“Công nghệ” ủ đặc sản thịt thú rừng

,
Chia sẻ

Thực khách đưa miếng thịt heo rừng lên miệng, tấm tắc khen ngon, đâu biết rằng những miếng thịt đó đã được ủ dưới đất vài ngày, ôi thối nồng nặc, được ngâm tẩm hóa chất độc hại...

Ủ thịt rừng trong đất

Đều đặn mỗi ngày, cứ 8h sáng, các quán nhậu khu vực đầu đường Phạm Viết Chánh (Q.1, TPHCM), quốc lộ 22 đoạn chạy qua quận 12, lại nhộn nhịp chuẩn bị đón thực khách. Những con bê được thui nguyên con vàng ươm bắt mắt được móc phía ngoài mời gọi, nhưng đây chỉ là món ngụy trang. Trong quán, mọi đặc sản từ rừng sâu đều sẵn sàng phục vụ các thực khách có nhu cầu.

Trong quá trình tìm hiểu về đường đi của thịt rừng lên phố, chúng tôi quen biết được một người tên Th, hiện đang ở Hóc Môn. Th vốn là một tay chuyên cung cấp “hàng độc” từ các vùng lân cận như Tây Ninh, Đồng Nai... đặc biệt là từ rừng Nam Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng, cho các quán nhậu ở TPHCM.

Theo lời Th, hàng ngày nhiều người dân sống gần rừng và các tay thợ săn chuyên nghiệp vào rừng đặt bẫy hoặc tìm thú bắn. Mỗi chuyến đi săn thường kéo dài hàng tuần. Những con mồi săn được gần bìa rừng, nhỏ, sẽ được chuyển ra ngay để bán cho các quán nhậu. Nhưng những con thú lớn như nai, heo rừng sống ở trong rừng sâu nên khi thợ săn hạ được phải ủ con vật tại chỗ, để đoàn người tiếp tục hành trình săn bắn.

Cách ủ mà Th nói ở đây là thợ săn bỏ con thú mà vừa săn được vào túi ni lông, chôn xuống đất, đánh dấu cẩn thận rồi tiếp tục hành trình săn. Mấy ngày hoặc có thể cả tuần sau, khi thợ săn quay ra mới đào lên xẻ thịt mang về. “Ủ thú vừa tránh được cơ quan chức năng kiểm tra vừa tránh cho “sản phẩm” bị thú rừng khác ăn thịt”, Th tiết lộ thêm.

Việc ủ thú chết dài hay ngắn ngày hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian của chuyến đi săn. Thịt thú rừng khi được đào lên có khi đã thối rữa, nhưng vẫn được đưa về bán cho các đầu nậu ngoài bìa rừng, rồi được ướp hóa chất để vận chuyển về thành phố bán cho các nhà hàng, quán nhậu...

Các quán bán thịt rừng khá hấp dẫn các thực khách nam.

100% thịt rừng bị kiểm tra đều ôi thối

Theo ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM thì 100% thịt rừng khi bị kiểm tra đều ôi thối, thịt rừng được bảo quản bằng hóa chất, khi bỏ ra ngoài chỉ vài giờ sau là đã bốc mùi, thối rữa. 

“Nhiều lần các anh em đi kiểm tra, thu giữ và đưa tang vật về trụ sở nhưng khi mở thùng xe ra thì mùi hôi thối nồng nặc; khi đưa tang vật xuống xong là các anh em phải chạy đi mua hóa chất về khử mùi cho cả cơ quan. Nhiều vụ chúng tôi phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để xử lý, tiêu hủy tang vật vì đã quá thối không dám đưa về cơ quan”, ông Cương kể.

Cũng theo ông Cương thì “Tất cả các cửa hàng, quán nhậu, quán ăn, kinh doanh thịt rừng trên địa bàn đều là kinh doanh trái phép. Hiện tại TPHCM chưa cấp bất kỳ giấy phép nào cho các doanh nghiệp kinh doanh thịt rừng, thú rừng và động vật hoang dã ngoài môi trường tự nhiên. Nếu có cũng chỉ cấp phép cho các hộ nuôi heo rừng, rắn, thỏ theo quy mô chuồng trại”.

Từ nhiều năm nay, chi cục đã kiểm tra, truy quyết liệt, bắt giữ và xử lý hàng nghìn kg thịt rừng trái phép, đồng thời xử phạt hàng trăm hộ kinh doanh vi phạm nhưng tình trạng kinh doanh chui vẫn còn và ngày càng tinh vi hơn, ông Cương khẳng định.

TPHCM hiện có nhiều điểm chuyên bán “chui” các loại thịt rừng, giá cả không thống nhất, tùy theo từng loại “đặc sản”. Cụ thể: thịt nai, heo rừng 120.000 đồng/kg; chồn, nhím, dúi khoảng 260.000 đồng/kg. Những loại thú còn sống thì được chào giá cao hơn và chỉ dành cho khách “vip”, khách mối.

Một vị khách đang hỏi mua thịt rừng trên đường Phạm Viết Chánh cho biết: “Do thịt rừng có mùi vị đặc trưng, ít mỡ nên được ưa chuộng, nhất là cánh đàn ông ăn vào thì khỏi phải chê”. Còn một chủ quán bán thịt rừng thì cao giọng: “Có người mua thì mới bán, chúng tôi chỉ phục vụ những người có nhu cầu và biết thưởng thức”.

Không hiểu cái sự “biết thưởng thức” được hiểu theo nghĩa nào, nhưng theo khuyến cáo của các bác sĩ tại Viện Vệ sinh y tế công cộng và Sở Y tế TPHCM thì những vi sinh, vi khuẩn như Salmonella (gây ngộ độc) và E.coli (gây tiêu chảy)... sẽ xâm nhập vào sản phẩm thịt chỉ 1 ngày sau khi giết mổ mà không được bảo quản tốt.

Đáng báo động là nguồn thịt rừng để giữ được tươi lâu trước khi đưa lên đĩa đã bị tẩm, ướp những loại hóa chất độc hại như u rê, phoóc môn, hàn the... mà người ăn vào có thể gặp các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ra máu, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.

Theo Trung Kiên
Dân trí
Chia sẻ