Covid-19 khiến thế giới xa nhau hơn nhưng cho mỗi người cơ hội sống chậm, biết yêu mình và biết bao dung hơn

HH - Thiết kế: Thuỷ Tiên,
Chia sẻ

Dịch Covid-19 đang thay đổi cả thế giới, nhưng không hoàn toàn theo hướng tiêu cực. Bởi trong đại dịch, mỗi chúng ta có thêm một cơ hội để chậm lại, để rời ra khỏi những quan hệ ồn ã ngoài đường mà xích lại gần hơn với những người ruột thịt.

Covid-19 khiến thế giới xa nhau hơn nhưng cho mỗi người cơ hội sống chậm, biết yêu mình và bao dung hơn - Ảnh 1.

Đã bước sang những ngày tháng Ba Âm lịch. Lần đầu tiên, ở thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, chúng ta có một kỳ nghỉ Tết Nguyên… Quý vì con virus SARS-CoV-2. Một kỳ nghỉ không thể đặc biệt hơn.

Các bà mẹ vừa phải đi làm vừa phải ngong ngóng lo toan cho bọn trẻ nghỉ dịch đã vãn than thở trên mạng xã hội. Lũ trẻ phải ở trong nhà cả Quý không được gặp bạn bè thầy cô cũng đã bớt bai bải kêu chán. Những ông bố phải dừng mọi cuộc nhậu nhẹt, dừng cả thức đêm vì ngoại hạng Anh bị hoãn đã thôi chép miệng. Mọi sinh hoạt gia đình bị đảo lộn từ hai tháng trước giờ đã vào nếp mới. Cái gì lạ rồi cũng thành quen.

Những hoảng hốt, lo sợ, thấp thỏm, mong ngóng, dấm dứ của những ngày đầu dịch giờ lắng lại. Người ta bắt đầu thích nghi một cách điềm tĩnh mà không cần phải cố gắng. Và chưa bao giờ, lối sống xanh - sạch không cần một chiến dịch kêu gào nào vẫn trở nên phổ biến khắp chốn công sở lẫn gia đình.

Covid-19 khiến thế giới xa nhau hơn nhưng cho mỗi người cơ hội sống chậm, biết yêu mình và bao dung hơn - Ảnh 2.

Chiếc cặp lồng cơm thay thế hoàn toàn cho bữa trưa hàng quán. Bình nước cá nhân thay cho trà đá, cà phê dông dài của dân văn phòng. Mâm cơm tối trở nên đều đặn hơn thay cho những cuộc nhậu từ chập tối tới khuya. Những xe chở rác dọc đường bỗng ít đi trông thấy. Vỉa hè thông thoáng hơn, phố xá quang đãng hơn. Chỉ số AQI đo chất lượng không khí tại 11 trạm quan trắc của Hà Nội đổi màu vàng rực, có nơi còn xanh lá thay cho đỏ và tím kéo dài suốt nửa năm trước.

Cuộc sống thực sự đổi thay.

Trên các diễn đàn của chị em phụ nữ, một hội chị em yêu bếp núc bỗng nhiên hoạt động sôi nổi bất ngờ. Có phải vì thời gian chậm lại, giao tiếp xã hội tạm đóng băng mà họ bắt đầu quay về với nơi giữ lửa? 

Nào bắt tay cải tạo ban công thành khu vườn nhỏ xinh, bên mấy khóm hoa trồng thêm cây ớt, cây cà, bụi rau húng quế. Nào những lọ hoa bám bụi và mạng nhện được tắm táp sạch sẽ, cắm thêm ôm hoa “giải cứu”, hay cả bó xuyến chi dại và những bông cải cúc mọc hoang. Tủ bếp lâu không sắp đặt giờ được lôi hết đồ ra dọn rửa, bày vẽ thêm những món trang trí handmade dễ thương. Chiếc nồi chiên không dầu mua từ độ… phong trào nay được mang ra nghiên cứu, mày mò cách sử dụng, chế biến với hàng trăm công thức “ứa nước miếng” được chia sẻ.

Ngay cả những người phụ nữ ngày thường vốn xa lạ với nồi niêu xoong chảo, cơm nước bánh trái, chuộng hoa chân hơn hoa tay, ra rả kêu gọi giải phóng phụ nữ khỏi gian bếp, giờ cũng nhập hội “gái đảm” vì Covid. Theo một cách bí ẩn nào đó, con virus đang hoành hành khắp toàn cầu khiến nữ giới quay về với thiên tính của tạo hóa là chăm sóc và chở che.

Covid-19 khiến thế giới xa nhau hơn nhưng cho mỗi người cơ hội sống chậm, biết yêu mình và bao dung hơn - Ảnh 4.

Nhà sạch và ấm, cơm ngon và đẹp, những đứa trẻ hồ hởi, hào hứng hơn bên bàn ăn và những ông chồng cười nhiều hơn mỗi tối mỗi sáng, khi xách chiếc cạp lồng ấm nóng được vợ chuẩn bị sẵn để đi làm và trở về nhà với niềm hứng khởi ùa trong gian bếp thơm nồng.

Cứ thế, những buổi tối như dài ra và thôi tất bật. Lời hứa mỗi ngày đọc một cuốn truyện cho con trước khi đi ngủ của các bà mẹ được thực hiện nghiêm túc hơn. Các ông bố bắt đầu để ý vợ con đang xem gì trên tivi mà cười khúc khích rồi bị cuốn vào thiên drama Hàn Quốc dài tập lúc nào không hay. 

Covid-19 khiến thế giới xa nhau hơn nhưng cho mỗi người cơ hội sống chậm, biết yêu mình và bao dung hơn - Ảnh 5.

Cùng nhau xem một bộ phim, cùng nhau nghe một bản nhạc, cùng nhau thức dậy và cùng nhau ăn sáng tại nhà, những điều dung dị mà lãng mạn “hết sảy” ấy phải nhờ đến con virus SARS-CoV-2 mới được thực thi trong tổ ấm của những người thành thị bao năm quay cuồng với nhịp sống tất bật, hối hả ngày đêm.

Lũ trẻ thôi kêu nhớ trường nhớ lớp vì giờ đây ngày cuối tuần được sử dụng bố mẹ trọn gói, không bị san sẻ cho những cuộc tụ tập của người lớn hay những chiếc xe đẩy hàng lê la trong siêu thị. Chúng được mày mò rán trứng xào rau rán cá gói nem, được hỏng, được rơi, được vung vãi thay vì bị quát tháo, đẩy ra vì “chưa đến tuổi” hay “mẹ đang vội, đừng làm mất thời gian của mẹ”. Chúng được phụ bố sửa cái bản lề cửa tủ, lắp cái vòi nước tưới cây, xới đất bón phân cho mấy chậu rau, sơn lại mấy bức tường cho lạ mắt, nghịch ngợm với mấy miếng gỗ, búa và đinh.

Covid-19 khiến thế giới xa nhau hơn nhưng cho mỗi người cơ hội sống chậm, biết yêu mình và bao dung hơn - Ảnh 6.

Và nếu rảnh hơn nữa sau bữa cơm chiều, cả nhà cùng nhau mở lại cuốn album ảnh cưới của bố mẹ đã bỏ quên trên giá từ bao năm trước, xem lại những bức hình ấu thơ của lũ trẻ trong ổ D máy tính để bàn mà quá lâu rồi không chạm vào, cảm giác như du hành ngược chiều thời gian trong ngăn kéo hộc bàn của Nobita. 

Covid-19 khiến thế giới xa cách nhau hơn, nới lỏng các mối quan hệ xã hội, nhưng đẩy mỗi cá nhân về với gia đình của họ, khiến họ gần gũi hơn với người thân và gần gũi hơn với chính mình. 

Covid-19 khiến thế giới xa nhau hơn nhưng cho mỗi người cơ hội sống chậm, biết yêu mình và bao dung hơn - Ảnh 7.

Cô gái trẻ độc thân ở tuổi 30 dừng xe lại giữa đường vì ngỡ ngàng trước cây bàng tháng Tư đang xòe lá biếc lên trời xanh, những dãy nhà ngổn ngang tư lự. Đã bao tháng Tư cô thờ ơ đi qua, bàng quan trước vẻ hây hây rạo rực của phố xá, cây cối, mây trời.

Người phụ nữ bước qua tuổi 40 tất bật với công việc và con cái, lần đầu tiên trong đời vào mạng để “cày phim”, rồi lỡ va phải vào ánh mắt của “Đại úy Ri” mà trở lại tuổi 17, bỗng hiểu ra những dòng người cuồng nhiệt dài cả cây số đi đón sao Hàn vừa hô khẩu hiệu, vừa hét, vừa khóc, trong đó có con gái mình. Và chị, ở tuổi tứ tuần, lục tung tất cả những fanclub của tài tử Hyun Bin khắp Việt Nam, Philippines, Singapore, Thái Lan… để đăng ký làm thành viên, chỉ hòng hóng ảnh mới của chàng mỗi ngày và tình hình sức khỏe của chàng trong mùa dịch. Sớm tối không quên tìm phim của chàng để “cày” cho bằng hết.

Nàng đôi mươi nhí nhảnh, mê shopping, du lịch, có thể làm bất cứ việc gì ngoài việc dậy trước 8g sáng giờ thấy việc thức khuya ngủ nướng, cày phim trở nên nhàm chán. Cô tìm đến kho sách nói online, những khóa học trực tuyến bằng tiếng Anh, và bắt đầu chạy bộ vào buổi sáng ngang dọc công viên thưa vắng.

Một kỳ nghỉ bất đắc dĩ nhờ vậy mà trở nên bớt lê thê.

Covid-19 khiến thế giới xa nhau hơn nhưng cho mỗi người cơ hội sống chậm, biết yêu mình và bao dung hơn - Ảnh 8.

Như một lời hồi đáp của thời gian, sự xuất hiện ngoài mong muốn của con virus lạ trở thành lời thức tỉnh, nhắc nhở mỗi người đã tiêu pha lãng phí từng ngày như thế nào trong chừng ấy quãng đời. Quỹ thời gian vẫn thế, 1 năm vẫn 12 tháng, 1 tháng vẫn 30 31 ngày, không hề dôi dư ra, nhưng nhờ tiết giảm tối đa thì giờ cho những cuộc gặp gỡ vô bổ, những giờ mua sắm phù phiếm, những cuộc nhậu tốn kém, những triền miên lướt mạng đêm đêm, mỗi người đều thấy xông xênh hơn với 1 ngày của mình. 1 ngày ấy được dùng để thử món ăn mới nổi trên mạng, để bày đồ hàng với con, để nói chuyện với người bạn đời, để làm việc sao cho hiệu quả nhất.

Và còn để hít thở chậm lại, tập hít thở mỗi ngày, trân quý những giây phút được bỏ khẩu trang hít căng lồng ngực khí tươi của trời.

Ai cũng nói, dịch COVID-19 và virus SARS-CoV-2 đang thay đổi cả thế giới. Nhưng công bằng mà nói thì đâu phải toàn điều tiêu cực. Bởi chí ít, nó đang trao cho mỗi người cơ hội để sống chậm hơn, sống tốt hơn, sống tử tế hơn với chính mình và bao dung hơn với người xung quanh.  

 - Ảnh 1.

Chia sẻ