa trẻ, yêu cầu người hiến tinh trùng từ bỏ quyền nuôi con và giao quyền giám hộ cho người còn lại nếu như 1 trong số họ bị mất khả năng nuôi dưỡng hoặc qua đời.

"Chúng tôi muốn có được quyền lợi như các cặp vợ chồng dị tính. Nếu như chúng tôi không bàn bạc với nhau về vấn đề pháp lý thì 1 trong 2 sẽ bị rơi vào thế yếu và dần dần mối quan hệ của chúng tôi cũng sẽ đi vào ngõ cụt" - Fo cho biết.

Fo cũng biết được rằng hầu hết các cặp đôi đồng tính không thể làm được như cô. Họ không chỉ không muốn miễn cưỡng nghĩ đến việc chia tay mà họ còn thiếu kiến thức về pháp luật để hoàn thiện các giấy tờ liên quan, đòi hỏi phải được đào tạo pháp lý chuyên nghiệp. Hầu hết các cặp đôi đều không rành các quy định có thể đảm bảo quyền lợi của họ và không đủ kiến thức để tìm kiếm các tài liệu cần thiết.

Zhang và người yêu chưa từng thảo luận về tương lai, rằng họ sẽ làm thế nào với những đứa trẻ khi hôn nhân của họ tan vỡ. Đơn giản bởi vì trước đây, họ chưa từng nghĩ họ sẽ chia tay sau nhiều năm gắn bó và trải qua nhiều sóng gió.

Zhang không ngờ rằng hiện thực lại hoàn toàn khác biệt. Trước đây, bệnh viện ở Mỹ thụ tinh thành công 2 phôi thai đều nhờ vào số trứng của người yêu Zhang. Nếu tình huống này đổi ngược lại thì giờ đây cô đã có nhiều lợi thế hơn trong phiên tòa sắp tới.

Cuộc chiến giành quyền nuôi con của một cặp đôi đồng giới và bi kịch của những người mẹ "không cùng huyết thống" với con cái ở Trung Quốc - Ảnh 5.

Hiện tại, phiên tòa vẫn chưa ấn định ngày xét xử. Luật sư của Zhang, Gao, hy vọng là tháng 5 nhưng người yêu của Zhang lại yêu cầu chuyển đến tòa án ở Bắc Kinh xét xử và điều này có thể làm mất rất nhiều thời gian hơn nữa.

Gao tin rằng kết quả xét xử phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của thẩm phán. Ở Trung Quốc, thẩm phán thường sẽ xem xét 3 yếu tố khi đưa ra quyết định cuối cùng trong những vụ đòi quyền giám hộ: Di truyền, mang thai và lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ. Liệu Zhang có giành được quyền giấm hộ con trai không nếu thẩm phán xem xét đến yếu tố thứ 3 vẫn còn là một ẩn số.

Các cộng đồng LGBT như PFLAG mong rằng vụ kiện của Zhang sẽ thuyết phục được các cơ quan làm luật và cho thấy rằng các gia đình đồng giới cần những gì.

"Điều khó khăn nhất không phải là thay đổi luật mà là phá vỡ những định kiến để rồi từ đó ra nhiều ảnh hưởng đến luật pháp. Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ của mọi người và để làm được như vậy thì chúng ta cần những người dũng cảm đứng lên như Zhang và tạo ra ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh" - Hu nói.

Vụ kiện của Zhang cũng đã khiến đông đảo dân mạng trên Weibo đứng lên kêu gọi chính phủ hợp thức hóa hôn nhân đồng giới. Gao cho rằng đây là "cách tốt nhất" để đảm bảo sự công bằng về quyền lợi cho các cặp đôi đồng giới trong tương lai.

Trong khi đó, Ding tin rằng các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của trẻ em sinh ra từ công nghệ hỗ trợ sinh sản là rất cần thiết và cần phải được nhanh chóng triển khai.

"Quyền giám hộ và những quyền lợi khác của những đứa trẻ như vậy đang vô cùng mờ mịt và cần phải xác định rõ ràng ai là người bảo hộ hợp pháp cũng như nghĩa vụ của họ đối với những đứa trẻ là gì. Bất chấp việc luật pháp Trung Quốc có chấp nhận mang thai hộ hay không thì những đứa trẻ luôn vô tội" - Ding cho biết.

Về phía Zhang, cô chỉ có thể chờ đợi và hy vọng tòa án sẽ công nhận mối quan hệ của cô và các con.

"Chúng tôi là một gia đình, bất kể chúng tôi có cùng chung huyết thống hay không. Chúng tôi đã ở bên nhau suốt ngần ấy năm. Chỉ bởi vì chúng tôi chia tay, không có nghĩa là gia đình của chúng tôi chưa từng tồn tại" - Zhang nói.

(Nguồn: Sixth Tone)

Chia sẻ