Cô gái tử vong vì một chiếc khăn trùm đầu khiến cả nước sục sôi
Vụ việc đã khiến dư luận bất bình và xuống đường yêu cầu đòi công lý cho cô gái.
Sự ra đi của cô gái trẻ Mahsa Amini làm dấy lên các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố ở Iran. Cái chết chứa nhiều khúc mắc của Mahsa Amini khiến người dân bức xúc và đòi công lý cho nạn nhân và cho cả chính những người phụ nữ khác.
Mahsa Amini là ai?
Cô gái 22 tuổi bị cảnh sát "đạo đức" Iran bắt giữ hôm 13/9 tại thủ đô Tehran. Vào thời điểm đó, Amini có chuyến thăm tới thành phố này từ quê nhà Kurdistan.
Nguyên nhân khiến cô bị cảnh sát bắt giữ là đeo khăn trùm đầu quá lỏng. Theo quy định của Iran, phụ nữ phải đeo khăn trùm kín tóc nơi công cộng.
Mahsa Amini sau đó bất tỉnh tại đồn cảnh sát và tử vong 3 ngày sau đó. Cái chết đột ngột của Mahsa Amini đã khiến dư luận nghi ngờ cô bị ngược đãi, hành hạ trước khi qua đời.
Mặc dù vậy, cảnh sát đã bác bỏ cáo buộc này. Thay vào đó, họ tuyên bố cô bị đau tim. Tuy nhiên, gia đình Amini cho hay cô vốn không có tiền sử bệnh tim. Gia đình Amini cũng cáo buộc bị chính quyền ngăn cản việc họ xem xét thi thể nạn nhân trước khi chôn cất.
Gia đình cô gái 22 tuổi cho hay họ nhận thông báo Mahsa Amini được đưa tới bệnh viện vài giờ sau khi bị bắt. Amini phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Kasra và hôn mê. Nhân viên bệnh viện đã báo với gia đình rằng cô bị chết não. Những bức ảnh chụp Amini nằm trên giường bệnh đã lan truyền trên mạng xã hội Iran khiến dư luận sục sôi.
Cảnh sát đạo đức Iran là thành phần của Lực lượng thực thi pháp luật Iran (LEF), có nhiệm vụ chống lại các hành vi thiếu lịch sự và các tệ nạn xã hội.
Quốc gia này yêu cầu phụ nữ phải đội khăn trùm đầu che kín tóc khi ở nơi công cộng. Phụ nữ Iran có toàn quyền đi học, làm việc, giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền. Mặc dù vậy, họ được yêu cầu ăn mặc theo đúng quy định đã đề ra.
Chuyện gì đang xảy ra ở Iran?
Cái chết của Amini có dấu hiệu cho thấy cô đã bị hành hạ trước khi qua đời. Anh trai của Amini, Kiaresh, nhìn thấy những vết bầm tím trên đầu và chân của nạn nhân. Những người phụ nữ bị giam giữ cùng Amini cho biết cô bị đánh đập nặng nề vì chống lại những lời nói khiếm nhã của cảnh sát. Một số bác sĩ cho rằng Amini bị chấn thương sọ não dựa trên các triệu chứng lâm sàng.
Đoạn phim CCTV do truyền thông Iran công bố cho thấy Mahsa Amini gục ngã tại một trung tâm "cải tạo", nơi cô bị cảnh sát đạo đức bắt đi để hướng dẫn về cách mặc trang phục cho đúng.
Từ ngày 17/9 cho đến nay, các cuộc biểu tình đã lan rộng ra hơn 50 thành phố của Iran. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2019 của quốc gia này. Mạng internet tại Iran đã bị hạn chế sau khi các cuộc biểu tình bạo lực khiến ít nhất 11 người thiệt mạng tính đến ngày 22/9. Đáng chú ý, nhiều phụ nữ cũng tham gia biểu tình và có những hành động mạnh mẽ để đòi công lý cho nạn nhân và cho chính mình.
Dòng người đổ xuống đường sau sự ra đi đầy uẩn khúc của cô gái trẻ 22 tuổi.
Nhiều phụ nữ ở Iran đã cởi khăn trùm đầu và cắt tóc để phản đối quy định hà khắc với nữ giới sau sự ra đi đầy tức tưởi của Mahsa Amini. Trên toàn thế giới, nhiều phụ nữ cũng đang có hành động tương tự. Họ muốn thể hiện sự đoàn kết và khẳng định luôn ở bên để hỗ trợ phụ nữ Iran đòi quyền lợi công bằng cho tất cả mọi người.
Hashtag #mahsaamini đang thịnh hành trên mạng xã hội. "Phụ nữ, cuộc sống và tự do", đó là khẩu hiệu được hô vang khi dòng người xuống đường biểu tình và loại bỏ khăn trùm đầu. Cho đến nay các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Các tổ chức, nhà lãnh đạo lên tiếng như thế nào?
Nhiều người nổi tiếng, đại diện các tổ chức và một số nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đã lên tiếng trước sự ra đi bất thường của cô gái trẻ 22 tuổi.
Trong thông báo chính thức, Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) cho biết họ vô cùng quan tâm và đau buồn trước cái chết của Mahsa Amini. Họ gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình. UN Women cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành điều tra rõ ràng và minh bạch để đem lại công lý cho nạn nhân.
Cuộc tấn công tàn bạo vào những người phụ nữ dũng cảm ở Iran cũng là cuộc tấn công vào nhân loại.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền gọi cái chết của Amini là "tàn nhẫn" và kêu gọi chính quyền Iran cần bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều luật đã tước đi những quyền cơ bản, tự do của phụ nữ.
Nữ diễn viên người Mỹ Leah Remini viết trên Twitter: "Việc Mahsa Amini bị sát hại là không thể chấp nhận được trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Việc cô ấy bị bắt vì đeo một chiếc khăn trùm đầu không đúng quy định càng khiến vụ việc trở nên kinh hoàng hơn".
Các nhà lãnh đạo Iran cam kết sẽ điều tra làm rõ vụ việc. Ông Abdolreza Pourzahabi, đại diện của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tại tỉnh Kurdistan, tới thăm gia đình Amini hôm 19/9. Trong chuyến thăm, ông Pourzahabi tuyên bố nhà lãnh đạo Iran đau buồn về cái chết của Amini, cũng như khẳng định cơ quan chức năng sẽ bảo đảm quyền lợi của nạn nhân.