Cô giáo tiểu học chia sẻ 3 mẹo khắc phục "ngay và luôn" lỗi cầm bút sai ở học sinh lớp 1, con viết chữ đẹp lên trông thấy
Nhiều phụ huynh thắc mắc, tại sao cùng học một lớp mà con tôi viết không được đẹp như các bạn? Theo cô Thúy, điều này có nguyên nhân từ cách cầm bút sai của trẻ.
Cô Nguyễn Ngọc Thúy là giáo viên tiểu học tại trường tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội). Những chia sẻ của cô về bí quyết học hiệu quả cho con rất được nhiều phụ huynh yêu thích và tham khảo.
Cô Thúy cho rằng, một trong những bí quyết đầu tiên của cô khi luyện viết chữ cho học sinh, đó là luyện cho các con cách cầm bút viết thật chuẩn bởi điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng viết chữ đẹp, không ảnh hưởng đến dáng ngồi và mắt.
Có thể có những bạn cầm bút sai cách nhưng vẫn viết đẹp, nhưng khi viết như vậy con sẽ rất nhanh bị mỏi tay và khi lên lớp lớn chữ con sẽ ngày càng xấu đi. Vì vậy, nếu như con không cầm bút đúng cách thì bố mẹ cần điều chỉnh cho con càng sớm càng tốt.
Các bước cầm bút đúng
Bước 1: Xòe tay
Bước 2: Thu ngón út và áp út lại
Bước 3: Cầm bút bằng ba ngón tay. Khi cầm bút bằng ba ngón tay thì có bé sẽ cầm nhầm vị trí của ngón giữa, bố mẹ hãy hướng dẫn bé cầm bút bằng ngón cái và ngón trỏ, còn ngón giữa dùng để đỡ bút. Lưu ý khi đỡ bút ở vị trí đốt đầu tiên của ngón giữa để tránh tình trạng chai tay khi con viết nhiều.
Cô Nguyễn Ngọc Thúy chia sẻ cách cầm bút sai và mẹo khắc phục.
Hai ngón tay cách đầu bút khoảng 2,5cm, thân bút hướng về phía người mình sao cho tạo với mặt vở một góc khoảng 45 độ. Thân bút đặt lên phần thịt mềm ở trên. Mép bàn tay đặt nằm xuống vở. Khi điều khiển bút chỉ sử dụng 3 ngón tay, không sử dụng cả phần cổ tay để viết.
Các cách cầm bút sai thường gặp nhất
1. Cầm bút sai hướng: Thân bút con hướng lên phía trên.
Giải pháp: Sử dụng 1 đoạn dây, buộc lại hai đầu với nhau. Lấy phần dây quàng vào bút, sau đó để con viết.
2. Cầm bút bằng 3 ngón tay
Giải pháp: Sử dụng con cá định vị để cho các con cầm và viết. Trên con cá này có sẵn các vị trí để đặt ngón. Các ngón tay của con sẽ đặt rất đúng vị trí.
3. Không nắm hai ngón áp út và ngón út lại khi viết: Hai ngón này sẽ cản trở làm con viết không được đẹp.
Giải pháp: Lấy một mẩu giấy ăn vo tròn lại, cho con nắm. Khi viết bài con sẽ giữ lấy mẩu giấy sao cho khi viết mẩu giấy không bị rơi ra.
Không được nói lời tiêu cực, so sánh con với bạn khác
Theo cô Thủy, sau khi con cầm bút đúng cách, bố mẹ nên khích lệ động viên con chứ chưa yêu cầu con phải viết đẹp. Dần dần khi con quen tay, chữ sẽ cải thiện hơn rất nhiều.
Một số câu nói tích cực động viên con như:
- Con viết tốt hơn rồi đấy!
- Con nhìn lại dòng vừa viết xem con thích chữ nào nhất. Đúng rồi, mẹ cũng thấy chữ này đẹp nhất đấy.
- Con thấy không, chỉ cần con cẩn thận là chữ nào con cũng viết được đẹp mà.
- Chữ này hơi khó con nhỉ? Mẹ nghĩ nét này con nên viết chạm đến dòng kẻ này sẽ đẹp hơn đấy!
- Con đừng buồn nhé, chúng mình cùng viết chữ khác đẹp hơn nào!
Nguyên tắc khi dạy viết: Không được nói lời tiêu cực, so sánh con với bạn khác, càng không được đánh vào tay con nếu con lỡ viết xấu, không đặt kì vọng con viết đẹp mà bước đầu chỉ cần con viết đúng li, đúng độ cao các chữ và có hứng thú với việc viết.
"Bố mẹ hãy nhớ: Viết là hoạt động khó nhất của ngón tay trong độ tuổi của các con. Con không thể viết được đẹp trong ngày một ngày hai, mà cần cả một quá trình. Có những bạn có khả năng quan sát, điều khiển ngón tay tốt nên con viết được đẹp nhanh. Nhưng cũng có bạn cần nhiều thời gian hơn, bố mẹ cũng đừng quá lo lắng dẫn đến stress và biến giờ học của con thành nỗi sợ hàng ngày của cả gia đình", cô Thúy chia sẻ.