Chuỗi ngày ăn cơm chan nước mắt, đến bữa chỉ còn tí nước canh khi ở cữ cùng mẹ chồng keo kiệt
Có những hôm cho con bú xong đói bụng đến thắt ruột, Hoa mua bánh về cất trong tủ để ăn dần thì mẹ chồng lôi ra, bỏ luôn vào tủ của bà...
Hồi mới yêu, Hoa chẳng mấy bận tâm tới sự khác biệt về điều kiện giữa mình và Tuấn. Cô gạt ngang sự phản đối của bố mẹ, từ bỏ cuộc sống của một cô tiểu thư được yêu chiều để về làm vợ Tuấn, sống trong một phòng trọ nhỏ bé. Hoa cứ nghĩ mọi chuyện cũng đơn giản thôi. Hai vợ chồng chỉ cần tình yêu là đủ, rồi cuộc sống sẽ vẫn bình yên và hạnh phúc.
Đến khi Hoa chuẩn bị sinh con, Tuấn bàn với cô việc về quê anh đẻ. Ở nhà có bố mẹ chăm, thực phẩm lại sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và Hoa có thể được kiêng cữ kỹ càng. Vì mẹ Tuấn vốn là một người rất cẩn thận, lúc nào cũng có trong tay rất nhiều bí quyết giữ gìn sức khỏe và làm đẹp bằng các phương pháp tự nhiên. Hoa nghe Tuấn nói vậy thì cũng đồng ý mà không biết rằng chuỗi ngày cơ cực của cô bắt đầu từ hôm ấy, khi cô phải sống chung với mẹ chồng vừa ghê gớm, keo kiệt lại không biết điều.
Mỗi tháng, Hoa đều đưa cho bà 3 triệu tiền ăn nhưng cô lúc nào cũng trong trạng thái đói và thèm ăn đến phát bực lên được. Chưa bao giờ, Hoa thấy vì miếng ăn mà phải chịu tủi nhục đến thế. Bữa trưa và tối, Hoa thường cho con ti hoặc uống sữa công thức, nhưng bố mẹ chồng chẳng bao giờ đợi cô xong việc để cả nhà cùng ăn. Mỗi lúc đặt con ra và đi vào bếp là Hoa đã thấy một mâm bát chất sẵn đợi mình. Nhưng sẽ là chẳng có gì đáng nói nếu phần cơm mẹ chồng trừ lại cho cô lúc nào cũng vỏn vẻn mỗi tí ti thức ăn, không được là bao, thậm chí có hôm còn duy nhất bát nước canh.
Ảnh minh họa
Thỉnh thoảng, mẹ chồng lên bế cháu cho, bảo: “Còn đĩa thịt gà đấy, xuống mà ăn đi!”, thì Hoa càng muốn khóc ròng khi nhìn cái đĩa chỉ còn duy nhất một miếng đầu và một miếng cánh. Phần chân gà thì bố chồng cũng chấm chanh súp nhắm rượu hết rồi. Hoa đành chan nốt nước canh, lùa vội bát cơm cho xong rồi lại bưng mâm đi rửa.
Chưa hết, nhà chồng Hoa nấu gì cũng mặn, ăn uống rất dè xẻn. Nhà có 4 người thì cũng chỉ kho 2 quả trứng, đến bữa không biết phải ăn cái gì nữa. Hoa có chủ động mua thức ăn về nấu thì mẹ chồng cũng không đụng đũa vào. Bà còn bĩu môi, xóc mé: “Mua làm gì cho tốn tiền. Thừa tiền thì đưa đây cho tôi!”. Hoa cứng họng, cảm giác miếng thịt vừa gắp mắc nghẹn trong cổ, nuốt không trôi.
Tuấn ở xa, chẳng giúp gì được cho mẹ con cô, chỉ nghe vài điều tâm sự rồi cũng ậm ừ cho qua. Chắc anh cũng hiểu được tính bố mẹ mình và chẳng muốn vợ kể lể nhiều nên Hoa chỉ biết tủi thân ngồi khóc. Chưa kể đến việc mẹ chồng suốt ngày bóng gió chuyện bà phải chăm hai mẹ con Hoa, lúc nào cũng kêu vất vả không ai đỡ đần…
Hoa vốn là gái thành phố, tuy gia đình không giàu có nhưng chưa bao giờ phải lo chuyện ăn uống, mọi thứ đều đủ đầy. Từ khi sống chung với mẹ chồng, Hoa vô cùng mệt mỏi, khổ từ chuyện ăn khổ đi. Thế nhưng cô lại chẳng dám nói với bố mẹ, sợ bố mẹ buồn, thương con gái rồi lại lo nghĩ.
Có những hôm cho con bú xong đói bụng đến thắt ruột, Hoa mua bánh về cất trong tủ để ăn dần thì mẹ chồng lôi ra, bỏ luôn vào tủ của bà, khóa lại rồi bảo “Chỉ giỏi tha kiến vào phòng!” khiến Hoa như muốn phát điên. Mẹ chồng tính nhỏ nhen, dành từng miếng ăn với cả con dâu đang ở cữ như thế, thì làm sao Hoa có thể chịu đựng được?
Những tật xấu khác của mẹ chồng, Hoa chắc có kể đến tết Tây năm sau cũng chẳng xuể được. Nhớ những hôm có người đến mừng đẻ mẹ con Hoa, bà cũng cầm luôn phong bì. Trong nhà đụng đến cái gì, bà cũng gọi điện gợi ý cho Tuấn gửi tiền về mua. Từ cái tivi, tủ lạnh cho đến cái xe đạp điện bà đi chợ… Tháng nào ngoài tiền ăn, Tuấn cũng phải gửi thêm cho mẹ vài triệu mà bà vẫn kêu nhiều, khiến vợ chồng Hoa có cố cũng chẳng tích cóp được bao nhiêu.
Hôm nay, nhìn bà luộc mấy củ khoai tây nhà trồng rồi dọn ra mâm mà Hoa lại chỉ biết thở dài. Vẫn biết nhà có gì ăn nấy, bà không mấy khi bỏ tiền ra để mua thức ăn nhưng cô đã quá chán nản rồi. Hoa tự hỏi, không biết ở thời đại này, có ai làm dâu còn khổ cái chuyện ăn uống như mình không nữa…