Cúm A tăng: Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm việc găm hàng, 'thổi giá' test xét nghiệm, thuốc điều trị

Thái Bình,
Chia sẻ

Kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ, giao bán trên mạng trái phép thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch cúm mùa để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tăng cường sản xuất, cung ứng thuốc điều trị, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm cúm mùa

Bộ Y tế ngày 5/8/2022 đã có công văn số 4216/BYT-TB-CT về việc tăng cường quản lý mua bán sinh phẩm xét nghiệm, thuốc chữa bệnh cúm mùa gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế cho biết đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, trong đó chú trọng đến phòng chống dịch cúm mùa, dịch COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây một bộ phận người dân không đến các cơ sở y tế để khám bệnh mà tự mua và sử dụng sinh phẩm chẩn đoán để xét nghiệm, tự mua thuốc điều trị cúm mùa dẫn đến có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc, trang thiết bị y tế bất hợp lý, kể cả việc rao bán trên mạng xã hội.

 - Ảnh 2.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ, rao bán trên mạng trái phép thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch cúm mùa để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Để sẵn sàng và đảm bảo cung cấp thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch cúm mùa, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn, cụ thể:

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế cần chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng thuốc điều trị, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm cúm mùa, đặc biệt là test nhanh xét nghiệm cúm mùa.

Đảm bảo giữ ổn định giá thuốc điều trị, các trang thiết bị y tế xét nghiệm, phòng chống dịch cúm mùa, đặc biệt là test nhanh xét nghiệm cúm mùa; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Thực hiện kê khai giá, niêm yết giá thuốc điều trị, trang thiết bị y tế theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với các cơ quan chức năng, quản lý thị trường, Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kê khai giá, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm thuốc, trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các thuốc, trang thiết bị y tế phòng chống dịch cúm mùa bất hợp lý.

Kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ, giao bán trên mạng trái phép thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch cúm mùa để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường để khám bệnh, xét nghiệm và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Không nên tự test cúm và tìm mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh cúm không có sự khác biệt so với những năm trước đây, không ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm gia cầm độc lực cao. Tuy nhiên, trong thời điểm từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm mùa (chiếm 97,6% số trường hợp dương tính với cúm theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương).

Trước diễn biến của bệnh cúm hiện nay, nhiều người dân khi có biểu hiện nghi cúm đã tự ý tìm mua những bộ test về test cúm, thuốc Tamiflu về điều trị cúm.

Bộ Y tế khẳng định, Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng Tamiflu sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc đối với các thuốc chỉ được bán khi có đơn thuốc.

Về test cúm, các chuyên gia khuyến cáo người dân không tự test vì có thể kết quả sai dẫn đến xử trí bệnh sai… Tại cơ sở y tế, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định có nên test hay không. Việc test tràn lan gây lãng phí và có thể kết quả không chính xác.

Theo BS Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội), thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của Tổ chức y tế thế giới: Virus cúm có 3 tuýp khác nhau là A, B, C. Trong đó, virus có độc tính cao nhất là virus cúm A. Tuy nhiên, virus cúm A lại có nhiều chủng khác nhau và được gọi tên từ 2 kháng nguyên H và N, trong đó, có tới 11 kháng nguyên H, 19 kháng nguyên N. Như vậy, có tới hàng trăm chủng virus cúm A khác nhau.

Virus cúm A hiện nay đang lưu hành ở nước ta là virus cúm mùa, khác với cúm A độc lực cao như cúm gia cầm. Virus cúm mùa có độc lực thấp hơn, chủ yếu lây từ người sang người, trong khi đó virus gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Cúm mùa có các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

Chia sẻ