Chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm, có thể kéo dài đến năm sau

HỒNG VÂN,
Chia sẻ

Theo khảo sát hàng quý với các chuyên gia kinh tế của Hãng tin Bloomberg công bố ngày 28-8, kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ chỉ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 3,9%.

Chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm, có thể kéo dài đến năm sau - Ảnh 1.

Nhiều người mua nhà ở Trung Quốc đã ngừng thanh toán cho ngân hàng để phản đối tình trạng chậm tiến độ của các dự án - Ảnh: REUTERS

Tăng trưởng dự báo cho ba quý đầu năm 2023 cũng thấp hơn, mặc dù dự báo cho cả năm 2023 không thay đổi - 5,2%.

Khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, đó là vấn đề với tất cả mọi người. Khi tăng trưởng của Trung Quốc tăng lên, đây là tin tốt với tất cả - Ông Antonio Majocchi (giáo sư về quản lý toàn cầu của khoa kinh doanh và quản lý tại Đại học LUISS ở Ý).

Nhiều "cú sốc"

Giới kinh doanh và người tiêu dùng Trung Quốc đã gặp một cú sốc lớn trong năm nay, khi dịch COVID-19 đã buộc các thành phố lớn như Thượng Hải phải phong tỏa dài ngày và các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.

Khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản cũng trầm trọng hơn trong năm nay, với việc người mua nhà ở nhiều địa phương tại Trung Quốc đồng loạt ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp với ngân hàng do các dự án họ mua chậm tiến độ.

Gần đây, thời tiết nắng nóng và hạn hán cũng dẫn đến tình trạng thiếu điện và một số nhà máy phải ngừng hoạt động.

Ông Brendan McKenna, nhà kinh tế quốc tế tại Ngân hàng Wells Fargo & Co., cho biết những yếu tố rủi ro khiến dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống có thể kéo dài đến năm sau.

Ông McKenna cho rằng nhiều khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trên 3% chút ít trong năm nay, nhưng cũng có nguy cơ tăng trưởng sẽ dưới mức này nếu hoạt động kinh tế tiếp tục chậm lại.

Cần lưu ý rằng các con số và nhận định này là khảo sát của riêng Bloomberg. Cho đến hơn một tháng trước, tại đối thoại trực tuyến với lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức vào ngày 19-7, Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn xác định Trung Quốc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay.

Gói kích thích 43 tỉ USD

Cố gắng phục hồi nền kinh tế là trọng tâm của một gói kích thích khổng lồ được Trung Quốc công bố trong tuần qua, gồm 300 tỉ nhân dân tệ (43 tỉ USD) chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mới và 500 tỉ nhân dân tệ (72 tỉ USD) để gia hạn khoản vay cho chính quyền địa phương.

Các nhà kinh tế được báo The Guardian của Anh phỏng vấn cho rằng gói kích thích có thể không mang lại nhiều tác động trong một nền kinh tế vốn đã tràn ngập vốn đầu tư.

Thay vào đó, điều cần thiết là các hộ gia đình Trung Quốc cần có nhiều tiền mặt trong tay hơn để tái cân bằng nền kinh tế khỏi mô hình đầu tư cũ.

Chuyên gia nhận định Bắc Kinh có tiền và có thể cứu trợ lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, có vẻ như cho đến nay Chủ tịch Tập Cận Bình không thay đổi quyết tâm chấm dứt tình trạng đầu cơ nhà ở Trung Quốc để xây dựng một xã hội hài hòa.

Các ngành công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc đã và đang phát triển tốt, bất chấp chiến tranh thương mại và các đợt phong tỏa.

Tuy nhiên, chính điều này cũng là một nguy cơ vì dự báo nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới sẽ lao dốc trong 12 tháng tới và kinh tế Trung Quốc sẽ lao đao theo.

Điểm sáng hiếm hoi

Theo Tân Hoa xã ngày 27-8, Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cũng vừa công bố tin vui là doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng 7 của nước này tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù thấp hơn doanh số của tháng 6 là 3,1%.

NBS nhận định nền kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7 "duy trì động lực phục hồi" trong bối cảnh "môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và đầy thách thức" và sự bùng phát thường xuyên và lẻ tẻ của COVID-19 trong nước.

Dù vậy, giới phân tích dự đoán mức tăng trưởng cả năm nay của Trung Quốc sẽ thấp hơn mức mục tiêu khoảng 5,5% do chính phủ đề ra.

Chia sẻ