Con trai đang chơi bỗng ngã ngửa nguy kịch, mẹ khóc ngất ký đơn xin về nhưng bác sĩ đã làm nên "điều kỳ diệu"
Trong giây phút tuyệt vọng, gia đình bệnh nhân đã đau đớn ký xin cho con về. Tuy nhiên, các bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 đã động viên người nhà để bé lại và làm nên điều kỳ diệu.
Ngày 12/6, đại diện BV Nhi Đồng 2 cho biết, vừa qua các bác sĩ khoa Cấp cứu đã hợp sức với khoa Tim mạch giành lại mạng sống cho một bệnh nhi nguy kịch vì di chứng do nhồi máu não và nhiễm trùng huyết gây ra.
Bệnh nhi là bé trai N.M.T. (6 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), là con thứ hai trong gia đình có bố là lao động tự do, mẹ là công nhân may.
Bé đã được mổ chỉnh sửa tim 2 lần do tình trạng thông liên thất và không có lỗ van động mạch phổi.
Ngày 6/5 khi đang vui chơi, em bỗng ngã ngửa người ra sau, nôn ói và ngất lịm. Được người nhà đưa vào cấp cứu tại BV tỉnh, bác sĩ phát hiện em ngoài vấn đề suy tim còn bị một số bệnh lý nguy hiểm khác, tình trạng vô cùng nguy kịch nên chuyển bé lên BV Nhi Đồng 2.
Lúc chuyển viện, tri giác bé đã lơ mơ, yếu liệt nửa người bên phải. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ khoa Cấp cứu chẩn đoán bé bị nhồi máu não diện rộng bán cầu phải giờ thứ 22, có tổn thương thân não, suy tim, viêm phổi.
Bệnh nhi được cấp cứu và điều trị điều trị tích cực như thở máy, chống phù não, tiêm thuốc vận mạch, kháng sinh chống nhiễm trùng, truyền hồng cầu lắng.
Tuy nhiên, diễn tiến ngày càng xấu với tình trạng sốc nhiễm trùng, phù não khó kiểm soát, có nguy cơ tụt não. Bé có lúc mê sâu, đồng tử giãn.
Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa gồm Cấp cứu, Hồi sức, Tim Mạch, Nội Thần Kinh, Ngoại Thần Kinh, Gây mê đã diễn ra.
Kết quả cho thấy thấy tiên lượng xấu do bệnh nhi suy tim phải nặng. Bác sĩ Ngoại thần kinh sau khi cân nhắc và xin ý kiến cấp trên cũng nhận thấy khả năng thành công thấp nên thống nhất quyết định không mở sọ giải áp.
Nghe lời giải thích bé khó qua khỏi trong vòng 24 giờ của bác sĩ, người nhà bệnh nhân đã ký biên bản xin cho con được về nhà trong tuyệt vọng, đau đớn.
Chị P.P.T. (39 tuổi) mẹ bé ngồi bệt xuống sàn trong khoa Cấp cứu khóc nức nở trong khi người cha tất bật đặt xe đưa con về.
Chứng kiến giây phút đó, bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi quyết định phải đánh giá lại tình trạng bệnh nhi một lần nữa.
Bác sĩ Khôi nhận định tình trạng bé khá nặng nhưng vẫn còn có thể cứu được vì bệnh nhi vẫn còn tri giác nên thuyết phục người nhà để con lại điều trị tiếp.
Kíp trực lúc đó quyết định cố gắng giành giật mạng sống cho bệnh nhi, tiếp tục chống phù não tích cực theo phương pháp nội khoa.
Lúc này vì natri máu bệnh nhi quá cao, bác sĩ chỉ còn cách dùng thuốc mannitol để chống phù não, dù sẽ có nguy cơ sốc, tụt huyết áp.
Kết quả tri giác cải thiện nhưng huyết áp giảm, các bác sĩ đã cho truyền dịch, chỉnh vận mạch, cuối cùng huyết áp cũng dần ổn định.
Sau thời điểm đó vài giờ, bé T. có cải thiện tri giác, đồng tử có khuynh hướng co lại. Sau đó vài ngày em giảm sốt, chân tay cử động, đáp ứng kích thích đau.
Ngày 14/5, bé mở mắt khi có người gọi và được chuyển xuống phòng Hồi sức của khoa Tim Mạch để tiếp tục điều trị.
Ngày 22/5, bé được cai máy thở, phần cơ thể bị liệt dần dần được cải thiện, bé có thể cử động chân tay, cầm nắm, ăn uống được, vận động cơ mặt đều hơn.
6 ngày sau, bé được chuyển ra giường ngoài để theo dõi và tập vật lý trị liệu tiếp.
Thấy con đã thoát khỏi bàn tay tử thần trong gang tấc, mẹ bé xúc động chia sẻ:
"Những ngày đầu mới tỉnh dậy, con đã biết gọi ba mẹ, biết làm theo những gì bố mẹ yêu cầu. Đây là điều mà chúng tôi không tưởng tượng nổi trong những ngày trước đó khi con đang ở tình trạng thập tử nhất sinh tử.
Cảm ơn các bác sĩ đã cứu tính mạng của con tôi, giúp chúng tôi còn thấy con cười vui mỗi ngày".
Bác sĩ Phạm Ngọc Trâm, người trực tiếp theo dõi bé từ đầu cho biết, đây là lần đầu tiên chị chứng kiến trường hợp bị phù não, tiên lượng tử vong sau 24 giờ mà lại có thể hồi phục thần kỳ.
Nói về quyết định thuyết phục gia đình giữ bệnh nhi tiếp tục điều trị, bác sĩ Minh Khôi hạnh phúc kể lại: "Tại thời điểm người nhà ký hồ sơ xin cho bé về, tôi nhìn thấy sự đau buồn, những giọt nước mắt tiếc thương, bất lực của thân nhân. Tôi quyết định phải làm điều gì đó.
Thế là thuyết phục thân nhân để bé tiếp tục ở lại điều trị, giải thích rõ các nguy cơ của bệnh nhân và may mắn cha mẹ bé T. đã đồng ý.
Những diễn tiến lâm sàng cải thiện dần vài giờ, vài ngày sau đó làm tôi rất vui, một cảm xúc khó tả. Đó là động lực để tôi gắn bó với nghề".