Chuyện về miếng chanh giấy cắt xéo ở Huế và lý do vì sao "đi Huế mà ăn theo review là mới biết Huế được một nửa"
Huế không chỉ nổi bật với những lăng tẩm trầm lắng chứa đầy những vết nứt thời gian hay những cung đường rêu phong mang dấu ấn của một thời vàng son, mà Huế còn khiến người ta đến, rồi muốn quay lại bởi hương vị ẩm thực đặc biệt, chẳng hạn như mùi chanh giấy vương vấn nơi đầu mũi.
Người ta đi khắp bốn phương trời, rong ruổi qua bao miền đất lạ, đi mòn đường dải đất hình chữ S để thưởng thức muôn vàn hương vị ẩm thực. Mỗi nơi mang một màu sắc, một đặc trưng, và Huế cũng vậy. Người ta nhớ Huế, thương Huế và lụy Huế đều có lý do cả.
Huế, vùng đất của những hoài niệm, của nhã nhạc cung đình, của sông Hương, núi Ngự và cả những điều nhỏ nhặt trong ăn uống mà chỉ người bản địa mới biết trân quý. Chính những điều nhỏ xíu ấy, như cách cắt một miếng chanh giấy, lại chứa đựng cả tinh thần và phong vị của xứ cố đô, cũng đủ để gợi lên cả một trời thương.
Nhớ Huế qua một miếng chanh giấy cắt xéo

Ảnh: Khánh Hà
Tôi đã đến Huế nhiều lần. Mỗi lần, ngoài việc ghé thăm lăng tẩm cổ kính hay dạo bước bên dòng Hương mát rượi, tôi lại muốn ăn như người bản địa, không phải theo chỉ dẫn của những bài review kiểu "top 10 quán phải thử" mà là đi lòng vòng, tấp vào đâu đó mà bụng bảo dạ: Chắc ở đây ngon.
Người ta có thể mê một quán cà phê bên bờ sông Hương tuy đồ uống không ngon lắm nhưng view ngắm cảnh lại cực kỳ "hết sảy". Người ta có thể gọi vội một gánh bún bò hay tấp vào một quán nhỏ bên đường để thưởng một bát bún hến đậm màu cố đô. Người ta có thể rong ruổi khắp các cung đường để tìm cho mình một đĩa bánh bột lọc thơm mùi lá, một cốc cà phê muối hợp vị hay một chén vịt lộn um bầu thanh mát trong ngày hè. Bấy nhiêu thứ thôi cũng để để khắc họa một xứ Huế ngập tràn cảnh sắc ẩm thực chân phương.

Ảnh: Khánh Hà
Ở Huế, người ta ăn không cầu kỳ, không phải chạy theo thực đơn nhà hàng sang trọng hay góc sống ảo lung linh trên mạng. Huế đơn giản lắm. Một bát bún hến bên đường, một dĩa bánh bột lọc gói bằng lá chuối, hay chỉ một ly cà phê muối ở góc phố cũ kỹ, tất cả đều mang một bản sắc riêng, đủ để níu lòng người.
Ở Huế, muốn ăn ngon có lẽ nên thử những điều nhỏ nhặt. Bởi có vẻ như, người Huế nấu ăn cho chính mình trước, rồi mới mời người khác ăn. Thế nên tiệm nhỏ, quán ven đường hay gánh hàng rong cũng có thể cho bạn một trải nghiệm đáng giá. Một bát bún bò nghi ngút khói, vài lát chả mềm, nước dùng đậm nhưng trong, và điều làm tôi ấn tượng nhất là... miếng chanh giấy.

Ảnh: Khánh Hà
Phải rồi. Chanh giấy Huế không giống những loại chanh phổ biến ở các nơi khác. Nó nhỏ hơn, vỏ mỏng, mọng nước, thơm phức và có mùi tinh dầu đặc trưng cứ vấn vít nơi đầu mũi. Cái cách mà người Huế cắt chanh cũng lạ: Không bổ làm tư như ở miền Bắc, không bổ đôi như trong Nam, mà là cắt dọc, xéo xéo thành từng lát nhỏ. Nhìn giản dị vậy thôi nhưng khi vắt vào bát bún, mùi thơm của chanh hòa với hơi nóng bốc lên khiến bạn như được tưới mát từ bên trong.

Vắt nhẹ thôi mà nước chanh đã bắn ra, bám vào đầu ngón tay, đến chiều tối vẫn còn thoảng hương. Chỉ một miếng chanh nhỏ mà khiến cả bát bún bừng mùi thơm. Nó không gắt mà dịu, không át mùi mà nâng hương. Mỗi lần ăn xong, tôi vẫn thấy như hương chanh đọng lại ở đâu đó trong lồng ngực. Đó không chỉ là vị giác, mà là một ký ức mùi, một trải nghiệm cảm xúc trọn vẹn. Mùi chanh giấy không chỉ là hương vị. Nó còn là cảm xúc. Là cái hậu vị tinh tế mà sau khi ăn xong, bạn vẫn còn nhớ mãi.
Người Huế ăn uống không ồn ào. Họ chọn món kỹ càng, nêm nếm khéo léo, không cay quá, không mặn quá, nhưng đủ đậm để ai ăn một lần cũng nhớ. Cái sự "vừa phải" trong từng món ăn ấy khiến ẩm thực Huế không gào thét gây ấn tượng, mà là thì thầm đi vào lòng người.
Huế không chỉ có bún bò. Huế có cả ngàn món ngon mà kể mãi cũng chẳng hết. Từ chén chè xanh mát trong ngày hè, đến đĩa bánh nậm mỏng tang nhưng đậm đà hương vị. Từ miếng nem lụi thơm mùi than hoa đến bát cơm hến cay nồng. Nhưng điều tôi thích nhất ở Huế, vẫn là cái cách người ta nâng niu từng nguyên liệu nhỏ bé nhất.
Ví như trái ớt thóc hay ớt xiêm rừng Huế nhỏ xíu nhưng cay nồng và thơm nức. Hay như cách người Huế cẩn thận lót từng lớp bánh bằng lá, rắc chút hành phi khô, thả một con tôm đất đỏ au như điểm xuyết. Ăn ở Huế là ăn bằng cả năm giác quan. Ngửi hương, nếm vị, ngắm sắc, lắng nghe tiếng xì xụp trong quán nhỏ, và cảm nhận cả bàn tay người bán thoăn thoắt gói từng chiếc bánh như gửi cả tình thân vào đó.
"Đi Huế mà ăn theo review thì chỉ mới biết Huế được một nửa"
Có người nói như thế. Thật vậy. Muốn hiểu Huế, thương Huế, phải học cách ăn như người Huế. Phải sẵn sàng ghé vào một quán nhỏ xíu ở ven đường chỉ vì thấy đông người bản địa ngồi ăn. Phải biết rằng, bún bò Huế đúng vị là phải dùng bún sợi nhỏ, nước trong veo nhưng đậm đà, và nhất định phải có chút mắm ruốc hoà vào cho dậy hương.
Ở Huế, người ta ăn từ tốn. Không vội vàng, không tất bật. Mỗi bữa ăn là một khoảnh khắc thưởng thức, là dịp để trò chuyện, để nhâm nhi và ngẫm ngợi. Có lẽ vì vậy mà Huế luôn chậm rãi, dịu dàng và để lại trong lòng người đi cảm giác êm đềm khó tả.

Ảnh: Khánh Hà
Những ngày ở Huế, tôi thường đi bộ nhiều. Không phải để tiêu hoá cho nhanh, mà vì muốn cảm nhận thành phố này bằng tất cả giác quan. Sáng sớm dậy, tôi ghé quán bún bò gần chợ Đông Ba, chẳng tên tuổi gì, chỉ vài cái bàn nhựa và bà cụ nhẹ nhàng múc từng vá nước dùng, nhưng ngon không tưởng. Cái ngon ở đây không phải vị giác hoàn hảo kiểu nhà hàng 5 sao, mà là cái cảm giác được ăn như người nhà. Thân tình, yên tĩnh, không cầu kỳ, không trang trí.
Ở Huế, bạn không cần phải biết chính xác mình sẽ ăn món gì. Chỉ cần để bụng đói, đi chầm chậm, ngửi mùi trong gió, dừng lại nơi tim mình rung lên vì hình ảnh gánh hàng rong hay tiếng xì xụp của quán nhỏ ven đường. Đôi khi, thứ bạn cần để hiểu Huế không phải là bản đồ ẩm thực, mà là một trái tim tò mò và một chiếc bụng trống.
Người Huế thích những điều nhỏ nhặt. Và trong ẩm thực, cái nhỏ nhặt đó chính là sự chỉn chu. Một dĩa bánh bèo, mỗi chén nhỏ xíu, nhưng topping được xếp gọn gàng, hành phi vừa tới. Một bát bún hến, nhỏ nhưng đầy ắp sự hòa quyện giữa ruốc, tóp mỡ, rau thơm và... chanh giấy. Dù bạn là ai, khách du lịch hay người quen, người Huế vẫn phục vụ như nhau vì món ăn là đại diện cho cái tôi bản sắc của họ.
Tôi đã mang về Hà Nội vài trái chanh giấy, vài lọ mắm ruốc cùng tôm chua và vài ba chục chiếc bánh bột lọc mới làm. Nhưng điều tôi mang nhiều nhất, là cách nhìn khác về ẩm thực, cách mà một miếng chanh nhỏ cũng có thể kể một câu chuyện dài. Câu chuyện về một vùng đất, về con người, về văn hóa và cả tình yêu dành cho những gì bình dị nhất.
Nếu có ai hỏi tôi Huế có gì đáng nhớ, tôi sẽ không vội nhắc đến lăng Tự Đức hay chùa Thiên Mụ, cung An Định hay cầu Trường Tiền trước. Tôi sẽ kể về bát bún bò đầu hẻm, về miếng chanh cắt xéo. Tôi nhớ mùi chanh giấy. Mùi ấy khiến tôi muốn quay lại, để lại được vắt miếng chanh nhỏ vào bát bún bò nóng hổi và hít hà như thể chưa từng ăn món gì ngon đến thế. Bởi đôi khi, người ta đâu cần phải ăn món gì lạ lẫm hay cao sang. Chỉ cần một điều nhỏ nhặt đúng vị, đúng lúc như chanh giấy cắt nhỏ ở Huế là đủ để thấy đời thật đẹp.