Chuyên gia giải đáp thắc mắc liên quan đến bệnh thủy đậu: Thuốc xanh đỏ thường bôi là gì? Làm sao phòng sẹo thủy đậu?
Trước tình hình bệnh diễn ra hết sức phức tạp, các chuyên gia khuyên mọi người cần nắm rõ về bệnh thủy đậu để phòng và chữa bệnh hiệu quả hơn.
Trong thời gian gần đây, tại một số bệnh viện trên địa bàn cả nước đã ghi nhận nhiều ca thủy đậu. Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, nói to hoặc chảy mũi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ nốt phỏng khi bị vỡ ra, từ vùng da bị tổn thương của người mắc bệnh.
Dưới đây, BS CKII. Nguyễn Thị Thanh Thuỳ, trưởng khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da Liễu Trung ương), đã có trao đổi về bệnh thủy đậu và cách điều trị bệnh hiệu quả.
Thuốc xanh đỏ thường dùng để bôi cho bệnh nhân thủy đậu là gì?
Theo kinh nghiệm dân gian, người dân thường tự mua các thuốc Castellani (màu đỏ) hoặc xanh Methylene (có màu xanh) về bôi lên các nốt thủy đậu.
Castellani bao gồm các thành phần: Basic fuchsin (có đặc tính diệt khuẩn và diệt nấm); Ethyl alcohol (làm lạnh); Acetone (làm mát và làm sạch); Resorcinol (chống ngứa, bạt sừng, chống nấm). Castellani được chỉ định ưu tiên với nấm bẹn và viêm kẽ do Candida, đặc biệt trên đối tượng sử dụng corticoid lâu dài. Tuy nhiên, chỉ định này chủ yếu bôi ở diện nhỏ.
Xanh Methylene chỉ có một thành phần duy nhất là Xanh methylene, có thể dùng trong một số bệnh (đường uống hoặc tiêm) và tương đối an toàn.
Tác dụng diệt khuẩn của các thuốc này trên da không có bằng chứng rõ ràng. Trong khi, tác hại có thể nhìn thấy khi dùng loại thuốc này là bẩn người và quần áo. Ngoài ra, castellani khi sử dụng trên diện rộng có thể hấp thu toàn thân và gây độc, nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Khuyến cáo với thủy đậu, mọi người chỉ cần dùng các thuốc bôi mỡ hoặc cream kháng sinh tại chỗ nếu có bội nhiễm. Khi bội nhiễm toàn thân, cần dùng kháng sinh đường uống.
Chữa thủy đậu như thế nào để nhanh khỏi?
Với các trường hợp tổn thương da ít, không có triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, sốt,.. có thể chăm sóc và theo dõi ở nhà.
Cần tắm sạch sẽ để tránh nhiễm trùng trên da.
Hạn chế gãi, chà xát để tránh lây lan và để lại sẹo trên da.
Với các trường hợp nặng cần đi thăm khám bác sĩ sớm để điều trị và dự phòng biến chứng.
Cách phòng ngừa sẹo thủy đậu
Khi có triệu chứng cần đi thăm khám bác sĩ sớm để tránh lây lan nhiều tổn thương.
Hạn chế gãi, chà xát lên da làm lây lan và để lại sẹo lõm.
Bôi thuốc kháng sinh ngày 2 lần, sáng – tối để tránh bội nhiễm.
Tắm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ để giảm triệu chứng ngứa, hạn chế bội nhiễm vi khuẩn lên da
Khi tổn thương lên vẩy, tránh cậy vảy sớm dễ để lại sẹo lõm, có thể bôi thêm dưỡng ẩm, các kem làm lành sẹo để sẹo hồi phục nhanh hơn.
Phụ nữ có thai có nên dùng thuốc chữa thủy đậu?
Thủy đậu là bệnh do virus varicella zoster gây nên, vì vậy thuốc điều trị chính của bệnh là thuốc kháng virus acyclovir. Dựa theo lứa tuổi, cân nặng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng thuốc phù hợp.
Theo hiệp hội FDA phân loại B cho thai kì nên thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ có thai.
Có thể chữa bệnh thủy đậu bằng thuốc nam không?
Thủy đậu là bệnh do virus varicella zoster gây nên, vì vậy thuốc điều trị chính của bệnh là thuốc kháng virus acyclovir.
Các loại thuốc nam thường không có thành phần rõ ràng nên khó đánh giá được tác dụng điều trị của thuốc.
"Ngoài ra, chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân dị ứng thuốc nam nặng sau khi dùng thuốc. Vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ thủy đậu người dân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị sớm", BS Nguyễn Thị Thanh Thuỳ, chia sẻ.