Điều chưa kể của ông bố 2 lần "mời" con trai trưởng ra đường và cuộc hôn nhân ngọt ngào không cần đám cưới
Con đang du học thì bỏ ngang, bố giận không cho về nhà. Con chưa cưới hỏi mà đã có cháu, bố giận “mời” ra riêng. Phản ứng tưởng rất “lạnh lùng” ấy, hóa ra lại ẩn chứa bài học sâu xa, mà đến lúc trưởng thành, anh Trúc mới hiểu.
Nhìn vào những nụ cười ấm áp, ánh mắt trìu mến mà gia đình anh Hoàng Thanh Trúc dành cho nhau, nhìn vào cái cách mà 3 thế hệ chung sống yên ổn, nề nếp, hai cháu ríu rít với ông bà, vợ chồng nói nhau nhỏ nhẹ, khó có thể tin mấy năm trước, gia đình anh đã từng trải qua quá nhiều sóng gió. Bên cạnh những thăng trầm trong sự nghiệp, có lẽ 2 mốc thời gian đáng “neo” lại nhất của anh Trúc, đó là 2 lần được bố “mời” ra khỏi nhà.
Lần đầu, đó là khi anh tự ý bỏ dở chương trình du học ở Nga khi chỉ còn khoảng hơn 1 năm nữa là tốt nghiệp.
Từ bé, anh là niềm tự hào không chỉ của bố mẹ mà còn của họ hàng, vì có tố chất tốt, học giỏi, biết giúp bố mẹ việc nhà và đặc biệt ngoan ngoãn. Anh có học bổng du học ở Nga, thi cử những năm đầu toàn đạt điểm tối đa nên bố mẹ càng kỳ vọng nhiều. Học được gần 1 năm, anh chán, muốn bỏ học bổng, chuyển sang trường khác ở Moscow, bố mẹ cũng đồng ý.
Được ít lâu, anh Trúc lại có quyết định táo bạo hơn nữa là bỏ dở học hành, về Việt Nam khởi nghiệp kinh doanh. Trong khi đó, bố mẹ anh Trúc muốn con cái tiến thân bằng con đường học hành nghiêm túc, trở thành công chức Nhà nước.
Tâm sự về quyết định ấy, anh bảo, hồi 22, 23 tuổi người ta chẳng nghĩ gì nhiều. Chỉ đơn giản là thích gì làm nấy, nghĩ rằng không học hành đến nơi đến chốn, không có bằng cấp cũng chẳng hề gì. Thế là anh chọn con đường phiêu lưu. Ý tưởng đó không được gia đình ủng hộ, và bố anh là người nổi giận nhất.
Ông bố đã từng bỏ rất nhiều công sức vào việc học của con trai, hồi con “nổi loạn” những năm cấp 3, ông thậm chí phải ngồi ngoài cổng trường canh để con không trốn học đi chơi. Hết lòng vì con thế nên đã quyết định “mời” con ra riêng khi con bỏ học giữa chừng về Việt Nam.
Vất vả một thời gian dài khởi nghiệp với nghề buôn điện thoại, đi tỉnh này tỉnh kia, thuê trọ và chỉ thỉnh thoảng tạt về thăm bố mẹ, đến khi thấm thía đủ khó khăn, anh mới được về nhà sống.
Sóng gió nổi lên lần thứ hai, dữ dội hơn cả lần đầu, là khi anh Trúc và chị Giang có bé Tùng, khi cả hai chưa ra mắt gia đình, chưa kết hôn. Ngày ấy, công việc của hai người đều chưa ổn định, thu nhập vẫn bấp bênh. Tuy không cấm cản con yêu đương, nhưng việc anh Trúc đặt bố mẹ vào tình thế khó xử, lại thêm việc kinh tế chưa ổn định mà vội có con đã khiến bố nổi giận. Một lần nữa, bố lại cho anh ra riêng.
Em gái anh Trúc kể, không phải vì bố quá giận, hay vì anh đã gây tội “tày đình” mà bị đuổi đi. Thực ra, ý đồ của bố là dạy cho anh bài học về trách nhiệm với gia đình.
Cô vẫn nhớ câu chuyện bố kể hồi ông khoảng 25 tuổi, có công ăn việc làm Nhà nước rồi, dắt mẹ cô về xin cưới mà còn bị ông nội vác gậy đánh, bảo chưa làm được gì thì lấy gì nuôi vợ. Hồi đấy cưới xong, ông nội cũng cho một góc đất bắt ở riêng, trong khi cả đại gia đình thì vẫn ở chung.
Đến lượt mình, ông xử trí y hệt với anh Trúc, chỉ có điều, ngoài mặt tỏ vẻ cứng cỏi, không nhận dâu, nhận cháu, không đồng ý cho con trai ở nhà, nhưng đằng sau vẫn âm thầm vun vén, chăm lo.
Ông bà ngầm tác động để anh Trúc và vợ về ở (thuê) nhà dì ruột, để dì để ý chăm sóc những ngày đầu còn sốc, bỡ ngỡ khi “tự nhiên” có vợ, có con. Để rồi hơn 1 năm sau đó, khi cu Tùng đã cứng cáp, anh Trúc đã chín chắn, ông lại đánh tiếng với vợ để gọi con cháu về nhà sống cùng nhau đến giờ.
Nhiều khi, những bài học bố mẹ đưa cho, ngay lúc đó chúng ta chưa hiểu, chưa thấm, phải nhiều năm sau nhìn lại mới hiểu được ý đồ sâu xa. Đến giờ, ông bố “núi lửa” bên ngoài điềm đạm, bên trong ấm áp của anh Trúc vẫn ít khi trò chuyện với con trai, nhưng tình yêu thì không giấu nổi, để ý một tí là lộ ngay.
Anh Trúc thường đi làm về muộn, và hôm nào cũng thế, bố mẹ anh luôn để đèn sáng trưng, đợi anh về mới tắt. Ông cũng mua bảo hiểm cho con trai và các cháu, bệnh viện chữa bệnh cũng âm thầm chuyển cho con sang viện tốt.
Còn anh Trúc, hỏi lại chuyện cũ, anh nói chẳng có gì trách móc, vì bố vẫn luôn là bố, và anh biết, ông yêu thương mình theo cách riêng. Theo lời em gái, anh có một sự ngưỡng mộ ngầm giấu, kiểu như luôn tin bố là người có thể làm tất cả mọi thứ trên đời, có vấn đề gì là bảo em gái về hỏi bố. Hoặc như hồi bố nằm viện, ông bảo không cần phải trông, nhưng mấy đêm, anh Trúc vẫn cứ loanh quanh ngoài cửa phòng cho an tâm.
Điều anh cảm thấy vui nhất, ấy là ông cứng với con bao nhiêu thì mềm mỏng, chiều chuộng hai đứa cháu nội bấy nhiêu, mà mọi người trong nhà trêu là ông “đội cháu lên đầu”. Công việc của anh bận rộn nên không có nhiều thời gian chăm sóc con, may sao có ông nội “cân tất”. Hai đứa đi học về là sà vào lòng ông, ông dạy học, cho ăn, chơi với chúng.
Như cu Tùng nhé, thằng bé giống bố thì ít mà giống ông nội thì nhiều. Ông thích đưa Tùng đi khắp nơi, từ đi chợ đến công ty ông làm việc rồi cả đi cafe cùng bạn bè, hễ ai khen cháu giống ông là ông sướng âm ỉ. Có cái tóc của cháu ông cũng phải tự cắt. Có hôm đi công tác 2 ngày, không được gặp lũ trẻ, vừa về là ông đi thẳng đến trường đón cháu luôn.
Cuộc sống bình yên hiện tại, nói vậy, cũng không phải dễ dàng mà có. Lòng người bố “núi lửa” cũng chẳng dễ mà nguôi giận, tâm tư của người con giàu tình cảm cũng không bỗng dưng mà lặng sóng, nếu không có những người phụ nữ của gia đình - những người se tơ.
Sở dĩ nói thế, là bởi mối liên kết giữa hai người đàn ông với gia đình, gọi là bền vững cũng đúng, nhưng bảo là mong manh cũng chẳng sai. Cả hai lần anh Trúc nếm bài học của bố là hai lần bị ép ra riêng trong một trạng thái na ná như câu thơ Kiều: “Dẫu lìa ngó ý vẫn vương tơ lòng”. Nó vừa có sự đứt gãy pha chút tổn thương, vừa có bao nhiêu là trăn trở, ràng buộc tình nghĩa, như chiếc ngó sen, dù bị ngắt lìa nhưng những sợi tơ vẫn không đứt hẳn mà vẫn cứ vương vấn nối liền nhau.
Mẹ anh chính là người âm thầm gắn kết gia đình, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của cu Tùng. Bố không ra mặt, nhưng mẹ anh vẫn về quê vợ nhận dâu nhận cháu. Khi cu Tùng sinh ra rồi, cứ 2 - 3 hôm bà lại sang chơi một lần, thủ thỉ trò chuyện cho con dâu đỡ tủi thân. Rồi cả em gái anh Trúc cũng đi cùng, quay clip, chụp ảnh cậu bé ngủ, ê a hóng chuyện, ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của cháu.
Không chỉ anh Trúc, chị Giang thấy lòng dịu đi vì mẹ và em vẫn quan tâm, mà cả “đối phương” cũng mềm nhũn khi suốt ngày được nghe chuyện cháu, được xem ảnh cháu. Khi cu Tùng được 3 tháng, cứng cáp rồi thì bà nội đưa về nhà ra mắt, cách vài ngày lại đưa cháu về nội vài tiếng, rồi đưa sang “trả” bố mẹ. Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, ông thấy cháu lớn lên mỗi ngày, tự tay ẵm bồng thành ra quấn quýt.
Cho đến một ngày, bà sang nói với con trai: “Bố bảo các con đem cháu về nhà ở đi”, thế là người se tơ đã nối liền sự đứt gãy. Rồi đến ngày cu Tùng thôi nôi, không có đám cưới rình rang, không có tiệc tùng xa hoa gì, nhưng nhà ngoại đã tới gặp mặt đáp lễ nhà nội, cùng ăn một bữa cơm, thế là huề.
Lại nói về chị Giang, vì yêu anh Trúc mà cũng âm thầm kết nối, cùng anh nhích từng chút một để đến ngày được bố chồng hoàn toàn chấp nhận. Chị “tự thú”, thời điểm có thai Tùng, dù vui nhưng cực kỳ áp lực, chị đã nghĩ đến việc chia tay anh, nuôi con một mình. Nhưng yêu anh, thương sự dịu dàng, kiên nhẫn, kiên định của anh khi bảo vệ vợ con bằng mọi giá, cảm kích những chăm sóc của dì chồng, mẹ chồng, chị lại gạt lệ mà chọn cách bước tiếp cùng anh.
Những khó xử và tủi thân khi chưa từng được làm đám cưới, khi phải đứng ngoài lề gia đình ngay lúc bắt đầu, khi chọn theo anh thuê trọ ở nhà dì anh thay vì về sống cùng với mẹ ruột; bao âu lo khi có bé Cúc trong khi chưa thực sự hòa nhập với gia đình chồng, kinh tế lại bấp bênh, những suy nghĩ tiêu cực... trong chị, không phải chưa từng có. Nhưng bây giờ, nó giống như kỷ niệm, như một cuốn phim cũ, để nhắc nhớ chị trân trọng thành quả của hiện tại thôi.
Anh Trúc bảo, có lẽ đợi đến kỷ niệm 20 năm bên nhau, anh sẽ tổ chức tiệc rình rang như một sự bù đắp cho vợ. Còn chị Giang thì bảo, từ lâu chị đã chẳng còn mơ mộng gì về đám cưới nữa. Vì quan trọng là kết quả sau cùng, là hành trình yêu thương mà anh chị đã đi qua, là 2 đứa con khỏe mạnh, lanh lợi. Là một cuộc sống hòa bình giữa các thành viên, không có mâu thuẫn gì căng thẳng nữa.
Lâu lâu như mọi cặp vợ chồng, anh chị có một vụ giận dỗi nhau thôi, nhưng 1 - 2 ngày là hết, ai bị giận thì đều biết và tự xem lại mình, tự nhận ra vấn đề và người giận cũng tự hết. Là một gia đình “núi lửa” hiểu theo nghĩa tích cực, tức là bên ngoài có thể không quá sôi nổi, nhưng bên trong, dòng dung nham yêu thương vẫn đang chảy, giữ năng lượng yêu thương cho tất cả.
Chiến dịch “Cả nhà ơi, cười lên nhé!” là chuỗi hoạt động được tổ chức bởi aFamily.vn mang đến những câu chuyện gia đình đầy xúc cảm, những khoảnh khắc khóc dở mếu dở cười cực yêu, những cảm hứng tích cực để ta thêm quan tâm, trân quý nhà mình hơn qua từng khung hình. Trải qua thử thách để hình ảnh gia đình “chiếm sóng” Facebook trong 7 ngày, độc giả được nhận một tấm postcard đặc biệt với hình ảnh của chính gia đình mình. Ngoài ra, chuyên mục “Cả nhà ơi" Confession sẽ là nơi để mọi người thỏa sức nói về gia đình mình, chia sẻ những câu chuyện hay bí mật vốn chỉ mình mình biết, những điều giữ trong lòng lâu nay mà không dám nói với ai.
Còn chần chừ gì mà không rủ rê các thành viên trong gia đình tham gia chiến dịch “Cả nhà ơi, cười lên nhé!” ngay hôm nay thôi!
Cảm ơn Tròn Creative Studio và Popli Make Up đã đồng hành với chúng tôi thực hiện bài viết này!