Coi chừng biến chứng do thích xỏ khuyên trên vành tai
Các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân trẻ tuổi bị biến chứng viêm tấy, chảy dịch, tụ dịch, do xỏ lỗ tai ở trên vành tai.
TS.BS. Phạm Thị Việt Dung –Giảng viên Bộ môn tạo hình Đại học Y Hà Nội, BS Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Xanh-Pôn cho biết, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân trẻ tuổi bị biến chứng viêm tấy, chảy dịch, tụ dịch, do xỏ lỗ tai ở trên vành tai.
BS Dung cho biết, những biến chứng này thường gặp khi xỏ lỗ tai ở trên vành tai, hiếm khi gặp khi xuyên lỗ trên vị trí dái tai. Vì vậy, bạn trẻ nào thích xỏ khuyên ỏ trên vành tai cần thận trọng không sẽ gặp phải biến chứng thường gặp này.
Các bạn trẻ ngày nay rất thích đeo khuyên trên nhiều vị trí của vành tai. Theo BS Dung sở thích là xỏ khuyên trên vành tai nhưng nên cẩn thận vì khi xuyên lỗ ở những vị trí này bao giờ cũng phải xuyên qua sụn vành tai - một cấu trúc dễ viêm mạn tính và dần trở thành sẹo lồi (không lành như xuyên lỗ ở giữa dái tai trước đây).
“Hơn nữa điều trị sẹo lồi ở vành tai không hề đơn giản. Do tổn thương liên quan đến sụn vành tai và da bám dính sụn nên khi bị sẹo lồi phát triển, xâm lấn...làm thành những khuyết da nơi cắt sẹo lồi rất khó khâu đóng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho sẹo lồi vành tai dễ tái phát trở lại’, BS Dung nói.
Một trường hợp biến chứng do xỏ khuyên trên vành tai.
Do đặc điểm vành tai được cấu tạo bởi khung sụn và một lớp da, tổ chức dưới da mỏng che phủ, trong khi đó mô sụn rất dễ bị viêm, khả năng chống nhiễm trùng kém, và viêm nhiễm mạn tính, phản ứng với chất liệu làm khuyên tai… sẽ kích thích sẹo lồi phát triển.
Trên thực tế, mọi người lại không có thói quen vào viện xuyên lỗ tai mà kỹ thuật này được cho là đơn giản, thường thực hiện tại nhà, tiệm cắt tóc,tại cửa hàng vàng bạc, SPA…nên tình trạng nhiễm trùng do xuyên lỗ tai cũng không ít.
Chia sẻ về điều trị xỏ khuyên, BS Dung cho biết, một trong những đặc tính của sẹo lồi là luôn luôn có xu hướng phát triển to hơn và không tự ngừng phát triển. Sẹo lồi to và khuyết sau khi cắt sẹo có thể làm biến dạng vành tai, làm ảnh hưởng đến tâm lý và dần dần người bị sẹo dần hạn chế giao tiếp, nhiều khi sẹo gây ngứa, đau rát rất khó chịu. Hơn nữa, sẹo lồi vành tai rất dễ tái phát sau điều trị.
Bác sĩ đã từng gặp những trường hợp mổ cắt sẹo lồi 5,7, hay 10 lần. “Có những trường hợp đi tận Singapore, Nhật, Nga để điều trị nhưng không khỏi. Điều trị sẹo lồi vành tai nhiều khi cần phối hợp nhiều biện pháp: phẫu thuật tạo hình, chăm sóc tốt sau mổ, tiêm thuốc chống sẹo, băng ép, xạ trị…” BS Dung cảnh báo.
Cũng theo Bs. Dung sẹo lồi vành tai không phải là biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và tổn hại nhiều đến sức khỏe nhưng là tình trạng phiền toái, gây khó chịu và đặc biệt là điều trị không hề dễ dàng. Tình trạng này lại hay gặp khi xuyên lỗ trên vành tai trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn. “Thế nên, không nên quá lạm dụng xỏ nhiều lỗ trên vành tai, tại những nơi không đảm bảo điều kiện vô trùng”, BS Dung khuyến cáo.