Cô gái đi xe sang LX570 bị đánh ghen trên phố: "3 người đều sai và rất dại dột"
Luật sư cho rằng việc đánh ghen là sai, những người liên quan có thể bị xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.
Những ngày qua, liên tiếp xảy ra những vụ đánh ghen gây xôn xao dư luận. Vụ việc được cho là chồng chở "bồ - nhân tình" trên xe hạng sang Lexus LX 570 bị vợ chặn đường, đánh ghen trên phố Lý Nam Đế (phường cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) hay vụ một nhóm phụ nữ lao vào đánh ghen một cô gái tại quán cà phê ở huyện Ba Vì, Hà Nội đều trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người trên mạng xã hội.
Hình ảnh cô gái bị chặn đường, hành hung được người dân ghi lại - Ảnh cắt từ clip
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình (Trường văn phòng luật sư Tinh thông luật - Đoàn Luật sư TP HCM), cho rằng việc đánh ghen hiện nay diễn ra khá phổ biến, xảy ra nhiều và bằng nhiều hình thức. Về vụ đánh ghen trên phố Lý Nam Đế, ở đây không chỉ người vợ bị xem xét xử lý mà cả người chồng cũng bị xử phạt, thậm chí có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng người vợ trong clip đánh ghen có thể bị phạt tiền về hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định: Hành vi đánh nhau có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (điểm a khoản 2 điều 5); hành vi gây rối làm mất trật tự công cộng có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (khoản 3 điều 5).
Dưới góc độ pháp luật thì "người thứ ba" xen vào cuộc sống hôn nhân gia đình của người khác là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân gia đình được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, chỉ có một số quan hệ đặc biệt được điều chỉnh bởi pháp luật hành chính, hình sự. Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng như đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 cũng quy định về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật
Mối quan hệ giữa người đàn ông và cô gái trẻ trong vụ việc đánh ghen này rất có thể là quan hệ "bồ bịch" ngoài hôn nhân hoặc có thể là trào lưu "Sugar - Dady, Sugar - Baby" đang diễn ra trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, có thể vi phạm pháp luật. Những hình ảnh trong clip cho thấy người chồng đã đánh vào mặt vợ mình, đánh đập vợ mình để giải thoát cho cô gái trẻ. Bởi vậy, trong tình huống này, nếu người vợ có đơn trình báo đề nghị xử lý về hành vi Cố ý gây thương tích, quá trình xác minh cho thấy người phụ nữ có tỉ lệ thương tích thì dù thương tích dưới 11% nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ khác thì người chồng vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
"Trong sự việc trên, nếu thực sự cô gái trẻ và người chồng đang có quan hệ bất chính thì cả 3 người đều sai và rất dại dột. Hậu quả ở nhiều góc cạnh nhưng chắc chắn hình phạt theo quy định của pháp luật là khó tránh khỏi" - Luật sư Diệp Năng Bình nhận định. Vị luật sư cũng nhấn mạnh việc đánh ghen dù ở hình thức nào đều là sai, những người liên quan có thể bị xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.