Cô giáo ở Hòa Bình giúp cả lớp đỗ nguyện vọng 1, riêng môn Sử trung bình 9,45 điểm/học sinh

Ứng Hà Chi ,
Chia sẻ

"Tôi đã chở nhiều chuyến đò sang sông nhưng có lẽ đây là chuyến đò để lại nhiều cảm xúc nhất, vượt quá mong đợi", cô Hồng Thanh cho biết.

28/28 học sinh đỗ ngay ở nguyện vọng 1, đạt được ước mơ của mình; điểm Sử trung bình là 9,45 điểm/học sinh; 6/28 học sinh đạt điểm 10 môn Sử; 11 em đỗ vào trường Đại học Luật và nhiều em đỗ vào các trường top đầu như Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,... Đó là những thành tựu to lớn mà cô Nguyễn Thị Hồng Thanh - Giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Lịch sử tại trường Chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình) cùng các học trò của mình đạt được.

Không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy

Đối với cô Hồng Thanh, chẳng còn điều gì hạnh phúc bằng sau một hành trình dài nỗ lực, các học trò thân yêu đều đỗ đạt. Các em trúng tuyển ngay ở nguyện vọng 1, đúng như bản thân và gia đình mong muốn. Cô Hồng Thanh gọi đêm nhận được thông báo điểm là "đêm giao thừa" bởi chứa chan quá nhiều cảm xúc tuyệt vời. Nhiều phụ huynh nghẹn ngào, gửi lời cảm ơn đến cô.

Gắn bó với các em học sinh từ khi mới vào lớp 10 – một khoảng thời gian dài để cô Thanh hiểu rõ từng điểm mạnh, điểm yếu của các em. Với những điểm mạnh, cô luôn tìm cách khích lệ để các em phát huy, tiến bộ; còn với điểm hạn chế, cô cố gắng giúp các em tìm phương pháp khắc phục và hoàn thiện mình. Cùng với đó, cô luôn nhắc nhở học trò xây dựng tập thể lớp đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau trong học tập.

Cô giáo ở Hòa Bình giúp cả lớp đỗ nguyện vọng 1, riêng môn Sử trung bình 9,45 điểm/học sinh - Ảnh 1.

Chân dung cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thanh.

Cô Thanh chia sẻ: "Lúc mới vào lớp 10, các em chưa quen với môi trường học tập mới nên bị mất một học kỳ để mọi thứ đi vào quỹ đạo. Ngay sau thời gian đó, tôi đã định hướng, xây dựng quy chế học tập và rèn luyện, đồng thời phối kết hợp cùng gia đình giúp các em dần dần hòa nhập với môi trường mới.

Các em đều có tinh thần học tập tốt, ý chí nghị lực kiên định, nỗ lực quyết tâm bứt phá ở năm lớp 12 nên mới đạt được thành công bước đầu. Môi trường giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ môi trường cạnh tranh lành mạnh đã giúp các em cùng nhau phấn đấu, đạt được mục tiêu đề ra.

Riêng môn Sử - một môn học nhiều học sinh cho rằng nó khô khan và khó học vì khối lượng kiến thức nhiều. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh còn đặt nặng định kiến, sợ con em ra trường khó xin việc hoặc không có khả năng đỗ vì các trường Đại học khối ngành Xã hội đều lấy điểm chuẩn cao. Hiểu được tâm lý học sinh và phụ huynh, tôi đã đưa ra những phương pháp dạy học giúp phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh, hướng dẫn các em tự học và sáng tạo trong học tập. Nhờ đó, các em thấy việc học Lịch sử không phải quá khó và có đam mê với bộ môn, giúp có được định hướng phát triển bản thân và nghề nghiệp rõ ràng".

Cô Thanh cũng chia sẻ, với Lịch sử - môn học trong tổ hợp thi tốt nghiệp THPTQG bằng hình thức trắc nghiệm 100%, không còn tự luận như trước nên khối lượng kiến thức sẽ rất nhiều, tập trung trong chương trình học của lớp 11 và 12. Là giáo viên dạy bộ môn Lịch sử trong hơn 20 năm, cô hiểu học sinh của mình cần điều gì, mong muốn phương pháp ôn tập như thế nào để từ đó có cách dạy phù hợp giúp các em tiếp thu bài một cách tốt nhất.

Nhờ sự cởi mở của cô mà nhiều em sẵn sàng góp ý hay đưa ra những phương pháp học tập mới: "Cô ơi, cô nên kiểm tra theo cách này?", "Em muốn cô áp dụng phương pháp giảng dạy này, em nghĩ sẽ hiệu quả". Trước mọi đóng góp tích cực, cô đều ghi nhận, áp dụng chứ không áp đặt một chiều lên học sinh.

Cô giáo ở Hòa Bình giúp cả lớp đỗ nguyện vọng 1, riêng môn Sử trung bình 9,45 điểm/học sinh - Ảnh 2.

Danh sách 28 học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 tại lớp cô Hồng Thanh chủ nhiệm.

Không chỉ truyền đạt kiến thức cơ bản và nâng cao, kỹ năng làm bài, cô Thanh còn luôn sát sao trong việc kiểm tra khả năng tiếp thu bài của các em. "Có nhiều cách kiểm tra bài cũ của các em như: Kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết,… Nếu phát hiện học sinh chưa chăm chỉ học tập, điểm số thấp, tôi sẽ thông báo kịp thời cho gia đình hoặc giáo viên bộ môn để tìm lý do và khắc phục", cô Thanh chia sẻ.

Với cô và trò lớp chuyên Lịch sử, quãng thời gian khó khăn, thách thức nhất là năm lớp 12 – năm học cuối cấp. Học sinh gặp áp lực thi cử, áp lực điểm số. Dù giáo viên và gia đình không đưa ra mục tiêu cao, bắt ép các em phải đạt được nhưng tự các em tạo ra áp lực cho chính mình. Hiểu rõ điều ấy, cô Hồng Thanh luôn đồng hành bên cạnh, nhẹ nhàng trò chuyện để học sinh giải tỏa tâm lý, duy trì trạng thái cảm xúc tích cực nhất. Điều đó đã góp phần giúp cô và trò cùng đạt được thành công vang dội.

Tuy nghiêm khắc với học sinh nhưng ngoài giờ học, cô luôn gần gũi và coi các em như những người con thân yêu. Bằng sự dịu dàng, chân thành, cô Thanh được các em quý mến, sẵn sàng chia sẻ mọi tâm tư, từ chuyện điều kiện gia đình đến chuyện tình cảm khác giới…. Dù là điều gì, cô Thanh cũng luôn lắng nghe, đồng cảm, chia sẻ và đưa ra lời khuyên hữu ích cho các em.

Một kỷ niệm khiến cô Hồng Thanh nhớ mãi trong 3 năm chủ nhiệm lớp 12 chuyên Sử khóa 2019-2022 là trường hợp một em học sinh hạn chế trong giao tiếp. Em là người sống khép kín, thu mình, ít trò chuyện cùng bạn bè. Nhưng chỉ sau một thời gian, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các thầy cô và tập thể lớp em đã hòa đồng, cởi mở, biết giao tiếp và thể hiện tình cảm với mọi người xung quanh. "Phụ huynh học sinh ấy đã gọi điện cho tôi và cảm ơn rất nhiều vì đã giúp con họ thay đổi, hoàn thiện bản thân theo chiều hướng tích cực và sẵn sàng bước tiếp trên con đường chinh phục ước mơ", cô Thanh tâm sự.

Cô giáo ở Hòa Bình giúp cả lớp đỗ nguyện vọng 1, riêng môn Sử trung bình 9,45 điểm/học sinh - Ảnh 3.

Tập thể lớp 12 chuyên Lịch sử - trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ.

Chuyến đò để lại nhiều cảm xúc trong sự nghiệp trồng người

Ngoài phương pháp chuyên môn giúp học sinh đạt thành tích cao trong học tập, cô Hồng Thanh còn đặt ra quy chế khen thưởng và xử phạt đối với học sinh của lớp. Chẳng hạn như ở môn Lịch sử, với những học sinh lười học, không thuộc bài, cô Thanh sẽ bắt các em chép lại bài từ 10 – 20 lần và liên tục kiểm tra bài vở trên lớp. Hình phạt nghiêm khắc sẽ giúp các em nâng cao ý thức học tập.

Bên cạnh biện pháp xử phạt cô Hồng Thanh cũng phối kết hợp với Ban đại diện phụ huynh của lớp đưa ra hình thức khen thưởng hấp dẫn khi học sinh đạt các danh hiệu học sinh giỏi vào cuối kì, cuối năm học. Riêng cô sẽ thưởng cho các học sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử trong kì thi tốt nghiệp THPTQG là 500.000 đồng/học sinh. Cách này giúp các em hào hứng học tập, nỗ lực phấn đấu rõ rệt.

Cô giáo ở Hòa Bình giúp cả lớp đỗ nguyện vọng 1, riêng môn Sử trung bình 9,45 điểm/học sinh - Ảnh 4.

Cô Hồng Thanh tâm sự: "Tôi nhớ "đêm giao thừa" ấy, các em tíu tít khoe điểm, còn tôi vỡ òa trong hạnh phúc. 6 bạn đạt điểm 10 Lịch sử đều được tôi chuyển khoản ngay lập tức. Phụ huynh biết chuyện vui lắm, gọi điện cảm ơn tôi mãi. Tôi nghĩ số tiền đó không phải là quá lớn nhưng cũng đã có sự động viên kịp thời đối với các em.

Tôi đã chở nhiều chuyến đò sang sông nhưng có lẽ đây là chuyến đò để lại nhiều cảm xúc nhất, vượt quá mong đợi".

Lời sau cùng, cô muốn chúc tất cả các học sinh thân yêu ở môi trường mới sẽ tiếp tục phát huy khả năng học tập, gặt hái được nhiều kết quả tốt. Cô tin tập thể lớp 12 chuyên Lịch sử sẽ không chỉ học giỏi kiến thức mà còn có những kỹ năng mềm tuyệt vời được trang bị trong những năm tháng phổ thông. Chắc chắn các em sẽ trở thành công dân ưu tú, sống có ích và đạt nhiều thành công.

Ảnh: NVCC

Chia sẻ