Chuyên gia chỉ ra các phụ gia thực phẩm nguy hiểm bủa vây mâm cơm hàng ngày
Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm là điều tất yếu. Tuy nhiên, không ít sản phẩm đang bị người sản xuất sử dụng các loại phụ gia thực phẩm cấm.
Khó kiểm soát phụ gia thực phẩm
Theo PGS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thực phẩm Quốc gia, giám sát các vụ ngộ độc thực phẩm thì có nhiều nguyên nhân khác nhau trong việc kiểm soát phụ gia thực phẩm.
Trong số các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận thời gian qua thì nguyên nhân do vi sinh vật chiếm hơn 33%, nguyên nhân do độc tố 25,2%, hoá chất 10,4% và 31% không rõ nguyên nhân.
Một trong những yếu tố khiến các chuyên gia an toàn thực phẩm lo lắng đó là việc sử dụng phụ gia thực phẩm. Ngành công nghiệp phụ gia thực phẩm phong phú đa dạng từ tạo mùi, vị, màu sắc hấp dẫn, tạo cảm giác ngon miêng, bảo quản thực phẩm được dài ngày.
Nhiều phụ gia thực phẩm bị cấm vẫn được sử dụng
Bà Hảo nhấn mạnh, việc sử dụng phụ gia không đúng quy định gây nguy hại cho sức khoẻ ở nước ta còn phổ biến, đặc biệt tình trạng này đang rất khó kiểm soát.
Theo ghi nhận, chúng ta đã phát hiện nhiều vụ việc thực phẩm "tắm" phụ gia cấm trong những năm qua và nó vẫn là tiếng chuông báo động cho người sản xuất lẫn người dùng.
Nhiều phụ gia thực phẩm ngoài danh mục như phẩm màu Rhodamine B trong ớt bột, hạt dưa, malachite green trong cốm, chất làm bóng tinopal trong bún, chất tạo dai, làm chắc như hàn the, formon trong giò, bún, chả, bánh phở…
Chất tạo đục DEHP trong thạch, nước giải khát, axit maleic trong hạt trân châu.
Những phụ gia cực độc
Rhodamin B: Hàng loạt các vụ việc như cơn bão Rhodamin B trong ớt bột, tương ớt, hạt dưa. Đây là chất độc được sử dụng trong công nghiệp nhuộm.
Khi kích thích vào đường tiêu hoá gây nôn ói, kích ứng cho da, mắt và hệ hô hấp, nếu liều cao gây ngộ độc ở gan, thận và người ta đã nghiên cứu nghi ngờ Rhodamine B gây ung thư khi khảo sát trên chuột với liều dùng là 89,5 mg/kg.
Malachite green được người dân sử dụng trong cốm. Năm 2011, hàng loạt các bài báo nói về việc nhuộm xanh cho cốm bằng malachite green.
Cả người mua, người bán đều không biết đây là loại phụ gia độc hại. Test PM kiềm âm tính và đây là phụ gia không có trong danh mục phụ gia được cấp phép của Bộ Y tế. Malachite green trước đây được dùng trong kháng sinh phòng bệnh cho thuỷ sản và nhuộm màu công nghiệp.
Theo bà Hảo, Malachite green có khả năng gây ung thư khi thí nghiệm trên chuột và cấm sử dụng nghiêm ngặt, kiểm tra về dư lượng tại nhiều nước trên thế giới và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước ta cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản. Trong khi đó, kết quả giám sát năm 2012 – 2013 thì 100% mẫu cốm có chứa malachite green.
Tinopal trong bún được phát hiện vào năm 2013. Tinopal thường được dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, vải, sợi nhựa, sơn, mực in hay mỹ phẩm hoặc để tẩy trắng sản phẩm và cải thiện độ bóng bề mặt.
Tinopal không được sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm dưới bất kỳ dạng nào.
Tinopal tác động đến đường tiêu hoá, niêm mạc ruột gây chậm tiêu có thể gây viêm loét ruột, dạ dày…
Hàn the: Có tác dụng giòn, dai, giữ màu và bảo quản được lâu hơn.
Hàn the gây ảnh hưởng tới tiêu hoá, hấp thu, chuyển hoá, ảnh hưởng không tốt tới chức năng thận với biểu hiện ăn mất ngon, giảm cân, tiêu chảy, động kinh, suy thận.
Qua đường tiêu hoá hàn the gây nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau co cứng cơ, chuột rút vùng bụng, ban đỏ da và màng niêm dịch, sốc truỵ tim mạch, nhịp tim nhanh, hoang tưởng, co giật, hôn mê.
Trẻ em ăn 5g hoặc ngoài lớn ăn 50gram axit boric có thể bị tử vong. Chính vì vậy, từ những năm 70 của thế kỷ trước người ta đã cấm không cho dùng hàn the trong chế biến thực phẩm.
Formaldehyde có tác dụng diệt khuẩn, bảo quản, nhưng khi tiếp xúc nó gây kích ứng niêm mạc mắt, rối loạn tiêu hoá, chậm tiêu, gây loét dạ dày, viêm đại tràng, còn nặng gây kích thích đường hô hấp trên. Nếu tiếp xúc lâu dài hay với hàm lượng cao có thể gây tử vong.
Kết quả phân tích 180 mẫu bún bánh phở thu thập trên địa bàn các tỉnh nghiên cứu năm 2017 cho thấy 100% mẫu không phát hiện forrmakdehyde.