Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) có những gì mà níu chân du khách suốt 4 mùa

Dương Dương,
Chia sẻ

Chẳng những sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà nơi đây còn lưu giữ hơi thở ngàn năm.

Chẳng mấy xa lạ nhưng Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) luôn là điểm đến được yêu thích suốt nhiều năm qua. Người ta có thể tới đây vào bất cứ mùa nào trong năm, song, lý tưởng nhất, chắc chắn là khi xuân về - mùa của lễ hội, của những chuyến du xuân, cầu bình an, tài lộc.

ĐI LẠI THUẬN TIỆN

Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích thuộc địa phận thành phố Chí Linh (Hải Dương). Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 70km, đường đi to, đẹp, cho nên du khách dễ dàng di chuyển tới đây bằng các phương tiện thông dụng.

Nếu tự lái xe sẽ tốn khoảng 1 giờ 32 phút đi theo hướng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cao tốc Nội Bài - Hạ Long theo hướng đi Hạ Long (có đi qua trạm thu phí cao tốc).

Nếu chạy xe máy, từ Hà Nội qua cầu Chương Dương, đi qua Bắc Ninh theo tuyến quốc lộ 5 - quốc lộ 17 - quốc lộ 18.

Giá vé xe khách từ Hà Nội tới Chí Linh (Hải Dương) dao động khoảng 100.000đ (xe > 16 chỗ) và 200.000đ (xe limousine). Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là muốn đi tới gần khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nhất, bạn không thể bắt xe chạy tuyến Hải Dương hay Hải Phòng. Thay vào đó, hãy lên xe tuyến Quảng Ninh, bến cuối là Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, sẽ có điểm dừng ở Sao Đỏ (Chí Linh).

Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) có những gì mà níu chân du khách suốt 4 mùa - Ảnh 1.

Ảnh: @o.iy.o

Còn nếu ở các tỉnh thành có đường quốc lộ 5 chạy qua như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, chỉ cần chạy dọc đường 5, rẽ sang quốc lộ 37 là có biển báo chỉ dẫn tới Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Ngoài ra, Hải Dương cũng có xe bus nội đô, liên tỉnh đưa du khách tới Côn Sơn - Kiếp Bạc. Có thể kể đến tuyến 208: Hải Dương - Côn Sơn, Kiếp Bạc - Bắc Giang; 209 - 208: Thái Bình - Hải Dương - Côn Sơn, Kiếp Bạc; 207 -208: Uông Bí - Côn Sơn, Kiếp Bạc - Hải Dương.

TỪNG NGÔI ĐỀN, PHIẾN ĐÁ GẮN LIỀN VỚI LỊCH SỬ DÂN TỘC

Quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc gồm nhiều di tích lớn nhỏ, ghi dấu các sự kiện quan trọng như ba lần quân dân nhà Trần đánh thắng Nguyên Mông hay khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Chẳng những thế, nơi đây còn gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của những vị anh hùng, danh nhân văn hóa lừng lẫy như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, thiền sư Huyền Quang… Trong đó, điểm nhấn của quần thể chính là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.

Chùa Côn Sơn 

Chùa Côn Sơn nằm trên địa bàn phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, Hải Dương.

Ngôi chùa cổ dưới chân núi được công nhận là một trong những trung tâm Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm Đại Việt do Trần Nhân Tông sáng lập. Hiện nay trong chùa còn lưu giữ nhiều tượng Phật cỡ đại cũng như các bia đá, văn bản ghi lại các sự kiện lịch sử. Tương truyền rằng đây cũng chính là nơi Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi ra đời.

Ảnh: @levuong4492, @belinn04, @ndtu93.

Từ chân núi di chuyển lên phía trên, ta sẽ đến với suối Côn Sơn. Đứng tại nơi đây, du khách sẽ cảm nhận chân thực nhất thế nào là “Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”. Hai tảng đá lớn bên suối thường được gọi với tên Thạch Bàn, tương truyền là nơi Nguyễn Trãi ngồi ngắm cảnh, ngâm thơ, suy tư về thế sự. Ngay bên cạnh chính là đền thờ Nguyễn Trãi.

Núi non hùng vĩ ở Côn Sơn. Nguồn: @btla.21

Sau khi vượt qua thêm 600 bậc tam cấp bằng đá, du khách sẽ lên tới “Bàn cờ tiên” trên đỉnh Côn Sơn. Một ưu điểm nữa là đường đi không quá dốc, hai bên là rừng thông trăm tuổi xen lẫn những cây vải thiều.

Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) có những gì mà níu chân du khách suốt 4 mùa - Ảnh 3.

Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) có những gì mà níu chân du khách suốt 4 mùa - Ảnh 4.

Ảnh: @chickenhen93

Ảnh: @thomun.1010.

Đền Kiếp Bạc 

Cách Côn Sơn chừng 5km, thuộc địa phận thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc rêu phong, cổ kính nhìn ra dòng Lục Đầu Giang. Ba phía còn lại được bao bọc bởi dãy núi Rồng. Xưa kia, đây là căn cứ quân sự - đại bản doanh của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Ngày nay, điểm nổi bật của đền chính là chiếc cổng với 3 cửa lớn, nguy nga và cổ kính. Bên trong có Giếng Ngọc với truyền thuyết không bao giờ cạn nước, phía Bắc có Hang Tiền - nơi cất giấu ngân khố phục vụ kháng chiến khi xưa.

Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) có những gì mà níu chân du khách suốt 4 mùa - Ảnh 6.

Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) có những gì mà níu chân du khách suốt 4 mùa - Ảnh 7.

THOẢI MÁI KHÁM PHÁ TRONG 1 NGÀY

Lịch trình 1 ngày Hà Nội - Hải Dương - Hà Nội.

7h00: Khởi hành từ Hà Nội, tới Hải Dương ăn sáng.

8h30: Thăm khu di tích Côn Sơn: đền thờ Nguyễn Trãi, chùa Côn Sơn, Thanh Hư Động, leo núi, băng suối, rừng thông, lên đỉnh Côn Sơn.

11h30: Ăn trưa ở nhà hàng, hoặc nếu đi cá nhân có thể nghỉ chân ở khu vực suối Côn Sơn.

13h30: Tới thăm đền Kiếp Bạc và các di tích lịch sử.

15h30: Lên xe ghé thăm đền thờ thầy giáo Chu Văn An trước khi trở về Hà Nội.

18h00: Kết thúc hành trình.

Đền thờ Chu Văn An. Ảnh: Lệ Thủy Phạm, @hoa.xuan80.

THƯỞNG THỨC NHỮNG MÓN ĂN DÂN DÃ

Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) có những gì mà níu chân du khách suốt 4 mùa - Ảnh 9.

ĐẶC SẢN NÚI RỪNG THÍCH HỢP LÀM QUÀ

Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) có những gì mà níu chân du khách suốt 4 mùa - Ảnh 10.

CHI PHÍ HỢP LÝ

Vé tham quan:

- Khu di tích Côn Sơn: 20.000đ/người/lượt.

- Khu di tích Kiếp Bạc: 20.000đ/người/lượt.

Vé giữ phương tiện:

- Ô tô dưới 8 chỗ: 15.000đ/lượt.

- Ô tô từ 8 đến 16 chỗ: 20.000đ/lượt.

- Ô tô trên 16 chỗ: 25.000đ/lượt.

Bên cạnh đó, chuyến tham quan trải nghiệm ở Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn còn một số hạn chế. Ví dụ như dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi chưa thực sự tiện nghi và đa dạng. Muốn tìm nhà nghỉ, homestay, du khách thậm chí phải di chuyển ra khu vực hồ Côn Sơn, hoặc hơn nữa là khu vực thành phố cách hơn 7km.

Song, có lẽ cũng chính bởi chưa bị khai thác du lịch quá nhiều mà Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn giữ được những cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, khí hậu trong lành, là không gian sinh thái, văn hóa và tâm linh xứng đáng để trải nghiệm.

Chia sẻ